Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Tiếp theo kỳ trước

Tin liên quan
Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Tiếp theo kỳ trước

Chương Chín: Trận địa chiến hào

Ta chính thức chấp nhận sự thách thức từ lâu của kẻ thù, chấp nhận một trận đánh "mặt đối mặt".

Bên cạnh tập đoàn cứ điểm cũ của địch đã có một, “tập đoàn cứ điểm thứ hai, một tập đoàn cứ điểm di động”.

Hình thái chiến tranh trận địa bắt đầu xuất hiện tại Điện Biên Phủ.

Có những người đã viết về chiến tranh chiến hào là nó thường xuất hiện khi lực lượng đôi bên đối địch không chênh lệch, không thể tiêu diệt nhau, và cũng là lúc họ không còn muộn mở những cuộc tiến công. Những người lính đôi bờ chiến tuyến đứng nhìn nhau, đôi lúc quên cả ác cảm, và trở thành những người bạn chốc lát. Trường hợp của chúng ta không có gì giống như vậy.

Các nhà lý luận quân sự thường cho rằng: kẻ mạnh bao giờ cũng chọn cách tấn công, cũng như kẻ yếu bao giờ cũng chọn cách phòng ngự. Ở đây, Pháp là kẻ mạnh, chúng là quân đội nhà nghề, có trong tay mọi thứ vũ khí hiện đại: không quân, tàu sân bay, xe tăng, pháo 155 ly..., nhưng chúng lại chọn cách phòng ngự! Không phải kẻ địch mù quáng. Chúng biết với những ưu thế hiện nay chưa thể thắng ta trên chiến trường rừng núi. Với sự lựa chọn này, chiếm những điểm cao khống chế, xây dựng trận địa phòng ngự vững chắc, sức mạnh của chúng sẽ tăng gấp bội... Còn chúng ta là kẻ yếu, về cơ bản chỉ là một quân đội bộ binh đơn thuần, nhưng lại chọn cách tiến công!

Lịch sử đã đưa hai đội quân tới trận đánh quyết định tại một nơi không hẹn trước là Điện Biên Phủ, trên cánh đồng Mường Thanh. Chúng ta đã chọn hình thức tác chiến bằng trận địa bao vây và tiến công.

 Nhân dân các thị trấn ở Thanh Hóa tiễn các đoàn dân công xe đạp thồ lên đường phục vụ tiền tuyến năm 1954. Ảnh tư liệu

Cũng là những đường hào, những ụ súng, hầm hố, nhưng trận địa ta và địch có những tính chất hoàn toàn khác biệt. Trận địa địch mang tính phòng ngự tuyệt đối. Còn trận địa ta mang tính tiến công. Một bên hoàn toàn cố định, một bên vẫn có tính cơ động. Trận địa của ta không ngừng phát triển. Nó không chỉ là chiến tuyến, cung cấp nơi ẩn náu an toàn của bộ đội. Nó tạo điều kiện cho ta tiếp cận dễ dàng các cứ điểm địch, tung ra những đòn tiến công bất ngờ, cho phép ta đối phó hữu hiệu với những cuộc phản kích, cũng như rút lui an toàn khi cần kết thúc trận đánh, giúp cho cán bộ, chiến sĩ có những sáng tạo bất ngờ trong quá trình chiến đấu.

Người ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt của trận địa ta và trận địa địch trên chiến trường.

Trận địa địch là những đường hào, hầm hố đỏ quạch, bố trí rất tập trung, khép kín, nằm chết cứng giữa rừng dây thép gai màu chì và bãi mìn, chi chít những chiếc dù sặc sỡ. Trận địa ta là một đường hào trục chạy dài ngút tầm mắt bao quanh trận địa địch, không có vật cản, thuần một màu đất đỏ tươi, bên trong có nhiều nhánh vươn về phía trận địa địch, trong quá trình phát triển tự nó lại mọc thêm những nhánh mới. Vòng dây khổng lồ, sinh sôi nhanh chóng này, chính là cái sẽ quyết định số phận của con nhím thép Điện Biên Phủ.

Địch đã phản ứng rất mạnh trước sự phát triển những đường hào, gay gắt hơn cả khi những trung tâm đề kháng của phân khu bắc nối tiếp nhau sụp đổ. Điều đó chứng tỏ chúng ta đang tiến bước trên con đường chiến thắng.

Về sau chúng ta biết, thời gian này, tại sở chỉ huy của Cônhi ở Hà Nội, một số sĩ quan có tuổi khi xem những bức ảnh máy bay chụp hàng ngày về sự phát triển nhanh chóng những chiến hào của ta, đã liên tưởng tới cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất 1914 – 1918 mà họ đã tham dự. Họ lưu ý Cônhi phải chuẩn bị ngay cho Đờ Cát tư tưởng đối phó với chiến tranh chiến hào (guerre de tranchée). Như họ đã biết, mìn và vũ khí chống mìn là đặc điểm của loại chiến tranh này. Cônhi ra lệnh ngay cho Đờ Cát chuẩn bị một cuộc chiến bằng chiến hào. Chiều ngày 22 tháng 3, Đờ Cát thông báo bằng điện riêng cho Cônhi là mình không có chuyên gia và cũng không có dụng cụ công binh để tiến hành loại chiến tranh này. Ngày hôm sau, Đờ Cát lại điện yêu cầu Cônhi cung cấp cho mình những nguyên tắc về tổ chức trận địa, làm thành bốn bản, và những tài liệu khác liên quan tới chiến tranh chiến hào. Ngày 23, Cônhi ra lệnh cho Đờ Cát hãy nối tất cả những cứ điểm bằng đường hầm bảo đảm sự liên lạc giữa chúng, đặt mìn, đặt bẫy vào đường hào của đối phương, và dùng lực lượng nhỏ tuần tiễu những đường hào kẻ địch mới đào. Thực ra, Đờ Cát đã làm những việc này với tất cả khả năng của mình, và không có vật liệu phương tiện, kể cả sức lực để làm tiếp những con đường hầm mà Cônhi đã ra lệnh!

Từ mọi hướng, chiến hào của chúng ta vẫn phát triển một cách vững chắc tới gần trận địa trung tâm của địch. Theo đúng kế hoạch, nó đã tiến vào những trung tâm đề kháng mục tiêu của đợt tiến công sắp tới. Ở phía đông, nó đã vào gần các điểm cao E, D1, C1, A1. Ở phía tây, ngày 24 tháng 3, một mũi chiến hào chỉ còn cách hàng rào dây thép gai 106, thuộc cụm cứ điểm trực tiếp bảo vệ sân bay Mường Thanh 50 mét.

(Còn nữa)

PV

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy