Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Tiếp theo kỳ trước

Tin liên quan
Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Tiếp theo kỳ trước

Chương Mười Hai: Tất cả để chiến thắng

Tại Trung Lào, các trung đoàn 66 và 18 tiếp tục hoạt động giam chân quân cơ động địch ở Xênô, cùng với quân giải phóng Ítxala Lào đánh Chămpátsắc tiêu diệt và làm tan rã quân địch ở đây, bắt sống Phó vương Bun Ùm ở Đôntalạt. Tại Campuchia, trung đoàn 101 tiến sâu vào Đông Bắc Campuchia, vượt sông Mê Công... Cuối tháng Tư, một vùng rộng lớn đông - nam tỉnh Prétvihia và đông - bắc tỉnh Công Pông Thom giải phóng. Một bộ phận của trung đoàn 101 thọc sâu vào tỉnh Krachiê bắt liên lạc với Nam Bộ. Hướng về Điện Biên Phủ, tất cả các chiến trường trên toàn Đông Dương không ngừng hoạt động suốt Đông Xuân 1953-1954 để tạo điều kiện cho chiến trường chính giành thắng lợi cuối cùng.

Tổng thống Aixenhao đã mắc nợ với cử tri Mỹ lời hứa khi tranh cử là sẽ tạo một không khí hòa dịu trong tình hình quốc tế đang bị đầu độc vì chiến tranh lạnh giữa Tây và Đông. Nhưng ông ta không thể giữ thái độ thờ ơ trước lời kêu cứu của nhà cầm quyền Pháp.

Các quan chức Mỹ trao đổi nhiều lần, tìm cách giải nguy cho Điện Biên Phủ. Có ý kiến đề xuất đưa 8 sư đoàn chiến đấu, 35 tiểu đoàn công binh... và các phương tiện bảo đảm pháo binh, hậu cần, đổ bộ vào châu thổ sông Hồng . Nhưng kế hoạch này bị gạt vì lục quân Mỹ chưa sẵn sàng, và Mỹ đã có kinh nghiệm đưa bộ binh vào Bắc Triều Tiên. Rátpho nghiêng về ý kiến dùng không quân chiến lược Mỹ ném bom, phù hợp với chiến lược “trả đũa ồ ạt”.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ.
Ảnh tư liệu: NDO

Trong hồi ký “Không có thêm những Việt Nam mới" (No more Vietnams), Níchxơn viết: Đô đốc Rátpho, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, đề nghị chúng ta dùng 60 máy bay ném bom B.29 ở Philíppin mở các cuộc đột kích vào ban đêm để tiêu diệt các vị trí của Việt Minh. Và đặt ra kế hoạch mang tên "Cuộc hành binh Chim kền kền" (Opération Vautour) nhằm đạt cùng mục tiêu với ba quả bom nguyên tử chiến thuật nhỏ. Một số tài liệu khác còn cho thấy kế hoạch Rát pho được Hội đồng An ninh quốc gia phê chuẩn, và "trong thực tế, Mỹ đã có quyết định tạm thời về việc tham chiến ở Đông Dương vào ngày 25 tháng 3 năm 1954” , và trên văn bản của Hội đồng An ninh quốc gia có ba chữ D.D.E (Dwight D.Eisenhower) phê chuẩn” .

Ngày 29 tháng 3 năm 1954, sau khi Êly từ Mỹ về, Thủ tướng Pháp Lanien triệu tập cuộc họp Hội đồng chiến tranh, gồm các tham mưu trưởng và những thành viên trọng yếu, bàn về dự kiến một cuộc ném bom của không quân Mỹ ở Điện Biên Phủ. Không phải không có sự phân vân. Liệu một cuộc hay vài cuộc ném bom có đủ để tiêu diệt lực lượng Việt Minh đang bao vây hay không? Biết đâu nó lại dẫn tới sự can thiệp ồ ạt của Trung Quốc vào Đông Dương như ở Triều Tiên? Nó có làm tiêu tan hy vọng về một giải pháp hòa bình cho chiến tranh Đông Dương tại Hội nghị Giơnevơ sẽ mở vào ngày 26 tháng 4 hay không? Lanien và Hội đồng chiến tranh quyết định cử đại tá Brôhông (Brohon), người đã tháp tùng Êly sang Mỹ, đi gặp tổng chỉ huy Nava để hỏi về tác dụng của một cuộc ném bom của không quân chiến lược Mỹ xuống Điện Biên Phủ.

Những phần tử “diều hâu” ở Oasinhtơn cũng xúc tiến kế hoạch. Ngày 3 tháng 4 năm 1954, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Đalét và đô đốc Rátpho họp với tám nghị sĩ có thế lực trong quốc hội, thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, phổ biến ý định của tổng thống muốn có một nghị quyết cho phép sử dụng lực lượng không quân và hải quân Mỹ ở Đông Dương. Đalét nhấn mạnh Đông Dương sụp đổ có thể dẫn tới mất toàn bộ Đông Nam Á, Hoa Kỳ cuối cùng sẽ bị đẩy về quần đảo Haoai. Nếu Mỹ không giúp Pháp thì hậu quả sẽ là Pháp phải từ bỏ chiến tranh Đông Dương.

Rátpho trình bày tiếp một kế hoạch ném bom ồ ạt xuống Điện Biên Phủ, được gọi là cuộc hành binh Chim kền kền. Cuộc hành binh sẽ do hai tàu sân bay Essex, Boxer và những máy bay của không quân Mỹ ở Nhật Bản và Philíppin thực hiện. Người Pháp thấy cần huy động 60 máy bay ném bom hạng nặng B.29, mang ít nhất 450 tấn bom. Nhưng theo những quan chức Mỹ, nhiệm vụ chính phải được hoàn tất với ba sư đoàn không quân ném bom, hai ở Ôkinaoa, một ở Clác Phin (Clark Field), tổng cộng là 98 siêu pháo đài bay B.29, mỗi chiếc mang 14 tấn bom. Để đề phòng máy bay Míc ở những sân bay của Trung Cộng gần biên giới Việt - Trung, phải có thêm 450 máy bay tiêm kích phản lực bảo vệ cho máy bay ném bom.

Cử tọa đặt một số câu hỏi về hậu quả của hành động này. Rátpho trả lời không giấu giếm nó có thể dẫn Hoa Kỳ vào chiến tranh, và nếu cuộc ném bom thứ nhất không đủ để giải tỏa cho tập đoàn cứ điểm, sẽ phải tính đến những cuộc ném bom bổ sung. Nhiều người bắt đầu ngãng ra. Họ nói Mỹ đã phải chi phí tới 92% chiến phí trong chiến tranh Triều Tiên, một hành động đơn phương của Mỹ trong thời gian này không thể được quốc hội chấp thuận. Riêng Rituê (Ridway), tham mưu trưởng lục quân, nguyên tư lệnh quân đội Mỹ ở Triều Tiên, nói: "Dù kế hoạch "Chim kền kền" có được thực hiện chăng nữa thì những cuộc ném bom bừa bãi xuống vùng rừng núi bao la đó vẫn không thể nào giải tỏa cho quân lính của Đờ Cát vốn sống trong cảnh "thú săn bị sập bẫy", sau khi ném bom, phải cần thêm vài chục vạn quân Mỹ nữa mới có khả năng can thiệp thành công bằng quân sự được".

Cuộc họp đi tới kết luận: Cuộc hành binh Chim kền kền, hay những hành động tương tự, chỉ có thể được quốc hội cho phép với ba điều kiện: - Hoa Kỳ tham gia như là một trong những nước tự do ở Đông Nam Á cùng với Vương quốc Anh. - Người Pháp đồng ý xúc tiến chương trình trao độc lập cho các quốc gia liên kết. - Nước Pháp cam kết không rút khỏi cuộc chiến.

Ngày 4 tháng 4, Brôhông từ Đông Dương quay lại Pari cho biết Nava lo ngại cuộc hành binh Vautour sẽ dẫn tới những phản ứng của không quân Trung Quốc. Nhưng ngay tối hôm đó Êly lại nhận được bức điện khẩn của Nava: "Cuộc can thiệp mà đại tá Brôhông đã nói với tôi chỉ có thể có một hiệu quả quyết định nếu được thực hiện trước cuộc tiến công cuối cùng của Việt Minh". Theo Bécna Phôn thì chính đợt tiến công của bộ đội ta vào năm quả đồi phía đông đã làm cho Nava thay đổi thái độ. Plêven lập tức mời đại sứ Mỹ tới trình bày tình hình nghiêm trọng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chỉ có sự can thiệp bằng máy bay hạng nặng của Mỹ mới có khả năng loại trừ pháo binh Việt Minh ở những quả đồi chung quanh để cứu nguy cho quân đồn trú. Êly cũng điện cho tướng Vanluy (Valluy), đang có mặt ở Lầu năm góc, thông báo ngay cho Rátpho để có những biện pháp quân sự thật khẩn trương.

Cũng trong ngày 4 tháng 4, Aixenhao viết một bức thư khá dài gửi riêng cho Thủ tướng Sớcsin (Churchill), với tư cách là một người bạn chiến đấu chống phát xít trong thế chiến thứ hai: "... [Nếu] Đông Dương rơi vào tay cộng sản, tác động chủ yếu đối với thế chiến lược toàn cầu của chúng tôi và các ngài cùng với sự thay đổi trong cán cân quyền lực do nó gây ra ở khắp châu Á và Thái Bình Dương có lẽ sẽ thảm khốc... Điều đó dẫn chúng tôi đến kết luận không thể bác bỏ được là tình hình Đông Nam Á đòi hỏi chúng ta một cách khẩn cấp phải có những quyết định nghiêm chỉnh và có tầm xa...". Một trong những quyết định đó chính là sự thành lập một liên minh gồm Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Niu Dilân, Thái Lan, Philíppin và ba nước Đông Dương (ngụy quyền). Aixenhao viết tiếp: "Điều quan trọng là liên minh đó phải mạnh mẽ và sẵn sàng tham gia vào trận chiến nếu cần".

Vị thủ tướng 85 tuổi của nước Anh không vội vàng phúc đáp. Anh vẫn còn giữ một hòn đảo của Trung Quốc là Hồng Công, không muốn bỏ lỡ cơ hội cải thiện quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Hội nghị Giơnevơ sắp họp nay mai.

Mười ngày sau, Nava lại điện cho Êly đề nghị Mỹ dùng từ 15 đến 20 máy bay B.29 ném bom xuống đường 41 quãng giữa sông Hồng và Tuần Giáo. Tình hình bế tắc ở Điện Biên Phủ buộc Nava phải nghĩ tới một hành động hạn chế của không quân chiến lược Mỹ. Êly trả lời: "Rátpho không chấp nhận giải pháp này. Hoặc tất cả hoặc không".

Trong khi chờ đợi, Êly gợi ý Nava về khả năng sử dụng 15 máy bay hạng nặng B.29 của Mỹ do phi công Pháp ở Đông Dương điều khiển. Đến lượt Nava trả lời khước từ, vì một lý do đơn giản: phi công Pháp không sử dụng được những máy bay lớn hơn máy bay B.26 mà người Mỹ đã cung cấp.

Những người cầm đầu nước Mỹ vẫn tin sớm muộn sẽ có sự đồng tình của Anh. Ngày 20 tháng 4, Đalét quyết định mời đại sứ các nước Anh, Cam bốt, Lào, Pháp, Philíppin, Tân Tây Lan, Thái Lan, Úc, và ngụy quyền Việt Nam tới họp. Chính quyền Anh đã chỉ thị cho Makin (Rogers Makins), đại sứ tại Oasinhtơn, không tham dự cuộc họp này.

Trước những phản ứng không thuận lợi ở cả trong nước và ngoài nước, phái can thiệp Mỹ được Phó tổng thống Níchxơn (Nixon) ủng hộ, vẫn xúc tiến kế hoạch. Giới quân sự Mỹ tiếp tục liên hệ với bộ tham mưu Pháp chuẩn bị cho cuộc hành binh Chim kền kền. Đầu tháng Tư, đại tướng Patơrít (Partridge), chỉ huy không lực Mỹ tại Viễn Đông, tới Sài Gòn bàn bạc với người đồng nhiệm Pháp, tướng Lôdanh (Lauzin), và Tổng chỉ huy Nava. Cùng đi với Patơrít có trung tướng Canđira (Caldera), người sẽ trực tiếp điều khiển cuộc hành binh. Canđira phát hiện một số trở ngại về mặt kỹ thuật. Tại Đông Dương không có loại ra đa dẫn đường tầm ngắn, rất cần để hướng dẫn cho những máy bay hạng nặng thả bom vào một kẻ địch đã bao vây rất gần, chỉ một sai sót nhỏ về điều khiển thì hàng trăm tấn bom có thể tiêu diệt toàn bộ quân đồn trú chứ không phải là Việt Minh! Canđira nhiều lần dùng máy bay trực tiếp quan sát Điện Biên Phủ ban đêm, cố tìm giải pháp khắc phục nhược điểm này.

Trong cuốn "Những bí mật quốc gia (Secrets d’etat), Raymông Tuốcnu (Raymond Tournoux) đưa ra một sự kiện theo tác giả đã được thu thập "từ những nguồn tin có thẩm quyền, và sau đó không ai cải chính":

Ngày 14 tháng 4 năm 1954, tại Pari, ngoại trưởng Mỹ Đalét đã nói bằng tiếng Pháp với Biđôn:

- Nếu bây giờ chúng tôi cho ngài hai trái bom nguyên tử?

Biđôn đã khẳng định điều này trong cuốn "Từ cuộc kháng chiến này đến cuộc khác" (D’une résistancc à l’autre), bằng cách dẫn lại câu trả lời của mình với Đalét: "Nếu ném bom (A) xuống vùng Điện Biên Phủ, người phòng ngự cũng như người tiến công đều hứng chịu hậu quả như nhau. Nếu đánh vào tuyến giao thông bắt nguồn từ Trung Hoa, sẽ có nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn bộ. Trong cả hai trường hợp, quân đồn trú ở Điện Biên Phủ, còn xa mới được cứu nguy, mà sẽ lâm vào tình trạng nghiêm trọng hơn".

(Còn nữa)

PV

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy