Tìm Vọoc quần đùi trắng ở rừng Thanh Sơn

Sau nhiều lần hẹn với lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, vừa qua, tôi đã được theo chân những người đi tìm Vọoc quần đùi trắng quý hiếm tại vùng rừng núi xã Thanh Sơn (Kim Bảng).

Vọoc quần đùi trắng quý hiếm.

Đây là loài đặc hữu ở Việt Nam nằm trong 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới, được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Trong chuyến đi này, ngoài cán bộ của Chi cục Kiểm lâm, còn có cán bộ của Dự án FFI (Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế) và một số người dân chuyên đi rừng.

Theo lời hẹn, khoảng 9 giờ sáng tôi bắt đầu nhập đoàn. Điểm tập kết là ngôi nhà của bác Lê Văn Hiên, thôn Hồng Sơn (Thanh Sơn)- một thợ đi rừng chuyên nghiệp cùng tham gia đoàn. Công tác chuẩn bị được bắt đầu nhanh chóng, mọi người nai nịt quần áo gọn ghẽ. Với người chưa từng đi rừng như tôi được nhắc phải mặc áo dài tay chống muỗi và cây độc trên đường đi. Đặc biệt, loại cây độc đáng ngại nhất là cây lá han có nhiều trong rừng, nếu cọ vào mà không được bảo hộ bằng áo sẽ ngứa rát rất khó chịu. Trước đó, để chuẩn bị cho chuyến đi này, đoàn đã bố trí các thợ đi rừng vào đập dập cây lá han dọc đường đi vì nếu phát bằng dao sau đó cây mọc trở lại rất nhanh. Riêng tôi đi giày da được khuyến cáo phải chuyển sang đi giày vải hoặc giày thể thao vì đường đi toàn đá tai mèo. Đang loay hoay tính chuyện đi mua giày vải, rất may anh Vũ Văn Cần (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm) nói có dư một đôi giày thể thao để trong xe có thể đi vừa. Thế là cuối cùng tôi cũng có được đôi giày đúng chất đi rừng. Sau khoảng hơn 30 phút chuẩn bị đoàn bắt đầu xuất phát.

Đoàn khảo sát vào khu rừng Thanh Sơn tìm Vọoc. Ảnh: Thành Nam

Để vào khu rừng Thanh Sơn nơi có đàn Vọoc quần đùi trắng sinh sống, chúng tôi phải đi vòng ra phía sau khu vực dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Vicem Bút Sơn. Sau đó, vượt qua một bãi khai thác đá để tới được con đường mòn độc đạo của hành trình vào vùng lõi nơi có Vọoc quần đùi trắng sinh sống. Thông tin đầu tiên về Vọoc quần đùi trắng có được là từ những người thợ đá. Theo họ, mới chỉ khoảng đầu năm, vào thời điểm sáng sớm và cuối giờ chiều đàn Vọoc có hàng chục con ra tận bên ngoài, sát bãi đá kiếm ăn.

Đường đi rất khó khăn. Gọi là lối mòn nhưng dưới chân đều là mỏm đá tai mèo lởm chởm, nhiều chỗ mỏm đá vươn lên nhọn hoắt, ngay cạnh lại là hõm đá sâu hoắm, dễ thụt chân, gây thương tích. Đấy là chưa kể vẫn phải để ý đến những cây lá han còn sót lại. Đường đi thường phải vượt lên những dốc núi, chỉ đi được một đoạn lại phải dừng chân nghỉ lấy sức.

Đi cạnh bác Lê Văn Hiên, một thợ đi rừng kỳ cựu tôi có điều kiện hiểu hơn về khu rừng đang trong hành trình khám phá. Theo bác Hiên, khu rừng có rất nhiều các loài cây và động vật sinh sống. Sâu trong rừng vẫn còn nhiều cây gỗ to đường kính 50 – 70 cm mọc ở các thung đất xen kẽ núi đá. Về các loài vật thì rất nhiều, từ cua đá, đến tắc kè, rắn (có cả rắn hổ chúa), đon, dúi, chim muông đến khỉ, vọoc… Đi rừng hàng chục năm nên bác nắm khu rừng như lòng bàn tay. Bác bảo, khỉ và vọoc trước đây có khá nhiều, hiện nay đã giảm đi đáng kể.

Cũng trong câu chuyện trên đường vào rừng, anh Lê Văn Dũng, cán bộ Tổ chức FFI cho biết, anh nghiên cứu về Vọoc quần đùi trắng tại rừng Thanh Sơn từ cách đây hơn 10 năm, khi làm việc cho một tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam và có quay lại mấy lần sau đó. Lần gần nhất và cũng là chính thức anh tìm hiểu và nghiên cứu về Vọoc quần đùi trắng tại rừng Thanh Sơn vào tháng 4/2016. Anh cùng một đồng nghiệp cắm trại ở trong rừng Thanh Sơn 20 ngày liên tục. Qua lần khảo sát này đã ghi nhận được sơ bộ có đến 7 đàn với 40 cá thể Vọoc quần đùi trắng sinh sống và có số lượng lớn thứ 2 của cả Việt Nam và thế giới sau khu bảo tồn Vân Long (Ninh Bình). Cũng theo anh Dũng, anh đã tìm hiểu, nghiên cứu tại hầu hết các khu rừng trong cả nước, rừng Thanh Sơn đặc trưng của loại rừng núi đá. Hệ động, thực vật tại đây rất đa dạng và phong phú không thua kém các khu rừng tự nhiên khác. Đặc biệt, do đặc thù của rừng núi đá vôi có các hang động lớn là điều kiện thuận lợi để Vọoc quần đùi trắng sinh sống…

Quả thực, càng đi sâu vào khu rừng, tôi càng cảm nhận được sự độc đáo mà khi ở bên ngoài khó hình dung ra được. Khó có thể kể hết tên được, nhưng có thể gói gọn lại ở đây có rất nhiều loài cây mà theo cán bộ của Tổ chức FFI là đặc trưng của rừng nhiệt đới. Đi sâu vào rừng chúng tôi thấy chim mào vàng, chim cao cát bụng trắng… đang nhảy nhót trên tán cây rừng. Có một điều đáng tiếc trong chuyến đi này, mặc dù đã vào được vùng lõi nơi Vọoc quần đùi trắng sinh sống nhưng do thời tiết mù không thuận lợi, voọc vào hang nên tôi không được “mục sở thị”. Với những người đi tìm Vọoc quần đùi trắng lần này không nắm được thêm nhiều, chỉ có 1 thông tin cũng từ bác Hiên: Gần đây đi rừng nghe tiếng kêu  từ trong hang đá vọng ra chắc chắn mới có thêm một voọc con được sinh ra.

Chuyến đi đã cho tôi trải nghiệm, khám phá khu rừng tự nhiên của tỉnh. Qua đó thấy được tài sản thiên nhiên quý hiếm đang hiện hữu có thể làm nổi danh vùng đất Hà Nam nếu được gìn giữ và bảo tồn. Trò chuyện về vấn đề này, anh Vũ Văn Cần, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Hiện nay, đơn vị đang phối hợp với Tổ chức FFI xây dựng tổ bảo vệ rừng để bảo vệ đàn  Vọoc quần đùi trắng.  Đồng thời, làm các thủ tục trình xin các cấp có thẩm quyền hướng tới thành lập khu bảo tồn thiên nhiên tại đây…

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy