Chú trọng giảng dạy, nghiên cứu khoa học kỹ thuật - công nghệ trong các nhà trường

Những năm qua, hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học kỹ thuật – công nghệ (KHKT-CN) trong quản lý, dạy và học trong ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Hà Nam có bước phát triển mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.

Thời gian qua, ngành GDĐT Hà Nam đã quan tâm, đầu tư và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh, giúp các em tự tin làm quen với lĩnh vực này, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.

Với mục đích khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn, ngay từ đầu mỗi năm học, Phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố đều có công văn hướng dẫn triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học và tổ chức cuộc thi KHKT tới các trường.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tổ chức nhiều “sân chơi” sáng tạo trong học sinh thông qua các hội thi như: thi KHKT, thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tiễn, dạy học theo chủ đề, sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin, sáng tạo kỹ thuật khoa học, tin học văn phòng…

Chú trọng giảng dạy nghiên cứu khoa học kỹ thuật  công nghệ trong các nhà trường
Các em học sinh Trường THCS Đinh Công Tráng, huyện Thanh Liêm tham gia nghiên cứu khoa học.

Năm học 2023-2024, Trường THCS Đinh Công Tráng, huyện Thanh Liêm tham gia cuộc thi nghiên cứu KHKT với Đề tài “Sử dụng dịch chiết từ cây sài đất để sản xuất xà phòng sinh học và nước lau bảng”, và xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi cấp huyện, giải Nhì cấp tỉnh.

Để phát triển và lan tỏa phong trào nghiên cứu, giảng dạy KHKT-CN trong nhà trường, thầy giáo Nguyễn Văn Doãn, Hiệu trưởng Trường THCS Đinh Công Tráng, huyện Thanh Liêm cho biết: Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên quan tâm tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho giáo viên về lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu KHKT; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn gắn với nghiên cứu khoa học; gợi mở ý tưởng cho học sinh từ những kiến thức được học trong nhà trường; lựa chọn giáo viên có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học hướng dẫn học sinh nghiên cứu, sáng tạo KHKT. Khuyến khích lòng đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh, giáo viên; khen thưởng, tôn vinh kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện phong trào nhằm lan tỏa rộng rãi trong nhà trường.

Chú trọng giảng dạy nghiên cứu khoa học kỹ thuật  công nghệ trong các nhà trường
Đề tài “Sử dụng dịch chiết từ cây sài đất để sản xuất xà phòng sinh học và nước lau bảng” được trưng bày tại Cuộc thi nghiên cứu KHKT.

Việc đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo KHKT giúp học sinh phát huy phẩm chất, năng lực, từng bước thích ứng với Chương trình giáo dục phổ thông 2018; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường. Bên cạnh đó còn khơi dậy niềm đam mê trong học tập; thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, tạo điều kiện cho học sinh vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống.

Em Đinh Phạm Hà Linh, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Đinh Công Tráng cho biết: Em đã vận dụng nhiều phương pháp trong nghiên cứu đề tài như đọc tài liệu, sách về y học, dược Châu Á; tự trồng vùng nguyên liệu, thử nghiệm, phân tích, nghiên cứu và thực hành cách tách chiết. Tham gia nghiên cứu đề tài khoa học giúp bản thân em áp dụng được vào việc học tập hàng ngày như có thêm nhiều kiến thức; kỹ năng làm việc nhóm và rèn luyện tính kỷ luật, tỉ mỉ, cẩn thận.

Chú trọng giảng dạy nghiên cứu khoa học kỹ thuật  công nghệ trong các nhà trường
Các thành viên CLB Robotics Trường Tiểu học, THCS và THPT FPT Hà Nam nghiên cứu chế tạo robot chuẩn bị tham dự cuộc thi.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ, việc áp dụng công nghệ vào giáo dục trở thành một xu hướng không thể phủ nhận. Trường Tiểu học, THCS và THPT FPT Hà Nam đã tiên phong trong việc đưa môn học robot vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học, mở ra một hành trình học tập đầy thú vị và hứa hẹn cho tương lai của học sinh.

Thầy Nguyễn Minh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu Học, THCS và THPT FPT Hà Nam cho biết: Việc tích hợp môn học robot từ tiểu học chính là bước tiến quan trọng, giúp học sinh tiếp xúc sớm với ngôn ngữ lập trình và khám phá thế giới của robot. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho việc phát triển tư duy logic mà còn giúp hình thành kỹ năng sáng tạo, tư duy toán học và kỹ năng giải quyết vấn đề. Ngoài ra, nhà trường còn đặc biệt chú trọng vào việc kết hợp giữa môn học robot và các ngành kiến thức khác như khoa học, toán học, và công nghệ thông tin. Điều này giúp học sinh hiểu rõ hơn về ứng dụng của robot trong thực tế và mở rộng tầm nhìn về những cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Chú trọng giảng dạy nghiên cứu khoa học kỹ thuật  công nghệ trong các nhà trường
Chế tạo robot giúp các em học sinh rèn luyện tính kiên nhẫn và tỉ mỉ.

Môn học robot cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng mềm cho học sinh. Từ việc làm việc nhóm, giao tiếp, học sinh không chỉ trở thành những kỹ sư robot “nhí” mà còn là những công dân toàn cầu có khả năng làm việc hiệu quả trong môi trường đa văn hóa và đa ngành.

CLB Robotics trường FPT Hà Nam được thành lập vào tháng 8/2023, từ khi thành lập đến nay, các thành viên CLB đã đại diện nhà trường tham gia nhiều cuộc thi robot và đạt giải cao, tiêu biểu như Giải Nhì nội dung KRC, Cuộc thi VSRC Quốc gia 2023.

Chia sẻ về cảm nghĩ khi tham gia học tập, thi đấu bộ môn robot, em Đỗ Đức Quyết lớp 10A1, Trường THPT FPT Hà Nam cho biết: Với bộ môn robot, chúng em thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu chế tạo thêm các chức năng hoạt động cho bộ kit cơ bản như nâng càng sử dụng momen ròng rọc, sử dụng biên độ quay của 2 bánh răng để nhận khối ghi điểm… Nhờ đó, chúng em có thể áp dụng nhiều kiến thức khoa học được học trên lớp trong quá trình sáng tạo robot; đồng thời rèn luyện tính kiên nhẫn, tỉ mỉ cho bản thân.

Có thể thấy, hoạt động nghiên cứu, giảng dạy KHKT-CN trong các nhà trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Ngày càng nhiều nhà trường quan tâm tới việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, nhờ đó, đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học – công nghệ của giáo viên, học sinh đoạt giải thưởng, có tính ứng dụng thực tiễn cao. Đồng thời, việc đưa nghiên cứu khoa học – công nghệ vào nội dung giảng dạy thường xuyên cũng giúp các em học sinh có thêm cơ hội để bộc lộ, rèn luyện năng lực tư duy, khả năng tìm tòi sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng học tập.

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy