“Vật ngôn Lê Xá tự”

Long Đọi - danh sơn thiêng, chứa đựng biết bao điều kỳ bí về phong thủy, tâm linh, lịch sử, văn hóa…, dòng Châu Giang uốn lượn tạo một vùng sơn thủy hữu tình. Từ bao đời, đã kết tinh những giá trị văn hiến độc đáo. Các làng, xã quanh vùng đậm đà những nét riêng biệt, nhiều người tường, song vẫn tiềm chứa nhiều vẻ đẹp khác.

Vật ngôn Lê Xá tự

Vật thú Lam Cầu thê

Vật ẩm Dưỡng Mông thọ

Vật giao Trung Tín hữu…

Những truyền ngôn đó gọi là "vật nghị", có thể còn ý hiểu khác, nhưng thông dụng được coi là bình giá về sự nổi trội của những địa danh quanh vùng. Lê Xá có tiếng học hành, khoa cử, nhiều ông đồ giỏi chữ nghĩa. Gái tổng Lam Cầu đẹp người, đẹp nết. Muốn thưởng trà ngon ghé làng Dưỡng Mông. Người Trung Tín giao thiệp khéo…

Một góc thôn Lê Xá, xã Châu Sơn (Duy Tiên). Ảnh: Thế Tân

Cách cầu Câu Tử không xa, làng Lê Xá (xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên), mặt Nam nhìn ra sông Châu thoáng mát, lưng Bắc dựa vào núi Đọi vững chắc, tả và hữu đều có sông dẫn ngọc thủy, hình thành thế đất "cỗ ngai", quần tụ sinh khí, thực là một thắng địa phong thủy. Đồng đất làng liền với đồng đất Tịch điền vua Lê Đại Hành cày ruộng, hàng năm hai lúa, một khoai (nay là rau màu). Đất lành cho giống khoai quý, ngang với phẩm vật tiến vua, nức tiếng, nên cũng được gọi là làng Khoai, nhộn nhịp chợ khoai. Đất giỏi chữ, tứ xứ mong đón được những ông đồ Khoai về dạy học thì thỏa tâm lắm!

Nằm bên đường thủy cổ Trấn Sơn Nam, Lê Xá chứng tích nhiều dấu ấn lịch sử suốt các triều đại, từ thời Tiền Lê qua thời Nguyễn…, Lê Đại Hành Hoàng đế, năm 987, qua đây đến chân núi Đọi cày ruộng Tịch điền khuyến nông trăm họ. Những viên gạch "Lê Xá" như sành, được triều đình nhà Lý tuyển chọn, xây dựng tòa bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh hùng vĩ, tráng lệ, nguy nga, những năm 1118-1121. Đình Lê Xá, cánh quân của Hoàng đế Quang Trung đồn trú, trước Tết Kỷ Dậu 1789, tiến đánh đồn Ngọc Hồi, giải phóng Thăng Long…

Tương truyền, có từ lâu đời, đình Lê Xá là Di tích lịch sử cấp quốc gia tọa lạc trên thế đất "Lưỡng mã triều tiền, thất tinh củng hậu", (Đôi ngựa chầu phía trước, bẩy  ngôi sao trấn giữ phía sau) quả là một thế đất đắc địa. "Chín trăm năm lẻ vẫn nơi đây/ Rực thánh linh từ lộng trời mây/ Tang hải thăng trầm qua mấy độ/ Sớm chiều long miếu ngát hương bay". Đình hợp tế sáu vị phúc thần: Đông Bảng Đại vương, Linh Quang Đại vương, Hiển Ứng Đại vương, Quảng Tế Đại vương, Vạn Bảo Thủy Tinh Công chúa và Trung đẳng phúc thần Lý Trần Thản. Làng có văn chỉ thờ Khổng Tử, chăm nghiệp giáo dục, lại có tổ vũ, thờ tổ võ nghiệp, chăm nghiệp binh bị, võ nghệ. Với 27 dòng họ, Lê Xá là một trong năm làng đông dân nhất huyện Duy Tiên.

Oai nghiêm Từ đường trên nền tư dinh Đại vương Quận công Lý Trần Thản (1721-1776). Thân phụ ông dòng dõi họ Đặng gốc  làng Vân Canh (Hà Nội), nhà nghèo ở quê vợ Lê Xá, nhờ đó đỗ cử nhân, dạy học tại Quốc Tử Giám. Ngoài 20 tuổi, Lý Trần Thản thi đỗ tam trường (1743) làm Tri huyện Phú Xuyên,  hơn 20 năm trấn trị yên ổn, dân sống hoan hỉ, không có trộm cướp, được triều đình tuyên khen. Năm 1766, vua Lê Hiển Tông vời về kinh đô đặc trách dạy các hoàng tử, phong làm Kiểm sai vương thế tử, Hữu tư giảng, Hữu thị lang Hình Bộ (chức quan thứ hai sau Thượng thư tước hầu). Năm 1767, được sắc ban Thị nhật giảng thị nội kiêm chức Kiểm sai, kiểm soát việc biên soạn sách trong triều đình. Năm Kỷ Sửu (1769), khi đã 49 tuổi, ông vẫn thi đỗ đại khoa đồng tiến sĩ xuất thân (cùng khoa với danh sĩ Bùi Huy Bích); tài kiêm văn võ, ông được vua Lê Hiển Tông giao trấn giữ Hưng Hóa, đốc lĩnh các đạo quân bốn xứ Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, đánh tan các đạo giặc phỉ, mang lại bình yên cho dân, giữ vững biên cương, được phong Thượng thư Bộ Binh, Tuy Viễn hầu.

Do có nhiều công trạng, ông được nhà vua ban thưởng tước  Quận công và 5 mẫu ruộng quan điền tại Lê Xá quê hương. Ông về lập ấp khai hoang trên một vùng đất đai hoang hóa rộng lớn, thành đồng ruộng tốt tươi nhà cửa trù phú. Dân chúng các nơi theo về tụ tập sinh sống đông vui. Ông miễn các khoản đóng góp thủy lợi, thủy sản, suất đinh, cho đào sông tiêu nước, chống úng giữ gìn lúa màu (đến nay vẫn còn đắc dụng, tên là sông Cống Bược) lại cho đắp đê từ chân núi Đọi về Lê Xá, ngăn lũ bảo vệ dân cư, mùa màng. Đất ở nhà riêng của mình ông hiến cho dân làm đình chung của làng, 5 mẫu ruộng được vua ban ông cũng giao cho dân 3 làng cày cấy, phúc lộc ông dành cho mọi người cùng hưởng.

Năm Cảnh Hưng thứ 37 (1776), Lý Trần Thản tạ thế, hưởng thọ 55 tuổi. Triều đình, đồng liêu, thân hữu và dân chúng vô cùng thương tiếc. Dân làng tôn ông là phúc thần, lập miếu thờ. Triều đình dựng bia công tích. Nhà vua sắc phong: "Hoằng tín đại phu", có công cầm quân đánh giặc, anh dũng đi đầu, tặng chức Đông Các Đại học sĩ…, nay phong chức Kim tử vinh lộc đại phu, tước Tuy Viễn hầu, Hữu thị lang Hình Bộ, Thượng trụ quốc, Thượng trật. Năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), triều Lê truy phong: Lý Văn Mẫn, Trung lượng đại vương, Trung đẳng phúc thần, chính thần xã Lê Xá phụng thờ… Các vua triều Nguyễn đều phong sắc. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1822), gia phong Thành hoàng làng Thanh Liệt (Hà Nội).

Lý Trần Thản trước tác nhiều thơ văn. Các tác phẩm còn lại đến nay như: Bắc Hà, Bạch Hoa công chúa, Văn Tĩnh Gia hữu sự nhân thư, Lý Thường Kiệt… Viếng đền Trúc (Kim Bảng), ông ngợi ca vị Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.

Sinh vi lương tướng hóa vi thần

Lý đại do tồn thạch ký ngân

Phạt Tống bình Chiêm công dư quốc

Khai điền tế khẩn đức ư dân…

Dịch là: 

Sống làm tướng giỏi, hóa làm thần

Khắc đá còn nêu nét chữ chân

Đánh Tống dẹp Chiêm công với nước

Giúp nghèo khẩn đất đức trong dân.

Lý Trần Thản là con rể nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784). Anh trai là Lý Trần Quán, em trai Lý Trần Dự cũng đều đỗ đại khoa. Hậu duệ ông cũng có nhiều người đóng góp với cộng đồng xã hội. Lý Trần Căn, Chủ tịch lâm thời tỉnh Hà Nam, đã giác ngộ nhiều trí thức như Lý Trần Tùng, Phùng Ngọc Bồi… theo kháng chiến. Người họ Lý Trần còn tham gia Ban tu thư Bộ Giáo dục soạn thảo sách giáo khoa…

Đình làng Lê Xá, thôn Lê Xá, xã Châu Sơn  (Duy Tiên). Ảnh: Thế Trang

Gần Từ đường tư dinh Đại vương Quận công Lý Trần Thản, là nhà Quyền Tri phủ Bình Giang, Trần Hữu Đáp (1872-1956). Ông được sắc phong Triều liệt Đại phu, Hàn lâm viện thị độc học sĩ, sau phong Phụng nghị Đại phu. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã Châu Sơn. Đương chức, giúp ích cho dân, hưu trí không an hưởng điền viên vui thú, mà vẫn chăm lo cho dân, làm tiên chỉ, tư văn làng, tư văn huyện, quy tụ dân hòa kết, gây dựng lại thuần phong mỹ tục, tôn tạo các di tích tự bỏ tiền và công sức trồng hàng vạn cây nhãn, vải ở khắp làng xã và những nơi danh lam thắng cảnh như Đọi Sơn, Đinh Xá… Nhà ông trở thành nơi bình thơ phú, luận đàm thời cuộc. Cổng cũ rêu phong vẫn tỏ ba chữ  lớn "Lai năng phúc", bút tích ông để lại. Từ đường gia tộc, chân dung ông, khăn xếp, áo thường, gương mặt phương phi, phúc hậu, lấp lánh đại tự "Tài như bách hoa" do Chánh tòa Lạng Sơn Nguyễn Đình Yên - môn sinh bái phụng thầy.

Trần Hữu Đáp là nhạc phụ Chủ tịch lâm thời đầu tiên tỉnh Hà Nam; thân phụ của trưởng nam Trưởng ty Canh nông đầu tiên tỉnh Hà Nam Trần Quốc Khanh; thân phụ của thứ nam là cán bộ tuyên truyền Trần Quốc Hồn, liệt sĩ chống Pháp (ba người tham gia quân đội); ông nội của Giáo sư Trần Quốc Vượng - một trong hai nghìn học giả xuất chúng thế giới thế kỷ XX, trong các lĩnh vực sử học, khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa học.

Giáo sư Trần Quốc Vượng là một trong "Tứ trụ" đầu ngành khoa học Lịch sử Việt Nam đương đại. Những công trình lớn của Giáo sư: Cơ sở khảo cổ học, Cơ sở văn hóa học, Lịch sử Việt Nam,Theo dòng lịch sử, Việt Nam - cái nhìn địa văn hóa, Việt Nam - tìm tòi và suy nghĩ… Giáo sư được Viện Tiểu sử Mỹ bầu chọn là " Nhân vật của năm 2000 của thế giới", vì những đóng góp xuất chúng cho xã hội. Tại Từ đường trang trọng những tấm bằng của Nhà nước: Bảng vàng danh dự tặng gia tộc, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật tặng Giáo sư Trần Quốc Vượng.

Lối xóm là Từ đường của nhà thơ Kép Trà - Hoàng Thị Phương (1873-1928). Thân phụ là thầy đồ xứ Kinh Bắc, mến cảnh cảm người về ở rể Lê Xá dạy học. Kép Trà là bạn đồng môn với Trần Hữu Đáp, với nhà thơ lớn Tú Xương cùng đỗ tú tài, khoa thi Đinh Dậu. Hai lần tú tài, mang chữ ra làm lợi cho dân, bênh vực lẽ phải, mở trường thương giúp học trò nghèo. Nhà thơ hai lần bị Pháp bắt vì nghi liên quan với những người yêu nước. Ông nuôi giấu nhà trí thức cách mạng Lưu Quang Bích, tham gia khởi nghĩa Thái Nguyên, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến đầu tiên ở huyện Duy Tiên, ông từng lấy lại 83 mẫu đất cho dân. Môn sinh và dân làng kính trọng tạc tượng ông bà thờ tại chùa An Bảo. Để lại nhiều giai thoại thú vị,  Kép Trà là một tài thơ, quánh sắc ngôn ngữ dân gian đương thời.

…Duy Tiên bún trắng hai chiều chợ

Kim Bảng sim xanh mấy ngọn đồi

Bình Lục phì phèo mồi thuốc vặt

Thanh Liêm bỏm bẻm miếng trầu vôi

Nam Xang mang tiếng dân cò trắng

Đồng rộng ao sâu lắm ốc nhồi.

Còn đây, nhà thờ Tri phủ Tiên Lữ Đặng Đình Tiên. Và thấp thoáng vườn đất các vị hương cống, cử nhân Nguyễn Doãn Mật, Nguyễn Chính Thiện, Trần Bá Thục, Nguyễn Tất Doãn, Đặng Đình Giám, Lý Trần Trinh…, cùng nhiều vị tú tài, sinh đồ khác được khắc danh bia đá Văn từ Duy Tiên đặt trên đỉnh Đọi Sơn. Lại còn nhiều thầy đồ có tiếng như các cụ đồ Giác, đồ Vịnh, đồ Diên, đồ Mai, đồ Thụ... Trà dư tửu hậu, các vị hữu học quanh vùng hay nói vui "Vật ngôn Lê Xá tự" (chớ nói chữ với Lê Xá). Song các thầy đồ làng Lê Xá vẫn khiêm trọng.

Đất và người nơi đây còn được truyền vào sử sách. Danh sĩ Phạm Đình Hổ (1876 - 1939), Thừa chỉ Viện Hàn lâm, Tế tửu Quốc Tử Giám, học giả lớn, là bạn bút nghiên với các cụ cử Lê Xá, về đây thăm thú, nhiều chuyện làng được ông cảm thuật trong danh tác "Vũ trung tùy bút" để đời...

Đến nay, xã Châu Sơn mà hơn nửa dân số là làng Lê Xá, có đến 6 giáo sư, tiến sĩ, 25 thạc sĩ, hơn 400 cán bộ trình độ đại học các ngành nghề, lĩnh vực. Tính ra cứ 7,5 người thì có một người có trình độ đại học, là địa phương có trình độ đại học bình quân cao nhất huyện Duy Tiên. Lê Xá nói riêng, Châu Sơn nói chung ngày càng phát triển vững mạnh về mọi mặt. Năm 2017, xã Châu Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 

Thời nào cũng vậy, các thế hệ người dân nơi đây đóng góp trên nhiều lĩnh vực còn lưu mãi trong tâm thức đời sau. Lão thành cách mạng Lê Văn Thuật (sinh năm 1902), người cắm cờ Đảng ở cây gạo bến đò Câu Tử và cây đa thôn Đọ Nội năm 1930. Hai Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 100 liệt sỹ hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Anh hùng lao động Nguyễn Văn Tạo, Đại biểu Quốc hội khóa II… là niềm tự hào của quê hương. Đến nay, xã Châu Sơn mà hơn nửa dân số là làng Lê Xá, có đến 6 giáo sư, tiến sĩ, 25 thạc sĩ, hơn 400 cán bộ trình độ đại học các ngành nghề, lĩnh vực. Tính ra cứ 7,5 người thì có một người có trình độ đại học, là nơi có trình độ đại học bình quân cao nhất huyện Duy Tiên. Lê Xá nói riêng, Châu Sơn nói chung ngày càng phát triển vững mạnh về mọi mặt. Năm 2017, xã Châu Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Như nhiều làng quê của đất nước, Lê Xá lưu dấu ấn riêng của mình trên gấm vóc giang sơn. Làm sao để đất "vật ngôn" sáng lên  hơn nữa, là trăn trở của thế hệ người Lê Xá trong công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay.

Nguyễn Thế Vinh - Trương Văn Thơ

Thế Vinh-Văn Thơ, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy