Kiểm điểm tiến độ triển khai Đề án giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy

Sáng 27/9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị kiểm điểm tiến độ triển khai Đề án số 2617/ĐA-UBND, ngày 14/11/2016 của UBND tỉnh về giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy.

Tham dự hội nghị có đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và 62 doanh nghiệp đang hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trong khu vực phía Tây sông Đáy. 

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Hội nghị cần đánh giá đúng những việc chưa làm được, chỉ rõ hạn chế, tồn tại, điểm yếu kém trong thực hiện đề án. Thống nhất nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp có liên quan; đề ra những việc cần làm ngay trong 3 tháng cuối năm 2017, những việc cần tập trung thực hiện trong những năm tiếp theo. Tinh thần chung là kiên quyết xử lý vi phạm, ngăn chặn suy thoái, ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy vì sự phát triển bền vững của tỉnh và quyền lợi của doanh nghiệp.

Thực hiện Đề án 2617, căn cứ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị đã chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng vật liệu nổ, thẩm định công nghệ xử lý nước rỉ rác, kiểm soát tải trọng xe chở vật liệu xây dựng... Các doanh nghiệp phối hợp với địa phương duy trì hoạt động tổ giám sát và thực hiện một số hoạt động giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực Tây Đáy, như trồng cây xanh, tưới nước trên đường để giảm bụi. Doanh nghiệp triển khai đo quan trắc môi trường định kỳ. Nhiều doanh nghiệp đã ký, nộp kinh phí cải tạo môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều tồn tại, nhất là công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực Tây Đáy chưa được triển khai đồng bộ và quan tâm đúng mức. Các địa phương chưa chú trọng kiểm tra, rà soát thủ tục môi trường, thủ tục đầu tư sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp khu vực Tây Đáy chưa thực hiện đúng, đủ các giải pháp xử lý bụi, khí thải, nước thải, chất rắn theo quy định của pháp luật.

Tại hội nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất, để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án 2617, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về khoáng sản, môi trường để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường. Phấn đấu tất cả các doanh nghiệp đều phải thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, niêm yết công khai các giải pháp về bảo vệ môi trường theo cam kết; tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước…

Đại diện Công ty cổ phần Khoáng sản Hà Nam phát biểu tại hội nghị.

Một số doanh nghiệp khẳng định, doanh nghiệp đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các địa phương lại cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực chưa được cải thiện nhiều, vẫn gây bức xúc trong nhân dân. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cần cộng đồng trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật lọc bụi, khí thải, thu gom vật liệu rơi vãi trên đường… Cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Sau gần 1 năm thực hiện Đề án 2617 đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực. So với thời điểm chưa có đề án, đến nay, một số vấn đề đã được giải quyết, môi trường được cải thiện, có chuyển biến nhiều. Nhận thức của chính quyền cơ sở, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường được nâng lên, trong đó UBND huyện Kim Bảng và Thanh Liêm đã vào cuộc tích cực, các ngành siết chặt quản lý theo trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, so với yêu cầu Đề án, nhiều nội dung thực hiện còn chậm, vấn đề môi trường khu vực Tây Đáy còn nhiều bức xúc.

Đồng chí Trương Minh Hiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại hội nghị

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các nhà máy xi măng duy trì hoạt động lọc bụi tĩnh điện và hệ thống lọc bụi khác tại vị trí nghiền vật liệu trong suốt thời gian hoạt động; lắp đặt thiết bị quan trắc tự động xong trước tháng 12/2017.

Sở Giao thông Vận tải phối hợp, làm ngay công tác duy tu bảo dưỡng, xử lý bụi đường. Các tuyến đường dùng chung và dùng riêng đều phải được phân cấp trách nhiệm trong việc làm giảm bụi đường. Các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá phải thực hiện đúng công suất thiết kế được duyệt, sử dụng vật liệu nổ đúng phép, đảm bảo an toàn lao động.

Yêu cầu huyện Thanh Liêm sát sao chỉ đạo thực hiện xử lý tốt đối với các cầu cảng, máng rót trên sông Đáy. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở có liên quan đề xuất phương án xử lý 60 ngàn tấn rác tồn đọng tại thung Đám Gai, xã Thanh Thuỷ. Trong năm 2017, phải xử lý được toàn bộ đống rác này.

Các đối tượng được nêu trong Đề án 2617 cần nghiên cứu kỹ trách nhiệm của mình theo Đề án và sự chỉ đạo cụ thể của UBND tỉnh tại hội nghị này. Sau đó xây dựng kế hoạch thực hiện, gửi về Văn phòng UBND tỉnh để kiểm tra, theo dõi.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy