Khan hiếm nguồn lợn thịt

Sau một thời gian dài gặp khó khăn về giá cả, hiện nay giá lợn hơi xuất chuồng đang duy trì ở mức cao, trên 50 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, nguồn cung lợn thịt ra thị trường lại đang khá khan hiếm.

Trang trại chăn nuôi lợn của chị Nguyễn Thị Mừng, xã Nhật Tân (Kim Bảng) có quy mô nuôi 80 con lợn nái và 550 con lợn thịt. Tuy nhiên, có đến 50% diện tích chuồng trại chăn nuôi mới được đầu tư để nhân rộng đàn. Vì thế, lượng lợn thịt xuất chuồng thường xuyên của chị xoay vòng ở mức 100 con/tháng.

Chị Mừng tâm sự: Sau thời gian giá lợn hơi xuống thấp, thua lỗ nặng nên cả đàn lợn nái và lợn thịt của gia đình đều giảm xuống đến 50%. Khi giá lợn hơi tăng ổn định khoảng 3 tháng nay tôi đầu tư phát triển trở lại, nhưng những đàn mới phải khoảng 2 - 3 tháng nữa mới xuất chuồng. Vả lại, giá lợn giống hiện giờ rất cao, khoảng 1,5 triệu đồng/con và cũng rất khan hiếm nên không thể phát triển ồ ạt.

Nguồn lợn thịt tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm Bối Cầu giảm nhiều so với trước đây.

Tìm hiểu tại xã Nhật Tân, một trong những xã có phong trào chăn nuôi phát triển của huyện Kim Bảng, hiện tổng đàn lợn đang duy trì khoảng 5.000 con, giảm 30% so với thời gian cao điểm giữa năm 2016. Trong số này có đến 50% tổng đàn mới được người dân khôi phục lại sau khi giá lợn tăng lên. Do vậy, số lợn thịt bán ra thị trường giai đoạn này khá ít.

Chị Nguyễn Thị Bích, cán bộ phụ trách chăn nuôi - thú y xã Nhật Tân cho biết: Do biến động bất thường của giá lợn thịt thời gian qua đã tác động mạnh đến chăn nuôi của xã theo chiều hướng giảm cả về số hộ nuôi và tổng đàn. Vì thế, lợn thịt xuất chuồng hiện nay trong các hộ không còn nhiều, nếu có phải mấy tháng nữa khi số lợn mới tái đàn đủ trọng lượng bán.

Không chỉ ở Nhật Tân, tại các vùng chăn nuôi lợn quy mô lớn đều giảm đáng kể số lượng lợn thịt xuất chuồng so với trước đây, như: Nhân Chính, Chân Lý (Lý Nhân); Ngọc Lũ, Bồ Đề, Hưng Công (Bình Lục)…

Khan hiếm lợn thịt được thể hiện rõ nhất là tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm xã Bối Cầu (Bình Lục). Số lượng lợn thịt đưa vào chợ hàng ngày chỉ từ 300 - 500 con, bằng 10 - 20% so với thời gian cao điểm trước đây. Đầu lợn giảm nhưng trọng lượng mỗi con lại khá thấp, phần lớn từ 90 - 100 kg/con. Được biết, số lượng lợn thịt giao dịch tại chợ chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và một số vùng lân cận (Nam Định, Thái Bình). Lợn có trọng lượng 120 kg/con xuất đi Hà Nội rất ít, mỗi ngày chỉ được 1 - 2 xe (70 - 100 con).

Anh Phùng Văn Tiến, xã Bối Cầu (Bình Lục) chuyên thu mua lợn thịt tại chợ đi Hà Nội cho biết, bình quân mỗi ngày chỉ mua được 1 xe số lượng 50 - 70 con. Để có được đủ xe đi Hà Nội anh Tiến phải mua gom từ sáng đến giữa trưa, có hôm phải sang sáng hôm sau mới đủ chuyến.

Đàn lợn hiện nay đang được người dân các địa phương trong tỉnh khôi phục trở lại. Hiện tổng đàn có khoảng 460 nghìn con, bằng 91,67% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, việc tái đàn vẫn đang chậm do tác động thua lỗ từ đợt giá lợn thịt giảm sâu cuối năm 2016 và 2017. Phần lớn số lợn hiện có đều do người dân mới nhập về nuôi được 2 - 3 tháng, trong khi lợn thịt phải nuôi 5 - 6 tháng mới có thể xuất chuồng. Cùng với đó, giá lợn giống hiện nay đang ở mức cao 1,4 - 1,5 triệu đồng/con và khá khan hiếm. Tại các trang trại lợn giống quy mô như của Công ty Dabaco tại xã Nhân Chính (Lý Nhân) cũng không có đủ nguồn cung.

Theo ông Đinh Huy Bách, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN & PTNT), đây là nguyên nhân chính dẫn đến khan hiếm nguồn lợn thịt của tỉnh ra thị trường.

Phân tích về thị trường và lợi nhuận của lợn thịt hiện nay, với mức lãi đang đạt khoảng 2 triệu đồng/con, ông Đinh Huy Bách cho biết: Chính việc khan hiếm lợn thịt giúp cho giá lợn hơi xuất chuồng tăng cao như hiện nay. Do đó, giá lợn này rất khó khẳng định sẽ duy trì trong thời gian tới khi có đủ nguồn cung. Lợn hơi xuất chuồng đều được nuôi từ 5 - 6 tháng, trước kia giá lợn giống chỉ ở mức 300 - 500 nghìn đồng/con, giá thức ăn chăn nuôi thấp nên lợi nhuận đạt cao. Hiện nay, lợn giống lên đến 1,5 triệu đồng/con, thức ăn chăn nuôi tăng 5% so với trước, như vậy khi xuất chuồng đạt giá như bây giờ thì lợi nhuận sẽ thấp hơn đáng kể.

Để ổn định và phát triển chăn nuôi lợn, Sở NN & PTNT đã có định hướng đến người chăn nuôi, nhất là các thông tin về thị trường, quy mô đàn trên địa bàn để điều chỉnh chăn nuôi phù hợp. Cùng với đó, ngành khuyến cáo người dân không tăng trưởng nóng quy mô đàn khi giá lợn lên cao để phòng rủi ro như đã từng xảy ra năm 2016. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi nói chung và đàn lợn nói riêng.

Nhu cầu lợn thịt trên thị trường đang thiếu, thương lái về thu mua luôn cần số lượng xuất chuồng nhiều hơn, tuy nhiên từ kinh nghiệm chăn nuôi thời gian qua và những khuyến cáo của ngành chức năng, thiết nghĩ người chăn nuôi cần tính toán hợp lý về quy mô đàn lợn để không lặp lại thua lỗ nặng do phát triển ồ ạt, cung vượt xa cầu như đã từng xảy ra thời gian qua.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy