Ban Thường vụ Tỉnh ủy thị sát tình hình thực hiện Quy hoạch cảng hàng hóa trên sông Đáy

Sáng 30/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Đoàn thị sát việc triển khai thực hiện Quy hoạch cảng hàng hóa trên sông Đáy và các tuyến đường dùng chung phía Tây sông Đáy kết nối với các cảng.

Tham gia Đoàn thị sát có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành và đại diện hai huyện: Thanh Liêm, Kim Bảng.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí trong Đoàn thị sát thực tế ở khu cầu cảng thuộc Công ty Sơn Hữu.

Đoàn thị sát của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã đi khảo sát thực tế tại 5 cảng trên địa bàn huyện Thanh Liêm. Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, trên sông Đáy hiện có 6 cảng được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam công bố, bao gồm: Cảng thủy nội địa Châu Sơn, Cảng xi măng VICEM Bút Sơn, Cảng nhà máy xi măng Thanh Liêm, Cảng nhà máy xi măng Xuân Thành, Cảng nhà máy xi măng Hoàng Long, Cảng nhà máy xi măng Vissai. Trên sông Hồng chưa có cảng nào được công bố và hoạt động.

Thực hiện Kết luận 17- KL/TU, ngày 29/12/2015 của  Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc Quy hoạch cảng hàng hóa trên sông Đáy, sông Hồng đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Nam và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải có văn bản đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp trong công tác quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa. Cơ quan chức năng đã tiến hành giải quyết các vấn đề tồn tại của hệ thống bến thủy nội địa đang hoạt động trên sông Đáy. UBND các huyện Kim Bảng và Thanh Liêm đã tổ chức kiểm tra, lập biên bản đối với các bến cảng hoạt động không phép, hết phép, yêu cầu tháo dỡ, bàn giao hiện trạng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thị sát hoạt động cầu cảng vận chuyển tại xã Thanh Nghị (Thanh Liêm). Ảnh: Thế Trang

Đối với việc quy hoạch lại hệ thống cảng thủy nội địa trên sông, hiện trên sông Hồng có 7 cảng được quy hoạch, sông Đáy có 21 cảng. Tính đến nay, một số dự án cảng hàng hóa đang được chủ đầu tư xây dựng phương án để giải phóng mặt bằng.

Đánh giá chung cho thấy, UBND các huyện đã nghiêm túc chỉ đạo thực hiện việc giải tỏa, di dời các máng rót tự phát trên địa bàn. Song vẫn chưa quyết liệt, chưa triệt để, kết quả đạt được chưa cao. Trên địa bàn huyện Kim Bảng, đã thực hiện việc lập biên bản, yêu cầu ngừng hoạt động một số đơn vị, nhưng chưa tiến hành tháo dỡ. Huyện Thanh Liêm đã thực hiện chấm dứt hoạt động 36/74 máng rót, trụ cẩu. Số lượng giải tỏa chủ yếu nằm trong ranh giới các dự án cảng dùng chung.

Sở Xây dựng đã tổ chức cắm mốc các vị trí quy hoạch cảng hàng hóa trên sông Đáy, thuộc địa bàn huyện Thanh Liêm và ban hành thiết kế mẫu chống bụi cho các hạng mục cầu bến. Tuy nhiên, các chủ đầu tư dự án còn chậm trong giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng và đưa dự án vào khai thác sử dụng, có khả năng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Bên cạnh đó, còn một số tồn tại, hạn chế. Theo nội dung Kết luận số 17- KL/TU, chỉ khuyến khích, ưu tiên xây dựng các cảng, cụm cảng dùng chung. Tuy nhiên, dọc tuyến sông Đáy, sông Hồng hiện có nhiều nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, có nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn. Đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa phải nằm trong Quy hoạch hệ thống cảng đường thủy nội địa  phía Bắc, thuộc thẩm quyền Bộ Giao thông vận tải chấp thuận. Vì vậy, việc thực hiện thủ tục đầu tư kéo dài thời gian, trong khi, nhu cầu của doanh nghiệp đầu tư kho bãi và bến thủy để phục vụ xuất, nhập hàng tăng cao….

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy