Những người quét rác trưa

Bình thường, những công nhân vệ sinh môi trường, hay thường được gọi là công nhân quét rác vốn đã rất vất vả vì thường xuyên phải dậy sớm, thức khuya, làm công việc hôi hám, nặng nhọc ngoài đường. Với những công nhân quét rác ca trưa, họ còn nhọc nhằn hơn nhiều khi gần như quanh năm không có giấc ngủ trưa, những bữa ăn trưa cũng tạm bợ, vội vã…

12 giờ trưa, chúng tôi chỉ có vài phút để tranh thủ trò chuyện với chị Nguyễn Thị Mến - công nhân vệ sinh môi trường của Công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị Hà Nam khi chị đang thu gom rác trên đường Quy Lưu (phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý). Sự vất vả của nghề khiến chị gầy, đen đúa và già hơn so với tuổi 27.

Được biết, chồng chị đi làm ăn xa, một mình chị vừa đi làm vừa phải chăm sóc hai con nhỏ đang học mầm non. Để kịp giờ đón con vào các buổi chiều tan học, mỗi ngày chị Mến đi làm hai ca: sáng và trưa. Một ngày làm việc của chị bắt đầu từ gần 6 giờ sáng tới hơn 2 giờ chiều. Vì vậy, mỗi sáng, chị phải dậy từ hơn 5 giờ để chuẩn bị bữa sáng cho con và gửi con nhà người quen đưa đi học giúp.

Nói về công việc của mình, chị Mến cho hay: Công nhân quét rác làm ca trưa vất lắm, chẳng bao giờ được một giấc ngủ trưa. Theo quy định với công nhân quét rác, ca trưa bắt đầu từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Do đó, làm xong ca sáng, tôi chỉ tranh thủ nghỉ được ít phút rồi nhận làm ca mới. Thời gian giao ca còn sớm, cộng với sự mệt nhọc, áp lực do công việc nên ngày nào tôi cũng bỏ bữa trưa. Hôm nào đói thì ăn vội mẩu bánh mỳ hay gói mỳ tôm sống mang từ nhà đi. Khổ nhất là vào những ngày mùa hè, làm việc trên đường nhựa, dưới cái nắng chói chang khiến mồ hôi cứ đầm đìa ướt đẫm áo. Đi làm mùa nắng chỉ thấy khát nước chứ ăn gì cũng không nuốt nổi.

Những công nhân quét rác ca trưa gần như quanh năm không có giấc ngủ trưa, những bữa ăn trưa cũng tạm bợ, vội vã.

Kết thúc ca trưa lúc 2 giờ chiều nhưng hôm nào cũng gần 3 giờ chị Mến mới được về. Bởi, xe điện chở rác thường hay hỏng hóc phải đợi thợ sửa. Việc đổ rác cũng phải phụ thuộc vào điểm cẩu. Khi nào xe ô tô chở rác đến, chị đổ rác lên xe và mang xe điện về xí nghiệp lau rửa, sạc điện rồi mới được về.

Cách đoạn đường chị Mến làm không xa, chị Trần Thị Phượng cũng đang cần mẫn quét đường, thu gom rác thải. Với thâm niên hơn chục năm làm nghề quét rác, chị Phượng thấu hiểu những khó khăn, cực nhọc của nghề, nhất là với những phụ nữ đang nuôi con nhỏ. Người làm ca sáng thì phải dậy từ 5 giờ sáng, làm ca trưa thì bỏ bữa và không được ngủ nghỉ, nếu làm ca chiều thì không kịp giờ đón con, còn làm ca tối thì không có thời gian lo bữa tối cho gia đình và dạy con học… Chính vì đã trải qua những tháng ngày vất vả và áp lực ấy nên chị Phượng rất cảm thông và luôn sẵn sàng đổi ca cho chị em trong đội khi họ có nhu cầu.

Bây giờ các con của chị Phượng đều đã lớn, đi học, đi làm xa nhà. Dù không vướng bận việc chăm con nhưng chị vẫn thường xuyên đổi lịch làm để đi quét rác ca trưa thay vì ca chiều nhằm tạo điều kiện cho những chị em có con đang học cấp 1, cấp 2 được nghỉ trưa để lo cơm nước và đưa đón con đi học.

"Với công nhân quét rác ca trưa, bữa trưa chỉ toàn là bánh mỳ, cơm nguội, thậm chí là chỉ mỗi nước lọc thôi. Đối với công nhân quét rác, ngày nắng có nỗi khổ của ngày nắng, ngày mưa có cái nhọc của ngày mưa. Hôm nào ít rác chúng tôi còn đỡ vất vả, chứ vào các ngày mưa bão, cuối tuần hay dịp lễ, Tết, lượng rác thải tăng đột biến. Nhiều gia đình không cho rác vào túi ni lông hay thùng chứa rác mà vứt ngổn ngang ra vỉa hè làm thức ăn bốc mùi hôi thối, ruồi muỗi bâu đầy, rất mất vệ sinh. Nhiều khi tôi phải làm thêm giờ mới xong việc…", chị Phượng tâm sự.    

Được biết, mỗi công nhân vệ sinh môi trường làm việc 2 ca/ngày. Số ca làm được phân công đều cho tất cả công nhân trong tổ. Trong đó, ca làm trưa vất vả, cực nhọc hơn so với các ca làm khác trong ngày vì ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe khi bữa ăn, giấc ngủ không được bảo đảm. Tuy nhiên, vì lý do bận công việc gia đình, con cái nên nhiều chị em thường xuyên đổi lịch và tự nguyện làm ca trưa.

Qua những câu chuyện nghề được chia sẻ, chúng tôi hiểu rõ hơn sự nhọc nhằn cũng như nỗi niềm của những công nhân quét rác ca trưa. Mong sao, mỗi người dân tự giác, ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung, bỏ rác gọn gàng, đúng quy định vừa để giảm áp lực và vất vả cho những người lao công, vừa để làm sạch, đẹp hơn cho các góc phố, tuyến đường…

Hân Hân

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy