kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Bảo đảm an toàn thực phẩm trong bếp ăn trường học

Bảo đảm an toàn thực phẩm trong bếp ăn trường học

Cùng với chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, các trường học, nhất là bậc mầm non đặc biệt quan tâm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại bếp ăn bán trú. Qua đó, hướng tới mục tiêu bảo đảm cho học sinh có sức khỏe tốt, phát triển đồng đều cả về trí lực và thể lực.

Trường Mầm non thị trấn Quế (Kim Bảng) có 17 nhóm lớp với 555 trẻ đang theo học ở các độ tuổi. Được sự quan tâm của địa phương, cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại với đầy đủ phòng học, phòng chức năng và trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu phát triển chương trình giáo dục mầm non. Trong đó, nhà bếp có diện tích 130m2, được thiết kế theo quy trình một chiều gồm các khu riêng biệt nhằm tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thực phẩm sống và chín, như: khu tiếp nhận thực phẩm, khu sơ chế, khu chế biến và khu chia thức ăn. 100% nhân viên nấu ăn của trường có chuyên môn nấu ăn; hằng năm được tập huấn kiến thức về ATTP, khám sức khỏe định kỳ.

Trong quá trình chế biến, nhân viên nhà bếp tuân thủ đúng quy định về sử dụng găng tay, đeo tạp dề, mũ, khẩu trang, dùng dụng cụ chia thức ăn. Công tác kiểm thực 3 bước và lưu mẫu được chỉ đạo, thực hiện một cách nghiêm ngặt, có chữ ký người lưu, dán niêm phong. Hằng ngày, tại khuôn viên trường cũng như các lớp học, khu nhà bếp luôn được vệ sinh sạch sẽ; đồ dùng, trang thiết bị được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Việc giữ vệ sinh cá nhân đối với giáo viên, nhân viên và học sinh cũng được thực hiện nghiêm túc.

Cô giáo Phạm Thị Lương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: ATTP là vấn đề nổi cộm của toàn xã hội. Đối với bậc học mầm non, trẻ còn rất nhỏ, sức đề kháng yếu, do vậy bên cạnh việc bảo đảm an toàn cho trẻ trong quá trình học tập, vui chơi, nhà trường xác định bảo đảm ATTP là vấn đề trọng tâm hàng đầu. 100% trẻ ăn bán trú tại trường, với trẻ mẫu giáo ăn 1 bữa chính và 1 bữa phụ, khối nhà trẻ ăn 2 bữa chính và 1 bữa phụ. Trong thực đơn hằng ngày của trẻ đều có sữa và hoa quả. Tất cả thực phẩm được nhập từ đơn vị có uy tín và được kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu vào; thực đơn thay đổi hằng ngày, theo mùa để bảo đảm sự phong phú và đủ dinh dưỡng theo yêu cầu của từng độ tuổi. Từ nhiều năm nay, việc thực hiện công tác bảo đảm ATTP tại bếp ăn bán trú của trường đã đi vào nền nếp, hiệu quả, tạo được sự tin tưởng của phụ huynh học sinh.

Giáo viên Trường Mầm non thị trấn Quế (Kim Bảng) hướng dẫn trẻ nhận biết các loại thức ăn và công dụng của từng loại thực phẩm. Ảnh: Hoàng Hải

Cũng tại huyện Kim Bảng, Trường Mầm non Ngọc Sơn mỗi ngày cung cấp hơn 310 suất ăn cho trẻ. Cô giáo Lại Thị Ngà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để bảo đảm ATTP cho bữa ăn của trẻ, nhà trường đã ký kết hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với công ty cung cấp thực phẩm tươi sạch, bảo đảm chất lượng. Việc giao, nhận hằng ngày được giám sát chặt chẽ bảo đảm đúng, đủ và chất lượng. Nhân viên nấu ăn của nhà trường đều đã qua tập huấn kiến thức về ATTP và khám sức khỏe định kỳ hằng năm, có kiến thức về sơ chế, nấu ăn.

Bếp ăn của trường cũng được thiết kế theo quy trình một chiều; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Thiết bị, đồ dùng nhà bếp, như: nồi cơm điện, tủ sấy bát, tủ lưu mẫu thực phẩm, bếp ga, xoong nồi… được trang bị đầy đủ. Khu vực bếp và trang thiết bị, đồ dùng nấu ăn luôn được giữ gìn sạch sẽ, khô thoáng. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh tất cả khu vực bếp, phòng học; theo dõi sức khỏe của trẻ. Đồng thời, trực tiếp tuyên truyền, trao đổi với phụ huynh để cùng giữ vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Nhiều năm nay nhà trường không ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm.

Toàn huyện Kim Bảng hiện có 18 trường mầm non công lập với hơn 8.600 trẻ; tỷ lệ trẻ ăn bán trú đạt 100%. Bà Đỗ Thị Hằng, Tổ trưởng Tổ Mầm non, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) huyện cho biết: Trên địa bàn huyện có 30 bếp ăn bán trú trường mầm non công lập và 5 bếp ăn tư thục. Để bảo đảm ATTP, khâu quan trọng nhất là nguồn thực phẩm. Do đó, theo chỉ đạo, hướng dẫn của Sở GD và ĐT, phòng đã giới thiệu để các trường lựa chọn ký kết hợp đồng cung cấp thực phẩm với các công ty đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp lý theo quy định, nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, tươi ngon, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Từ năm học 2023 - 2024, các trường cũng ký hợp đồng nhập hoa quả, bánh mỳ phục vụ các bữa ăn của trẻ với cửa hàng nông sản thực phẩm Nguyễn Thị Quyên tại thị trấn Quế. 100% các trường đều sử dụng nước sạch qua hệ thống máy lọc và đun sôi, để nguội cho trẻ uống, không sử dụng nước trực tiếp từ máy lọc.

Trước khi chuẩn bị cho năm học mới, Phòng GD và ĐT huyện đều phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Trung tâm Y tế huyện tổ chức tập huấn các kiến thức, quy định về ATTP cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nấu ăn các trường tổ chức ăn bán trú trên địa bàn. Qua đó, nhằm nâng cao kiến thức thực hành đúng về ATTP cho các cơ sở giáo dục có tổ chức bếp ăn tập thể, góp phần phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, bảo đảm ATTP cho học sinh khi ăn bán trú. Đồng thời, tổ chức và phối hợp tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất các trường mầm non công lập, tư thục về công tác bảo đảm ATTP trong tổ chức bếp ăn tập thể. Với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác bảo đảm ATTP tại trường học trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng bữa ăn ngày càng được nâng lên, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của trẻ.

Thực tế cho thấy, cơ sở vật chất các nhà trường, nhất là bậc học mầm non - nơi hoạt động giáo dục luôn gắn liền với công tác nuôi dưỡng, chăm sóc được các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại với đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi của trẻ. Bếp ăn của trường cơ bản được xây dựng theo quy trình vận hành một chiều với các khu riêng biệt, bao gồm: khu tiếp nhận, khu sơ chế thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn, hệ thống bàn chia, tủ đựng thức ăn. Các nhà trường đã lựa chọn những cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm.

Hằng ngày, khi tiếp nhận thực phẩm đều ghi sổ; có sự giám sát chặt chẽ của ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên nấu ăn và đại diện cha mẹ học sinh. Trang thiết bị, đồ dùng phục vụ nấu ăn, chia thức ăn, đựng thực phẩm được đầu tư đồng bộ. Các bếp ăn đều sử dụng nước sạch, nước qua hệ thống lọc trong sơ chế và chế biến thức ăn. Đa số bếp ăn bán trú nghiêm túc thực hiện ghi chép hồ sơ kiểm thực 3 bước (trước khi chế biến, trong quá trình chế biến, trước khi ăn) và lưu mẫu thức ăn theo quy định… Người quản lý và người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm có xác nhận tập huấn kiến thức ATTP, khám sức khỏe định kỳ, thực hành tốt ATTP. Thực đơn các bữa ăn được xây dựng theo mùa, sử dụng thực phẩm tươi sống để chế biến, kích thích, tạo sự hấp dẫn trong mỗi bữa ăn cho trẻ.

Theo đánh giá của Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nguyễn Thanh Dương, công tác bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể trường học cơ bản ổn định. Tuy nhiên, tại một số điểm trường lẻ cơ sở giáo dục công lập được xây dựng đã lâu, khu vực sơ chế, chế biến chật hẹp, xuống cấp, khó vệ sinh, chưa đáp ứng theo nguyên tắc một chiều. Các lớp mầm non ngoài công lập đều tận dụng cơ sở của các gia đình nên 100% không theo nguyên tắc một chiều trong chế biến thực phẩm.

Bảo đảm ATTP nói chung, trong nhà trường nói riêng là vấn đề hết sức quan trọng. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh trong việc bảo đảm ATTP, phòng chống các bệnh lây qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm. Duy trì công tác kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn có tổ chức bữa ăn bán trú theo đúng kế hoạch.

Cùng với tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện tốt công tác bảo đảm ATTP, Sở GD và ĐT cần tăng cường công tác quản lý và thẩm định cấp phép hoạt động cho các lớp mầm non tư thục. Các cơ sở giáo dục cần quản lý chặt chẽ chất lượng ăn bán trú; rà soát, mua sắm bổ sung đầy đủ đồ dùng, phương tiện phục vụ công tác chăm sóc trẻ; thực hiện xây dựng bếp ăn một chiều, hợp vệ sinh, công trình vệ sinh và nước sạch đúng quy định. Chính quyền các địa phương cần quan tâm đầu tư nâng cấp cho khu vực nhà bếp đối với các trường, điểm trường lẻ đã xuống cấp.

Mong rằng với những nỗ lực kiểm soát ATTP tại bếp ăn tập thể của ngành chức năng, các trường học, cùng ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm… sẽ mang lại những bữa ăn chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng và đặc biệt là an toàn, vì một thế hệ trẻ em khỏe mạnh.

Hoàng Hải

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy