Nghề thu mua điện thoại hỏng

Những năm gần đây, điện thoại di động trở nên phổ biến và rẻ đi rất nhiều. Nếu lỡ tay làm hỏng máy, nhất là với những chiếc điện thoại giá bình dân, người dùng thường vứt bỏ điện thoại cũ, mua điện thoại mới. Chính vì vậy, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một bộ phận người đi thu mua điện thoại cũ, hỏng về bán cho các cửa hàng sửa chữa, kinh doanh điện thoại để kiếm tiền chênh lệch.

Chị Đỗ Thị Mười, phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý) hành nghề thu mua điện thoại cũ, hỏng đến nay đã được gần 3 năm. Trò chuyện với chị Mười được biết, trước khi đi thu mua điện thoại hỏng, chị làm nghề thu mua đồng nát.

Một lần thấy trong đống giấy tờ, sắt vụn thu mua về có 2 chiếc điện thoại Samsung cũ bị vỡ màn hình, chị mang điện thoại ra một số cửa hàng sửa chữa điện thoại trên địa bàn thành phố bán và lãi được 50.000 đồng. Cửa hàng nào cũng dặn chị lần sau nếu thu mua được điện thoại hỏng thì mang ra bán. Từ đó, hễ đi thu mua đồng nát ở đâu, chị Mười cũng hỏi mua điện thoại cũ, hỏng. Dần dà, nghề thu mua "xác" điện thoại đã trở thành nghề chính, mang lại cho chị nguồn thu nhập khá cao, từ 5-10 triệu đồng mỗi tháng.

Giờ đây, khi đã có nhiều "mối" quen để đổ hàng, ngoài điện thoại, chị Mười còn thu mua cả máy tính bảng, máy tính xách tay không còn sử dụng được để tăng thu nhập.

"Giờ tôi không thu mua đồng nát nữa mà chuyển hẳn sang thu mua điện thoại hỏng. Đi thu mua đồng nát vất vả hơn so với điện thoại hỏng rất nhiều. Đồ đồng nát cồng kềnh, vận chuyển rất khó khăn, lãi suất thấp hơn buôn "xác" điện thoại. Thời gian đầu, khi mới làm nghề này, do số người đi thu mua còn ít nên làm ăn dễ lắm. Hôm nào cũng chạy xe máy đi khắp tỉnh từ sáng cho đến hơn 19 giờ tối mới về. Có ngày tôi gom được đến vài trăm chiếc điện thoại hỏng các loại. Những chiếc điện thoại còn nhiều linh kiện tốt, tôi bán cho các cửa hàng sửa chữa điện thoại, những chiếc hỏng nhiều, cửa hàng không mua thì tôi đem bán cho các bãi đồng nát để họ bán cho thị trường Trung Quốc…" - chị Mười cho hay.

Hiện nay, hầu hết những người đi thu mua đồng nát đều tìm mua điện thoại hỏng để bán cho cửa hàng sửa điện thoại nhằm tăng thu nhập.

Những loại "xác" điện thoại được thu gom nhiều nhất là các sản phẩm của một số hãng như: Apple, Samsung, Nokia, LG... Đây là những thương hiệu điện thoại nổi tiếng, được nhiều người sử dụng nên các cửa hàng kinh doanh điện thoại cũ dễ dàng tận dụng linh kiện còn sử dụng được để sửa chữa, thay thế hay lắp ráp thành những chiếc điện thoại mới rồi bày bán với mác "hàng xách tay cũ".

Theo chị Nguyễn Thị Thắm - một người có thâm niên nhiều năm trong nghề thu mua đồng nát ở xã Đồng Hóa (Kim Bảng), xuất hiện nghề thu mua "xác" điện thoại là vì điện thoại hiện nay khá rẻ.

Đối với những chiếc điện thoại có giá vài ba triệu đồng, khi điện thoại bị hỏng nặng, người dùng không muốn đem đi sửa vì chi phí sửa chữa, thay thế linh kiện khá cao so với tổng giá trị chiếc điện thoại mới. Họ thường thêm tiền để mua luôn một chiếc mới. Điện thoại hỏng bị bỏ đi chủ yếu bị vỡ vỏ, vỡ màn hình, hỏng nguồn… Dòng điện thoại cảm ứng, có thương hiệu trên thị trường sẽ được thu mua với giá cao hơn các loại điện thoại "tàu".

Tùy thuộc vào từng hãng, điện thoại hỏng sẽ được mua với giá từ 10.000 đồng đến trên 100.000 đồng/chiếc. Thu mua được bao nhiêu chiếc điện thoại hỏng, chị Thắm đều mang ra cửa hàng sửa chữa điện thoại để bán. Các cửa hàng sẽ đánh giá chất lượng linh kiện còn lại của sản phẩm để đưa ra giá cả hợp lý nhất.

Từ những chiếc điện thoại tưởng chừng không còn giá trị này, các cửa hàng sửa chữa, kinh doanh điện thoại cũ có thể lắp ráp thành một chiếc điện thoại hoàn chỉnh, hoạt động bình thường rồi bán cho những người có nhu cầu.

Nếu như với các loại phụ tùng ô tô hay xe máy, người sử dụng có thể biết chính xác được giá cả của sản phẩm thì với những chiếc điện thoại cũ, hỏng lại không hề có thang giá cụ thể đối với từng bộ phận, linh kiện. Bởi vậy, trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, nghề buôn "xác" điện thoại ngày càng phổ biến, trở thành nghề chính mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người.

Hân Hân

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy