"Giữ lửa" cho nghề truyền thống

Quá trình phát triển, hầu hết các làng nghề đều trải qua bao sóng gió, thăng trầm mới khẳng định được tên tuổi. Để giữ "lửa nghề" cháy mãi, với những người thợ không đơn thuần chỉ là miếng cơm, manh áo mà có cả sự tự tôn, nhiệt huyết với nghề, có khi phải đánh đổi bằng những thứ không thể cân đong, đo đếm được…

Một chiều hè, dưới hiên nhà rợp bóng cây cổ thụ, vợ chồng anh Lê Khắc Phong ở thôn Đô Hai, xã An Lão (Bình Lục) cần mẫn tạo hình những chú chim nhỏ trên chất liệu bằng sừng đã được mài bóng. Cặm cụi khắc từng chi tiết để có lớp vảy trên đôi cánh, cái mỏ cong cong, xinh xinh, đôi mắt tròn vo, làm sao để con chim sừng vừa nhìn đã cho cảm giác sống động như thật. Tưởng chừng đơn giản, nhưng phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, chú chim sừng mới đủ lông, đủ cánh, trở thành một món quà lưu niệm.

Chim sừng là một trong nhiều sản phẩm của làng nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai, cùng với các sản phẩm công, phụng, rồng, trâu, voi, thuyền buồm,… đã tạo nên tên tuổi cho làng nghề Đô Hai trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Nhắc đến quá trình phát triển của làng nghề, vợ chồng anh Phong luôn tự hào, Đô Hai là làng nghề truyền thống, với tuổi đời hơn một trăm năm có lẻ. Xưa, người Đô Hai tạo ra các sản phẩm mỹ nghệ hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Nhiều năm trở lại đây, có sự hỗ trợ của máy móc nhưng vẫn không làm mờ đi dấu ấn thủ công trên các sản phẩm mỹ nghệ.

Anh Phong nói, đó là nét đặc trưng của sản phẩm thủ công sừng mỹ nghệ. Dù thế nào, người Đô Hai vẫn giữ cho bằng được nghề. Có điều, ranh giới giữa cái được, mất khiến cho người ta phải suy nghĩ. Nếu làm thủ công sẽ giữ được nét đặc trưng thì năng suất lao động thấp, thu nhập không cao. Nếu sản xuất bằng máy, sản phẩm sẽ khó đạt độ tinh xảo. Bao năm nay, Đô Hai vẫn giữ lối sản xuất thủ công để không làm mất đi nét riêng truyền thống.

Anh Lê Khắc Phong, thôn Đô Hai, xã An Lão  (Bình Lục) đang hoàn thiện sản phẩm sừng mỹ nghệ. Ảnh: Lương Thế

Có điều, dù luôn nỗ lực, nhưng làng nghề Đô Hai vẫn không giữ được nhịp độ tăng trưởng đều. Đồng chí Hà Nam Bắc, Bí thư Chi bộ thôn Đô Hai giọng trầm buồn: Đô Hai đã đi qua thời hoàng kim gần 20 năm rồi! Thời đó, sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó. Thậm chí, khách không đặt trước thì không mua được hàng. Nay, sản phẩm làng nghề làm ra vẫn phong phú, đa dạng, nhưng độ sắc nét, tinh tế, tính thẩm mỹ có phần kém đi.

Đô Hai có 352 nóc nhà, hầu như nhà nào cũng làm nghề, nhưng nhiều hộ đã chuyển sang làm gia công, đánh bóng sản phẩm. Các hộ trong làng liên kết với nhau hình thành các tổ nhóm, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Phương thức tổ chức ở làng nghề Đô Hai đã thay đổi, nhưng chưa đủ làm người dân yên tâm về tương lai tươi sáng hơn của làng nghề.

Ông Hà Nam Bắc bùi ngùi: Thị trường tiêu thụ sản phẩm sừng mỹ nghệ đang bị thu hẹp dần. Khách hàng càng ngày càng khó tính, đòi hỏi sản phẩm có tính thẩm mỹ cao. Trong khi, các sản phẩm làm trên chất liệu sừng khó hoặc chưa đủ sức vực làng nghề sống dậy thời kỳ hoàng kim 20 năm trước. Cứ đà này, không biết làng nghề sẽ đi về đâu.

Khoảng cách thu nhập từ nghề làm sừng với nhiều ngành nghề dịch vụ khác ở nông thôn đang dần nới rộng hơn. Đó là nguyên nhân khiến cho nhiều hộ ở Đô Hai chọn cách làm dễ, không chăm chút đầu tư làm những sản phẩm mỹ nghệ, chất lượng cao. Vợ chồng anh Phong có 2 người con trai. Anh Phong muốn con của mình tiếp nghề truyền thống của gia đình, cho dù, thu nhập từ nghề luôn eo hẹp. Với anh, đó là cách để anh giữ "lửa nghề" cho con, mong mỏi thế hệ sau vẫn yêu nghề và sống với nghề bằng niềm đam mê, tâm huyết như cha mẹ chúng.

Mang theo tâm niệm của người Đô Hai đến với làng gốm son Quyết Thành ở thị trấn Quế (Kim Bảng) mới thấy, có sự giao thoa trong dòng chảy phát triển của làng nghề. Cách mà người làng gốm giữ nghề cũng có thể coi là sự nỗ lực, đáng trân quý. Làng gốm Quyết Thành hiện có 5 cơ sở sản xuất hoạt động đều đặn. Mỗi một cơ sở lại chọn cách làm riêng.

Nghệ nhân Lại Văn Tiến gắn bó với gốm cả cuộc đời, chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của làng sản xuất gốm son. Ông nói, có những thời điểm, làng nghề rơi vào cảnh bế tắc, không phát triển được vì sản phẩm làm ra không cạnh tranh nổi với các sản phẩm gốm khác trên thị trường. "Lửa nghề" heo hắt. Nhiều người đã bỏ sang làm nghề khác, số ít đầu quân cho các cơ sở sản xuất gốm Bát Tràng. Ông Tiến cũng từng đi đầu quân ở Bát Tràng, làm những sản phẩm mỹ nghệ. Rồi ông chợt nhận ra, con đường ấy không thể giữ "lửa nghề" cháy mãi. Đau đáu với nghề gốm quê hương, ông quyết định trở về làng.

Hiện nay, nghệ nhân Lại Văn Tiến đang làm cho một số cơ sở sản xuất ở Quyết Thành, chuyên làm công đoạn tạo hoa văn trên sản phẩm. Với ông, đây là giải pháp ông có thể thỏa mãn đam mê của mình, gửi tình yêu vào gốm bằng sự sáng tạo không giới hạn. Nghệ nhân Lại Văn Tiến đắp những con giống hình rồng bay, phượng múa trên chum, bình hoa, bình trà, cỏ cây, hoa lá (tùng, cúc, trúc, mai)… trên nhiều sản phẩm khác. Có khi mất cả ngày mới hoàn thiện được hoa văn trên chum rượu. Tính công xá thì chả là gì, nhưng nếu không cố gắng tạo ra sự khác biệt, nâng cao giá trị cho gốm, làng nghề sẽ khó cạnh tranh được với thị trường gốm hết sức đa dạng và phong phú.

Người làng gốm cũng hiểu thấu điều đó. Gốm có nhiều loại, mỗi loại có giá trị riêng. Gốm son Quyết Thành cũng thế. Vấn đề là làm thế nào để phát huy giá trị ấy? Khó ở chỗ, làng nghề đang thiếu thợ giỏi. Lớp trẻ làm nghề bây giờ cũng nhiệt huyết lắm, nhưng không phải ai cũng có khả năng trau chuốt sản phẩm.

Hiện nay, các cơ sở sản xuất gốm ở Quyết Thành đầu tư máy móc, trang thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn với thị hiếu của người tiêu dùng. Dù vậy, người làm nghề vẫn còn trăn trở, nhất là chất lượng nhân lực của làng nghề, về đầu ra và công tác đổi mới công nghệ sản xuất.

Hà Nam có 65 làng nghề nhưng chỉ còn 58 làng nghề đang hoạt động, 7 làng nghề đã bị mai một. Tuy nhiên, trong số 58 làng nghề không phải làng nghề nào cũng phát huy được những giá trị vốn có. Nói như nghệ nhân Lại Văn Tiến: Làng nghề là tài sản quý, không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa đặc biệt. Muốn làng nghề sống mãi cần giữ "lửa nghề" luôn cháy, để yêu nghề, sống với nghề bằng niềm đam mê và nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, sóng gió.

Bích Huệ

Bích Huệ, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy