Cẩn trọng khi mua hàng khuyến mại

Những tấm băng zôn đỏ, in chữ cỡ lớn: Giảm giá 70%, đại hạ giá, mua 2 tặng 1…, là nội dung khuyến mại sản phẩm, hàng hóa được nhiều cửa hàng áp dụng nhằm kích cầu tiêu dùng. Quả thực, đó là những chương trình khuyến mại hấp dẫn, nhưng nếu không tỉnh táo trong lựa chọn tiêu dùng, khách hàng sẽ bị rơi vào "bẫy" mua hàng giá rẻ.

Bà Nguyễn Thị N., xã Trác Văn (Duy Tiên) chưa bao giờ thấy chương trình khuyến mại mua sắm nào hấp dẫn như thế. Nhân viên bán hàng đến tận cổng nhà chào bán hàng và hứa sẽ thực hiện đúng cam kết về chương trình bảo hành sản phẩm của công ty. Khi mua hàng, khách hàng được hưởng giá ưu đãi và được tặng kèm sản phẩm cho các đơn hàng từ 800 nghìn đồng trở lên.

"Nghe nhân viên bán hàng nói chiếc nồi lẩu trên thị trường có giá 1,2 triệu đồng. Họ đến tận nhà mình mà chỉ bán với giá 900 nghìn đồng, còn được tặng kèm sản phẩm thì hấp dẫn quá!" - bà N. chia sẻ.

Bị cuốn hút bởi chương trình khuyến mại, bà N. quyết định mua chiếc nồi lẩu mà không tìm hiểu kỹ về nhãn hiệu sản phẩm. Chỉ khi sử dụng nồi, bà N. mới thấy hối tiếc vì đã mua hàng khuyến mại. Chiếc nồi lẩu chất lượng kém, dây điện bị cháy ngay trong lần sử dụng đầu tiên.

Mua quần áo giá rẻ tại một cửa hàng trên đường Lê Công Thanh, thành phố Phủ Lý.

Đánh trúng tâm lý muốn được ưu đãi khi mua hàng của người tiêu dùng, nên nhiều cửa hàng đã áp dụng triệt để các chương trình khuyến mại, giảm giá sản phẩm. Từ thành thị, cho tới nông thôn, kể cả những chợ truyền thống ở nông thôn đều xuất hiện những quầy bán hàng di động. Những mặt hàng gắn biển "đại hạ giá" phần nhiều là quần áo, chăn ga gối đệm, giày dép được may gia công, hóa mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Chị Lê Thị Nga, một người bán hàng quần áo di động trên quốc lộ 38, xã Yên Bắc (Duy Tiên), khẳng định: Khách hàng ở nông thôn thường dễ tính, không kén chọn nhãn hiệu hàng hóa, thích mua hàng giảm giá. Nhiều người chỉ quan tâm đến sản phẩm được giảm giá bao nhiêu. Vì thế, chúng tôi bán hàng giá rẻ để bán được nhiều sản phẩm.

Trào lưu giảm giá, khuyến mại hàng hóa xuất hiện ở nhiều nơi. Tại thành phố Phủ Lý, khách hàng cũng dễ bị lạc vào "ma trận" của các chương trình khuyến mại tràn lan. Nếu không tỉnh táo lựa chọn hàng hóa, người tiêu dùng  dễ bị mua hàng giảm giá nhưng chưa chắc đã rẻ.

Chúng tôi bước vào một vài cửa hàng bán quần áo trên phố Nguyễn Văn Trỗi (TP. Phủ Lý), nhiều khách hàng nữ háo hức bước vào rồi lại nhanh chóng đi ra, thì thầm với nhau: "Toàn hàng lỗi mốt, nhăn nhúm, khó mặc".

Có những cửa hàng thời trang treo biển bán đồng giá tất cả sản phẩm, nhưng khi thanh toán, khách hàng chỉ được hưởng khuyến mại một số sản phẩm, không giống như quảng cáo của cửa hàng.

Rõ ràng, hình thức khuyến mại này chỉ mang tính chất "câu" khách. Không ít sản phẩm được đề giảm giá sốc, nhưng vẫn đắt hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. 

Không chỉ có hàng thời trang giảm giá "săn" khách, nhiều mặt hàng điện tử, điện lạnh cũng giảm giá theo mùa. Nhiều trung tâm điện tử, điện lạnh đồng loạt áp dụng các chương trình khuyến mại lớn, vô cùng hấp dẫn. Mua ti vi được giảm giá trực tiếp trên sản phẩm và nhận thêm quà. Mua bình nóng lạnh được giảm giá và tặng kèm thùng bia, hoặc thùng nước ngọt, bàn là hoặc máy sấy tóc... Tổng trị giá các mặt hàng khuyến mại (tặng kèm) có thể lên tới 20-30% tổng giá trị sản phẩm.

Anh Nguyễn Văn Khải, trú tại phường Lam Hạ (TP. Phủ Lý) vừa mua được chiếc tủ lạnh. Tin rằng mình được hưởng khuyến mại giảm giá 10%, nhưng  khi so với giá niêm yết của nhà cung cấp sản phẩm, anh Khải thấy tiếc, chiếc tủ lạnh anh mới mua vẫn đắt hơn 500 nghìn đồng.

Khuyến mại là hoạt động thường được áp dụng phổ biến trong kinh doanh, được pháp luật cho phép. Vấn đề ở chỗ, hoạt động khuyến mại có được thực hiện đúng theo luật định và được cơ quan quản lý kiểm soát hay không?

Theo Điều 6 của Nghị định số 37/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về Luật Thương mại, hoạt động xúc tiến thương mại, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Việc này tránh lợi dụng hình thức giảm giá khuyến mại để cạnh tranh không lành mạnh.

Nghị định 37 còn nêu rõ, nếu thương nhân thực hiện các hình thức khuyến mại phải gửi thông báo bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền chậm nhất trước 7 ngày làm việc. Việc thông báo này nhằm mục đích thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hoạt động khuyến mại hàng hóa vượt quá con số 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ theo quy định và không được thương nhân đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan quản lý khó kiểm soát, quản lý hiệu quả hoạt động này.

Thế nên, tình trạng vi phạm trong khuyến mại vẫn xảy ra, phổ biến là khuyến mại thiếu trung thực hoặc gây hiểu lầm về dịch vụ, hàng hóa để lừa dối khách hàng, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mại để tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, làm phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng…

Từ thực tế cho thấy, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ trước khi mua hàng khuyến mại, tìm hiểu thông tin về chương trình khuyến mại của hãng sản xuất, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm để tránh bị thiệt hại kinh tế không đáng có.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy