Trường hợp nào bị Bộ Y tế cấm gây tê tuỷ sống khi sinh mổ?

Với một số trường hợp sinh mổ, Bộ Y tế yêu cầu các bác sĩ không áp dụng phương pháp gây tê màng cứng, thay vào đó dùng phương pháp gây mê nội khí quản.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa ký công văn gửi các cơ sở y tế yêu cầu bác sĩ khi mổ bắt con cho sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật… không được dùng phương pháp gây tê tuỷ sống, thay vào đó dùng gây mê nội khí quản (gây mê toàn thân).

Lý do qua ghi nhận cho thấy, việc áp dụng gây tê tuỷ sống với những trường hợp này có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như bệnh cảnh của tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Khi đó cấp cứu cực kỳ vất vả, nguy cơ tử vong cao.

Bộ Y tế có văn bản chính thức, quy chuẩn hoá quy định không gây tê màng cứng với một số trường hợp sinh mổ đặc biệt.

Theo Thứ trưởng, thế giới đã áp dụng kỹ thuật gây mê tuỷ sống trong mổ bắt thai từ lâu. Nhưng với các trường hợp người mẹ có bệnh tim, huyết áp; nguy cơ chảy máu như: rau tiền đạo, sản giật, tiền sản giật; suy giảm chức gan, thận, phổi… các bác sĩ sẽ áp dụng gây mê nội khí quản.

Tại Việt Nam, hầu hết các BV đã áp dụng quy trình này. Tuy nhiên qua theo dõi, giám sát và thẩm định tại nhiều địa phương vẫn còn những cơ sở y tế gây tê tuỷ sống mọi trường hợp.

Phương pháp gây tê tủy sống. Ảnh: Shutterstock.

Theo Thứ trưởng Tiến, nếu gây mê tuỷ sống mọi trường hợp thì 10 ca có thể có 1 ca biến chứng như tụt huyết áp, chảy máu, ngừng tim... Do đó để an toàn nhất cho sản phụ, Bộ Y tế có công văn chuẩn hoá quy trình cho những trường hợp đặc biệt.

Để thực hiện phương pháp gây mê nội khí quản, người bệnh cần nhịn ăn. Nếu trót ăn, sẽ phải hút sạch dạ dày, phương pháp này phức tạp hơn nhiều so với gây tê tuỷ sống.

Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp gây tê vùng, sản phụ sẽ được tiêm mũi gây tê vào cột sống. Từ đó thuốc phân tán sang vùng xung quanh làm tê liệt một vài bộ phận chịu áp lực nhiều nhất trong khi chuyển dạ. Do đó, sản phụ vừa không đau, vừa hoàn toàn tỉnh táo.

Tuy nhiên nhiều giờ sau sinh, sản phụ có thể vẫn còn cảm giác tê ở chân, thậm chí cảm thấy yếu ở chân thời gian dài sau đó. Đau lưng cũng là tác dụng phụ khá phổ biển sau thủ thuật đẻ không đau.

Thúy Hạnh/vietnamnet.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy