Đột qụy não - nỗi ám ảnh và cách phòng tránh

Tai biến mạch máu não, hay còn gọi là đột qụy não (ĐQN) là bệnh xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần của bộ não bị ngưng trệ đột ngột.

Tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, mỗi năm có 600-700 ca ĐQN, bình quân mỗi ngày có 2-3 bệnh nhân bị ĐQN nhập viện. Thời tiết thay đổi đột ngột, đặc biệt là mùa lạnh, số người bị ĐQN càng tăng. Hậu quả của ĐQN vô cùng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, ĐQN có thể phòng tránh qua ăn uống, rèn luyện sức khỏe và kiểm soát huyết áp.

Bệnh đứng số 1 về gây tàn phế, đứng thứ 3 về tử vong

Bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, BVĐK tỉnh cho biết, ĐQN có hai loại: Nhồi máu não (do nghẽn, tắc mạch) và xuất huyết não (do vỡ mạch). Theo nghiên cứu của ngành y tế, ĐQN là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau các bệnh lý về tim mạch và ung thư, là nguyên nhân gây tàn phế số 1.

Khoa Cấp cứu, BVĐK tỉnh, một ngày thời tiết bình thường nhưng có khá nhiều bệnh nhân bị ĐQN. Trong phòng chăm sóc đặc biệt, một cụ bà đang nằm hôn mê với nhiều máy móc hỗ trợ. Người nhà cho biết, cụ 73 tuổi ở xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý. Cụ có tiền sử bị huyết áp cao. Đêm hôm trước trời lạnh, cụ bị đột qụy và rơi vào hôn mê. Theo chẩn đoán, cụ bị xuất huyết não do huyết áp tăng đột ngột, tiên lượng rất xấu.

Bác sỹ kiểm tra một bệnh nhân bị đột qụy não dẫn tới hôn mê sâu nằm điều trị tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Còn tại Khoa Thần kinh - Cơ xương khớp của BVĐK tỉnh, số bệnh nhân bị ĐQN luôn chiếm trên 45% tổng số bệnh nhân điều trị tại khoa. Thời điểm hiện tại đang điều trị tại khoa có 50 bệnh nhân thì hơn 20 người bị ĐQN.

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Loan, Phó Trưởng khoa Thần kinh - Cơ xương khớp cho biết, các bệnh nhân qua giai đoạn nguy hiểm sẽ về điều trị tại khoa. Bệnh nhân bị ĐQN hầu hết có tiền sử huyết áp cao, tuổi từ 50 trở lên. Bệnh nhân ĐQN mùa nào cũng nhiều, nhưng những ngày trời rét đậm số lượng bệnh nhân nhập viện tăng hơn.

Các dấu hiệu sớm đột quỵ não:

- Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng nên khó nhận ra. Người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên yêu cầu được cấp cứu ngay.

- Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt, khi người bệnh nói hoặc cười sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.

- Dấu hiệu ở tay: Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra,  người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được.

- Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.

- Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.

- Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.

(Bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, BVĐK tỉnh)

Cấp cứu đúng cách, kịp thời sẽ giảm tỷ lệ tử vong, mức độ tàn phế

ĐQN gây hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Theo bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn, với những bệnh nhân bị xuất huyết não tỷ lệ tử vong trong những ngày đầu lên đến 40-50%. Với người bị nhồi máu não tiến triển từ từ nhưng sẽ ngày càng nặng nếu không được điều trị sớm. Những người bị ĐQN may mắn sống sót di chứng để lại vô cùng nặng nề, việc phục hồi rất khó, chậm, tốn kém tiền bạc, công sức, và đã bị rồi sẽ bị lại, lần sau sẽ nặng hơn lần trước.

Từ cuối năm 2014, BVĐK tỉnh đã triển khai điều trị thuốc tiêu sợi huyết cho những người bị nhồi máu não đến viện sớm. Đây là một phương pháp điều trị hiện đại, không phải mổ, khả năng hồi phục tốt, nhưng sau hơn 3 năm triển khai mới chỉ làm được 65 ca, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với số bệnh nhân bị nhồi máu não vào viện. Nguyên nhân là phương pháp điều trị này chỉ áp dụng được cho những bệnh nhân đến viện sớm sau khi bị ĐQN, chậm nhất là sau 3-4,5 giờ đầu từ khi người bệnh xuất hiện những dấu hiệu nhồi máu não. Nhưng nhiều bệnh nhân bị nhồi máu não vào viện khá muộn, không đáp ứng được yêu cầu này.

Cũng theo bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn, để giảm tỷ lệ tử vong và di chứng do ĐQN gây ra, vấn đề nhận biết đánh giá và xử trí ban đầu đóng vai trò rất quan trọng. Bác sỹ Tuấn đang xây dựng Quy trình cấp cứu bệnh nhân ĐQN cấp để tuyên truyền tới cộng đồng, triển khai tới nhân viên y tế tuyến xã, phường, thị trấn, bệnh viện tuyến huyện, tỉnh. Theo đó, người dân cần phải nắm được các dấu hiệu sớm của ĐQN để kịp thời phát hiện và đưa người bệnh tới cơ sở y tế sớm nhất.

Những người bị ĐQN đều có tiền sử tăng huyết áp. Vì vậy việc giữ gìn, củng cố sức khỏe để không bị cao huyết áp là biện pháp dự phòng nền tảng, cơ bản để tránh bị ĐQN và nhiều loại bệnh  khác. Theo các bác sỹ, để có một sức khỏe tốt, hạn chế mắc bệnh huyết áp cao và nhiều loại bệnh tật khác cần duy trì chế độ ăn hợp lý, nhiều rau, hoa quả, chất xơ, không nên ăn nội tạng động vật. Không ăn nhiều đồ ăn chiên rán, đặc biệt tránh các loại thực phẩm dùng dầu chiên lại rất độc hại cho sức khỏe. Hạn chế đồ ăn có lượng đường cao, bia rượu, không hút thuốc lá. Khi nhiều tuổi hạn chế ăn thịt đỏ. Ngoài ra cần tập thể dục thường xuyên.

Cần đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên để kịp thời phát hiện các loại bệnh, trong đó có bệnh huyết áp cao, có biện pháp điều trị. Khi bị huyết áp cao cần duy trì uống thuốc điều hòa huyết áp theo chỉ định của bác sỹ. 

Tuy nhiên, bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn cũng cho biết có những người không bị huyết áp cao vẫn bị ĐQN, có những người bị huyết áp cao uống thuốc điều hòa huyết áp thường xuyên vẫn bị ĐQN. Nguyên nhân là do việc thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể không thích ứng kịp dẫn đến tăng huyết áp gây ra ĐQN. Vì thế, người dân phải hết sức chú ý tránh việc thay đổi nhiệt độ đột ngột đối với cơ thể, đặc biệt trong những ngày trời lạnh.

Yên Chính

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy