Xuất khẩu lao động sang Nhật Bản: Dễ mà khó

Thị trường lao động Nhật Bản thời gian qua được đánh giá có những thuận lợi đáng kể để người lao động Việt Nam nói chung, Hà Nam nói riêng tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên, những vấn đề xung quanh kỷ luật lao động, yêu cầu năng lực, phẩm chất… của Nhật Bản đã khiến nhiều lao động phải đắn đo, thậm chí thất bại trên con đường tu nghiệp sinh, trở thành lao động chính thức tại nơi này.

Buổi gặp mặt Nghiệp đoàn thực tập sinh và gia đình trúng tuyển đơn hàng điện tử do Trung tâm EMICO tổ chức.

Những năm qua, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Hàn Quốc khó khăn hơn trước nên người lao động Hà Nam có nhu cầu đi XKLĐ đã tìm hiểu, nắm bắt thông tin, tự quyết định tham gia một số thị trường hấp dẫn như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Theo bà Phạm Thị Huế, Phó Trưởng phòng Lao động - việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thị trường XKLĐ sang Nhật Bản hiện nay đang thuận lợi để lao động Việt Nam nói chung, lao động Hà Nam nói riêng có cơ hội tham gia.

Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2017, trong số 667 lao động xuất khẩu của Hà Nam đến các thị trường ngoài nước, lao động xuất khẩu sang Nhật Bản là 340 người, chiếm quá nửa số lao động xuất khẩu nước ngoài. Các huyện Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm có số lao động xuất khẩu sang Nhật Bản đông nhất. Bà Huế cho biết, mức lương cơ bản mà người lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản được hưởng từ 25 đến 30 triệu đồng/người/tháng. Trong vòng 3 năm, người lao động được tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, tham gia lao động ở những ngành nghề như xây dựng, cơ khí, chăm sóc y tế cộng đồng, chế biến thực phẩm, trang trí nội thất… Đó là những ngành nghề lao động Việt Nam làm khá tốt.

Trong số hàng trăm đơn vị có chức năng đưa lao động đi tu nghiệp tại Nhật với số lượng đơn hàng ngày một tăng, Trung tâm Hợp tác nhân lực Quốc tế - EMICO (Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV) luôn bảo đảm việc tuyển dụng và đào tạo nhân lực phù hợp với yêu cầu của Nhật Bản. Tại Hà Nam, mỗi năm trung tâm tuyển dụng, đào tạo đưa sang Nhật Bản làm việc hàng trăm lao động.

Ông Trần Anh Tình, phụ trách tuyển dụng của trung tâm cho biết, có rất nhiều điểm hấp dẫn lao động sang làm việc tại Nhật như mức thu nhập cao hơn hẳn các nước khác, môi trường sống và làm việc tại Nhật Bản tương đối tốt, an ninh được bảo đảm. Nhiều đơn hàng và vị trí công việc được doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên tuyển dụng lao động Việt Nam. Tuy nhiên, lao động Việt Nam khi sang Nhật làm việc cần có và phải thực hiện những yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn và tính kỷ luật. Chi phí tham gia xuất khẩu lao động tùy thuộc vào các đơn hàng cụ thể, nhưng hầu hết dao động trong khoảng 100 triệu đồng/một năm.

Là người tham gia trực tiếp công tác tuyển dụng lao động xuất khẩu sang Nhật Bản những năm qua, ông Trần Anh Tình nói: “Cơ hội thực sự đang mở ra đối với lao động Việt Nam nói chung, Hà Nam nói riêng. Trong khi doanh nghiệp Nhật Bản có yêu cầu cao về trình độ chuyên môn đối với lao động, thì số lao động của chúng ta tốt nghiệp đại học, cao đẳng khá nhiều, nhưng lại không tìm được việc làm theo đúng chuyên môn đã được đào tạo trong nước nên mong muốn được XKLĐ đến Nhật Bản không ít. Thế nhưng, người lao động đã không dễ dàng tham gia vào thị trường này khi ý thức lao động, trình độ ngoại ngữ, tiếng bản địa không tốt”.

Theo ông Tình, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động xuất khẩu đều phải đào tạo lao động trước khi sang thực tập và làm việc chính thức tại Nhật Bản từ 4 đến 6 tháng với quy định ngặt nghèo về thời gian, kỷ luật học tập. Mỗi lao động sẽ phải học 25 đến 30 bài tiếng Nhật. Học viên phải vượt qua các kỳ thi, trượt ở kỳ thi nào thì học viên đó phải chấp nhận ở lại. So với việc đào tạo lao động xuất khẩu sang các nước, Nhật Bản vẫn là thị trường lao động kỹ tính hơn cả. Vì thế, có những lao động Việt Nam sau khi sang Nhật Bản làm việc một thời gian đã bỏ trốn vì không thể chịu đựng được áp lực công việc và kỷ luật lao động.

Vì vậy, năm 2016, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được phép tuyển chọn và đào tạo thực tập sinh sau khi hợp đồng phải cử thực tập sinh sang Nhật Bản có hiệu lực, phù hợp với kế hoạch tiếp nhận của các tổ chức tiếp nhận Nhật Bản. Cụ thể, doanh nghiệp phải bảo đảm hợp đồng phải cử thực tập sinh sang Nhật Bản đáp ứng các điều kiện tối thiểu như thời gian làm việc không quá 8h/ngày và 40h/tuần, mức trợ cấp từ 30.000 - 50.000 yên/tháng, áp dụng với trường hợp không được cung cấp miễn phí các bữa ăn. Trong thời gian thực tập kỹ thuật, thực tập sinh được hưởng lương theo quy định tại Luật lương tối thiểu của Nhật Bản.

Thực tập sinh và gia đình được Trung tâm EMICO  tập huấn trước khi xuất cảnh.

Thị trường lao động Nhật Bản đang mở ra những cơ hội mới đối với người lao động Việt Nam. Thời gian làm việc ở hai lĩnh vực xây dựng và đánh bắt thủy sản đã được nới thêm 2 năm. Nhiều ngành nghề mới tiếp nhận lao động Việt Nam như may công nghiệp, chế biến thủy sản, chăm sóc sức khỏe cộng đồng… Để tham gia hiệu quả thị trường này, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động Việt Nam, bản thân người lao động cũng cần thay đổi và nhận thức đúng về Nhật Bản, bảo đảm yêu cầu lao động của các doanh nghiệp.

Giang Nam

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy