Vì sao người lao động không muốn đến trung tâm dịch vụ việc làm?

Trung bình mỗi năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức được khoảng 25 phiên giao dịch việc làm, nhưng chỉ thu hút được một lượng người đến tìm việc hoặc có nhu cầu tư vấn việc làm và giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân khiến người lao động (NLĐ) không muốn đến trung tâm để tìm kiếm việc làm.

Người lao động tìm thông tin việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: Thế Tuân

Theo ông Đinh Đăng Hồng, Giám đốc TTDVVL (Sở LĐ-TB&XH), địa điểm của trung tâm nằm trên một con ngõ nhỏ ở phường Lê Hồng Phong (TP.Phủ Lý), NLĐ rất khó có thể tìm đến nơi tham gia các phiên giao dịch, tư vấn, giới thiệu việc làm (GTVL). Gần đây, đường vào trung tâm đã được mở rộng nhưng điều kiện cơ sở vật chất lại không đáp ứng được yêu cầu. Ông Hồng nói: Vào thời điểm quý II và quý III, khi số lượng sinh viên ra trường đông, nhu cầu tìm kiếm việc làm lớn, có những phiên giao dịch thu hút tới 200 - 300 người, trên 20 doanh nghiệp (DN) tham gia tuyển dụng thì trung tâm không đủ chỗ để làm việc. Các phòng chức năng, chuyên môn của trung tâm đều được tận dụng làm địa điểm cho các DN ngồi xét tuyển, phỏng vấn, tư vấn cho lao động. Trung tâm đã qua hai lần cải tạo, nâng cấp, nhưng sức chứa chỉ đạt từ 18 - 20 DN cùng trên dưới 200 người đến tham gia. Để tháo gỡ những khó khăn này, trung tâm đã tổ chức những phiên giao dịch việc làm lưu động về các huyện, thành phố, mỗi tháng một phiên. Tuy nhiên, hiệu quả cũng không cao hơn, vì lý do còn ở phía NLĐ và các DN.

Tại phiên giao dịch việc làm được tổ chức ngày 22/7/2016 ở huyện Bình Lục, số DN tham gia tư vấn, tuyển lao động chỉ khoảng 5-6 đơn vị với gần 100 người đến để được tư vấn tìm việc làm, GTVL, tư vấn XKLĐ... Chị Nguyễn Thị Tuyền, 31 tuổi, ở xóm Chùa, xã An Nội chia sẻ: Tôi được thông báo đến tham gia phiên giao dịch này, nhưng cũng không hy vọng sẽ tìm được việc làm ở đây. Tôi đã từng là công nhân làm giày da, thu nhập cũng tạm ổn. Trong khi, ở phiên giao dịch này, người ta giới thiệu những nghề mới, được đào tạo ngay tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bình Lục, gồm các nghề phi nông nghiệp (cơ khí, điện dân dụng...) và các nghề nông nghiệp như sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đệm lót sinh học, thú y... Chị Tuyền cũng giống như nhiều NLĐ có mặt ở đây cảm thấy không phù hợp với yêu cầu của mình. Chị nói: "Tôi sẽ không bao giờ đến những phiên giao dịch thế này!".

Chị Nguyễn Thị Lành, thôn Ông Cân, xã La Sơn (Bình Lục) cho biết, chị đã từng tham gia nhiều phiên giao dịch việc làm nhưng không tìm thấy công việc phù hợp với mình. Hầu hết tại các phiên giao dịch, những ngành nghề mà NLĐ muốn làm lại bị hạn chế. Chẳng hạn, nhiều DN FDI tuyển lao động lại chỉ tuyển lao động nữ, tuổi từ 18-35, hạn chế tối đa lao động nam. Sự phân biệt đối xử với lao động tại các phiên giao dịch này quá rõ ràng. Thêm nữa, khi tư vấn, GTVL, nhiều DN đưa ra mức lương và vị trí việc làm khá tốt, làm cho NLĐ cảm thấy yên tâm, tin tưởng. Nhưng khi vào làm việc thực tế, mọi chuyện lại không thế, nghĩa là không hề được làm ở vị trí như giới thiệu ban đầu, không được hưởng mức lương và các chế độ đúng như giới thiệu. Thế nên, chỉ sau 3-4 tháng làm việc, NLĐ bỏ làm, tìm công việc khác phù hợp với yêu cầu và sở trường của mình.

Trong những tháng đầu năm 2017, thị trường lao động ở các nơi đang sôi động thì tại những phiên giao dịch việc làm ở Hà Nam có vẻ trầm lắng. Mỗi phiên giao dịch chỉ thu hút từ 120-150 lượt người và gần 10 DN tham gia. Tâm lý chung của NLĐ khi đến những phiên giao dịch này không thay đổi, vẫn chỉ "đi xem sao" chứ thực tế "không mấy hy vọng". Anh Nguyễn Văn Trang, xóm 2 Cát Lại, xã Bình Nghĩa (Bình Lục) nói: Chúng tôi đến đây với mong muốn tìm được việc làm đúng với năng lực, sở trường, có thể bảo đảm đời sống của bản thân, nhưng gần như mọi việc quá xa vời. Tôi đã để ý và thấy, người ta chủ yếu đến đây để tư vấn bảo hiểm thất nghiệp chứ tìm việc ít lắm! Anh Trang cũng bày tỏ suy nghĩ của mình: Hà Nam là tỉnh thu hút đầu tư rất mạnh, hiện tại có tới hơn 600 DN đang hoạt động ở các khu công nghiệp trên địa bàn. Lượng công nhân làm việc trong các DN trên 49.000 lao động. Tôi tin chắc một điều, NLĐ chủ yếu đến tìm việc trực tiếp tại DN chứ không phải qua những sàn giao dịch này.

Anh Nguyễn Văn Trang đã nghĩ không sai, bởi khi trao đổi với một số DN đóng trên địa bàn huyện Duy Tiên, bộ phận quản lý nhân sự cho biết, họ tuyển công nhân thông qua việc tự quảng cáo, tự treo băng zôn, tìm lao động. Các DN về tận các thôn, xóm trên địa bàn tỉnh để thông tin tuyển lao động. NLĐ tự tìm đến DN để phỏng vấn, vào làm việc theo đúng mong muốn của bản thân. Ông Phan Đình Vụ, Quản lý Văn phòng Công ty TNHH GEU-LIM Hà Nam (thôn Phúc Thành, xã Châu Giang, huyện Duy Tiên) nói: "Đây là hình thức mà các DN thực hiện trong việc tuyển lao động. Như công ty tôi, chưa bao giờ chúng tôi nghĩ sẽ thông qua trung tâm để tìm lao động. Cái đó khó và chậm. NLĐ khi tìm đến công ty, xin phỏng vấn và tuyển dụng là lúc họ đã suy nghĩ, đã lựa chọn, cảm thấy công việc phù hợp với bản thân rồi".

Rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của TTDVVL thời gian qua. Theo ông Đinh Đăng Hồng, tỉnh đã chỉ đạo không thu phí đối với các DN và NLĐ khi tham gia các phiên giao dịch để khuyến khích. Trung tâm đã thực hiện chỉ đạo ấy và khi phát hiện những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức các phiên giao dịch việc làm cũng đã đề xuất và kiến nghị với Sở tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với DN về giờ giấc làm việc và chế độ lương thưởng với NLĐ. Tuy nhiên, khó vẫn hoàn khó.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy