Doanh nghiệp nợ BHXH - Quyền lợi người lao động bị vi phạm

Không phải là vấn đề mới nhưng tình trạng doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) chưa bao giờ "giảm nhiệt". Điều này đồng nghĩa với quyền lợi người lao động (NLĐ) đang bị vi phạm một cách nghiêm trọng.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến ngày 31/7/2017, số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) toàn tỉnh lên đến trên 100 tỉ đồng, trong đó, chủ yếu là nợ BHXH với số tiền trên 76,7 tỉ đồng; nợ kéo dài là 31,4 tỉ đồng; nợ khó thu là 13,55 tỉ đồng. Điểm mặt, chỉ tên các DN nợ đọng kéo dài cho thấy phần lớn là các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải thuộc thành phố Phủ Lý và huyện Duy Tiên: Công ty cổ phần Xơ sợi Việt Nam có 21 lao động, số tiền nợ đọng BHXH trên 849 triệu đồng (nợ 21 tháng); Công ty cổ phần Kết cấu và đường ống PME1 có 28 lao động, nợ đọng trên 4,5 tỉ đồng (nợ 65 tháng); Công ty cổ phần Thành Đạt có 7 lao động, nợ đọng 404 triệu đồng (nợ 31 tháng); Công ty Thương mại và May mặc Nguyên Toàn có 210 lao động, nợ trên 1 tỉ đồng (5 tháng)…

Phân xưởng đóng gói sản phẩm dao cạo của Công ty TNHH Dorco Living Vina, KCN Hòa Mạc (Duy Tiên). Ảnh: Thế Trang

Bên cạnh một bộ phận DN thực sự khó khăn, không có khả năng đóng, cũng có trường hợp DN làm ăn được nhưng cố tình trây ì không đóng BHXH cho NLĐ, thậm chí có DN vẫn thu tiền lương hằng tháng của NLĐ để nộp BHXH nhưng không đóng cho cơ quan BHXH nhằm mục đích chiếm dụng để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, có một số DN ngừng hoạt động không giao dịch, có hiện tượng chủ DN bỏ trốn không thực hiện đối chiếu với cơ quan BHXH.

Vẫn còn tình trạng DN sử dụng nhiều lao động nhưng chỉ tham gia BHXH cho một số ít lao động để né sự kiểm tra. Một số DN còn sử dụng hình thức tham gia BHXH cho NLĐ với mức lương tối thiểu hoặc thấp hơn mức lương trả cho NLĐ… Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi NLĐ khi không được thanh toán các chế độ ốm đau, thai sản, hưởng thất nghiệp khi không may mất việc làm, chốt sổ BHXH chuyển sang đơn vị khác và về lâu dài là chế độ hưu trí…

Không chỉ có vậy, chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên, thẻ BHYT cũng hết giá trị sử dụng. Khi NLĐ phát sinh chi phí khám chữa bệnh trong thời gian hạn thẻ BHYT hết giá trị sử dụng, cơ quan BHXH thực hiện thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh theo quy định sau khi đơn vị đã đóng đủ số tiền chậm đóng BHYT.

Theo Luật BHXH sửa đổi năm 2014 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, tổ chức công đoàn được giao quyền khởi kiện DN, cá nhân nợ BHXH. Theo quy định, BHXH tỉnh đã cung cấp cho Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh danh sách các đơn vị, DN nợ BHXH cần khởi kiện, hồ sơ xác định nợ và các tài liệu khác có liên quan để phục vụ việc khởi kiện.

Việc trao quyền khởi kiện cho công đoàn thay vì BHXH như trước được xem là sẽ tạo điều kiện để tổ chức này thực hiện tốt hơn chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Tuy nhiên, trong thực tế, công đoàn cơ sở, NLĐ đều hưởng lương của DN nên việc đứng đơn khởi kiện DN không phải là chuyện dễ.

Thêm vào đó, chưa có văn bản pháp luật, hướng dẫn cụ thể về quy trình, điều kiện pháp lý để công đoàn cơ sở có thể đại diện khởi kiện DN ra tòa án. Quy trình giải quyết tranh chấp lao động tập thể rất phức tạp, thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện của Tòa án nhân dân qua rất nhiều bước, thời gian thụ lý kéo dài… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc "ngại" khởi kiện DN. Đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể và vì vậy, LĐLĐ tỉnh vẫn chưa tiến hành khởi kiện trường hợp DN nào nợ BHXH.

Theo Phòng Khai thác và Thu hồi nợ, BHXH tỉnh, ngoài việc khởi kiện các DN vi phạm về BHXH thì các biện pháp khác đều không mấy khả thi. Đơn cử, việc phạt vi phạm hành chính thì mức phạt tối đa cũng chỉ 75 triệu đồng. Với mức phạt này, các DN thường chọn cách nộp phạt bởi mức phạt quá thấp so với khoản tiền nợ BHXH phải nộp, thậm chí trây ì không thực hiện quyết định xử phạt hành chính. Bên cạnh đó, việc thanh tra đột xuất của cơ quan BHXH tỉnh đối với các DN nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN còn hạn chế vì lập kế hoạch thanh tra đột xuất phải chờ phê duyệt của UBND tỉnh mới được thanh tra nên nhiều khi không kịp thời, hiệu quả không cao.

Dù khởi kiện là biện pháp hiệu quả bảo vệ quyền lợi NLĐ nhưng công tác phòng ngừa vẫn cần được ưu tiên nên BHXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho chủ sử dụng lao động và NLĐ. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, làm việc với các đơn vị, DN còn nợ; báo cáo UBND tỉnh ra văn bản gửi UBND các huyện, thành phố đề nghị phối hợp, đôn đốc thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN. Công khai danh tính các đơn vị nợ trên các phương tiện truyền thông của tỉnh, của ngành. Tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị, DN.

Đồng thời, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp cụ thể, kịp thời buộc đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, không có khả năng đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp thực hiện các thủ tục giải thể, phá sản theo quy định nhằm giảm tỷ lệ đơn vị nợ kéo dài. Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam và Toà án Nhân dân Tối cao cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để LĐLĐ cấp tỉnh tiến hành khởi kiện DN nợ đọng BHXH trên địa bàn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ cũng như thâm hụt quỹ BHXH để chi trả chế độ cho NLĐ.

Hoàng Hải

Hoàng Hải

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy