“Ve chai” trên sông

Lênh đênh sông nước - chỉ một tính từ “lênh đênh” cũng đủ thấy nỗi vất vả, cực nhọc và không kém phần bấp bênh của những phận người mưu sinh xuôi ngược trên những dòng sông. Ngay ở trung tâm "thành phố ngã ba sông" Phủ Lý, chúng tôi đã có một cuộc gặp gỡ tình cờ, để trò chuyện và hiểu hơn về công việc, nỗi niềm của một người phụ nữ mưu sinh từ nghề thu lượm phế liệu - nghề “ve chai” trên sông.

Ảnh minh họa. Ảnh: Thế Tân

Chị Nguyễn Thị Hoa (xóm Mới, Phù Vân, TP. Phủ Lý) làm nghề “ve chai” trên sông được hơn hai năm nay. Vui vẻ chia sẻ "câu chuyện nghề" với chúng tôi, chị kể: Từ nhiều năm nay, nguồn thu nhập chính của gia đình trông nhờ cả vào những kỳ con nước lên xuống trên dòng sông Nhuệ, sông Châu, sông Đáy. Chồng và con trai chuyên nghề chài lưới, kiếm đồng tiền từ những mẻ cá, tôm, trai, hến... tạm đủ nuôi sống cả nhà. Thỉnh thoảng chồng con có ngày nghỉ chài lưới, chị lại tranh thủ  tận dụng chiếc thuyền duy nhất của gia đình để đi thu lượm phế liệu, đồ nhựa, vỏ chai...

Cứ sau 3 tiếng mỗi buổi, thu vớt được khoảng 2 bao tải phế liệu (vỏ lon bia, nước ngọt, vỏ chai nhựa, dép nhựa, rổ, rá, ghế nhựa)… chị Hoa kiếm được khoảng 50 nghìn đồng. Thỉnh thoảng được ngày nhiều, thu vớt được 3 bao tải, đồng công cũng cao hơn chút ít. Theo chị Hoa, người làm nghề “ve chai” trên sông không nhiều. Cả xóm Mới có chị và một người nữa cùng làm bởi lẽ công việc này thu nhập ít, lại chỉ phù hợp với những người không còn đủ sức khỏe tham gia chài lưới phụ giúp chồng con.

Do thu nhập từ “ve chai” trên sông không đáng là bao nên chị Hoa chọn hình thức "chèo tay" để tiết kiệm chi phí dầu máy. “Đồ nghề” mang theo mỗi khi đi thu vớt cũng rất đơn giản. Vài cái bao tải cũ để phân loại phế liệu ngay trên thuyền, chai nước lọc để uống những lúc khát, chiếc nón lá che nắng và bộ quần áo nilon phòng khi trời mưa đột xuất. Dựa vào kinh nghiệm của người sống trên sông nước nhiều năm, chị Hoa có thể nhìn bầu trời, mầu sắc mây, hướng gió... để dự đoán tình hình thời tiết ngày đi thu vớt. Nếu trời có vẻ dễ mưa chị chỉ chèo thuyền quanh gần thành phố. Ngày nắng, chị có thể chèo 5- 6 cây số dọc theo các khúc sông, khi nào mệt dừng chèo nghỉ ngơi đôi chút rồi lại nhanh chóng tiếp tục công việc. Vốn quen sông nước, chẳng ngại khó, ngại khổ nên hễ có thời gian, có thuyền là chị lại tranh thủ đi "ve chai" để kiếm thêm thu nhập, bất kể nắng, mưa, mùa đông hay ngày hè. Chồng con lo cho sức khỏe, nhiều khi “gàn”, bảo ở nhà nghỉ ngơi nhưng nhìn vỏ chai, lon, đồ hộp trôi nổi nhiều trên sông thấy tiếc, chị lại nhất quyết chèo thuyền đi làm.

Với chị Hoa cũng như không ít người dân vạn chài, nghề "ve chai" chỉ giản đơn là công việc mang lại thêm những đồng thu nhập ít ỏi, quý giá. Nhưng nếu xét ở khía cạnh rộng hơn, công việc bình lặng này đã và đang thiết thực góp một phần bảo vệ môi trường. Rác thải trên sông một phần là do người dân vứt trực tiếp xuống từ những cây cầu và dọc hai bên bờ. Nhiều lần trong lúc đi thu vớt, chị Hoa thấy có người mang cả bộ bàn ghế bọc da cũ rách, bàn thờ, bát hương bỏ đi... vứt thẳng xuống sông. Lại có ngày đi dọc ven bờ sông khu vực trung tâm thành phố, liền một lúc chị vớt được tới vài ba chục vỏ lon bia đang dập dềnh cùng đám bèo. Với công việc thu vớt phế liệu thì đó là một ngày may mắn nhưng sâu thẳm trong lòng, chị Hoa không khỏi cảm thấy buồn.

Ngoài lượng rác do một số người xả thẳng xuống sông còn có một lượng lớn tràn ra sông từ vô vàn những ống cống nước thải dọc hai bên bờ. Rác cứ thế theo dòng nước trôi nổi đi khắp các nhánh sông xa gần và từng ngày hủy hoại môi trường sống của vô vàn các loài thủy sinh. Là người đã gắn bó với sông nước từ nhỏ, gia đình nhiều đời sinh sống nhờ nguồn sản vật dồi dào của những con sông, chị Hoa không khỏi buồn, lo trước thực trạng xả rác bừa bãi, thiếu trách nhiệm của người dân ra các dòng sông và mương máng hiện nay.

Cuộc trò chuyện ngắn ngủi với chị Nguyễn Thị Hoa nhanh chóng kết thúc với bao nỗi niềm, buồn, vui trái ngược. Trước khi chia tay, chị chia sẻ với chúng tôi một ước muốn giản dị và tha thiết: Dù công việc “ve chai” giúp gia đình có thêm thu nhập trang trải cuộc sống nhưng chị rất mong mọi người hãy có ý thức giữ gìn môi trường hơn. Trước khi vứt rác xuống dòng sông hãy nghĩ về môi trường sống của những sản vật quen thuộc: tôm, cá, ốc, cua, trai, hến... đã bao đời gắn bó với con người, hãy nghĩ về bà con vạn chài cùng những mưu sinh khó nhọc của họ, và hơn hết, hãy nghĩ đến tương lai bền vững của chính mình, của thế hệ con em mình.

Khánh Chi

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy