Những cảm nhận qua bài thơ "Làng trống" của Nguyễn Thế Vinh

Bài thơ "Làng trống" của nhà thơ Nguyễn Thế Vinh sáng tác năm 1998, viết về làng trống cổ Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên. Thời điểm nhà thơ sáng tác bài "Làng trống" cũng là thời điểm những nghệ nhân và thợ lành nghề làng trống Đọi Tam được vinh dự mời lên thủ đô Hà Nội dựng dàn trống hội chuẩn bị cho Đại lễ 990 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2000.

Làng trống

Nghìn sau còn mãi thắm

Chuyện xưa vua đi cày

Ngời văn bia triều Lý

Tháp bóng lồng chân mây

 

Ai người đã về đây

Truyền cho dân nghề cổ

Làng có tiếng trống làng

Ngõ có tình xóm ngõ

 

Trâu già chết để da

Người già đi để tiếng

Xếp vui buồn hôm qua

Lại khua rừng, động biển

Âm vang hồi trống trận

Ngũ liên hồi cứu đê

Linh thiêng hồi trống tế

Những hồn xưa vọng về

 

Tình bằng là trống cơm

Nỉ non là trống xẩm

Sân đình vừa dóng sấm

Í ới đêm hát chèo

 

Hai dải đê văn võ

Dài theo trống hội làng

Anh có vào sới vật

Thắt lưng điều em sang ...

Nguyễn Thế Vinh - Đọi Tam 9.1998

Nghệ nhân làng trống Đọi Tam Lê Ngọc Hùng (người đứng) truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Bài thơ "Làng trống" của nhà thơ Nguyễn Thế Vinh (nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Sông Châu, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam) sáng tác năm 1998, viết về làng trống cổ Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên. Thời điểm nhà thơ sáng tác bài "Làng trống" cũng là thời điểm những nghệ nhân và thợ lành nghề làng trống Đọi Tam được vinh dự mời lên thủ đô Hà Nội dựng dàn trống hội chuẩn bị cho Đại lễ 990 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2000. Làng trống Đọi Tam những ngày ấy bừng bừng một khí thế mới. Khí thế của niềm tự hào về bề dầy ngàn năm truyền thống lịch sử văn hiến quyện hòa, thăng hoa cùng niềm tin về đường lối đổi mới và khát vọng bứt phá để vươn xa.

Nghìn sau còn mãi thắm

Chuyện xưa vua đi cày

Ngời văn bia triều Lý

Tháp bóng lồng chân mây

Là người am hiểu lịch sử, truyền thống về mảnh đất và con người Đọi Tam, trong khổ thơ mở đầu, nhà thơ đã khéo léo sử dụng những cứ liệu, nhân chứng giàu sức thuyết phục làm bật lên hình ảnh có một không hai trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam - hình ảnh "Vua đi cày". Đây hình ảnh gắn chặt với lịch sử nghề làm trống ở Đọi Tam bởi bao năm qua người dân Đọi Tam luôn lấy mốc Vua về cày Tịch điền ở Đọi Sơn để tính tuổi làng nghề. Đó là mùa Xuân năm Đinh Hợi (987).

Cảm kích trước việc Lê Đại Hành Hoàng đế cùng văn võ bá quan trong triều đích thân ngự giá về cày Tịch điền ở Đọi Sơn, cụ tổ làng nghề Nguyễn Đức Năng đã háo hức cùng các hiệp thợ dựng một quả trống đại dâng lên để đức vua tự tay gióng hồi trống tế yết cáo trời đất, thần linh trước khi thực hiện nghi thức cày ruộng. Khi vua đánh trống, tiếng trống rền vang, ngân vọng như sấm, vì vậy vua phong cho cụ tổ làng nghề là Trạng Sấm. Từ ấy, những quả trống đại được dân làng Đọi Tam đặt tên là trống sấm. Tính từ mùa Xuân Đinh Hợi (987) đến nay, làng trống Đọi Tam đã hơn nghìn năm tuổi. Ngoài tích "Vua đi cày", chùa Long Đọi nằm trên đỉnh Đọi Sơn, điểm sinh hoạt văn hoá tâm tinh của người dân Đọi Sơn giờ vẫn còn lưu giữ bia quý - Bia Sùng Thiện Diên Linh thời Lý. Đây là văn bia đã được xếp hạng bảo vật Quốc gia. Theo mạch thơ mang đậm tính sử ca, "Làng trống" như dẫn lối đưa đường để người đọc hiểu hơn về nét văn hiến ngàn đời của miền đất địa linh nhân kiệt kề bên sông Châu núi Đọi này. 

Ai người đã về đây

Truyền cho dân nghề cổ

Làng có tiếng trống làng

Ngõ có tình xóm ngõ

Khơi dậy niềm tự hào về truyền thống làng nghề gắn với sự kiện lịch sử nổi bật của dân tộc, qua thi phẩm của mình, nhà thơ Nguyễn Thế Vinh dường như đã rất khéo, rất duyên trong việc nói hộ tấm lòng, tình cảm của người dân Đọi Tam bao đời nay luôn thể hiện sự biết ơn, kính trọng đối với cụ tổ đã truyền cho nghề quý. Được truyền nghề, có nghề đồng nghĩa với có việc làm, có thêm thu nhập, có cuộc sống ấm no. Trải qua biết bao biến cố thăng trầm, nghề trống, tiếng trống làng từ thuở khai sinh luôn được các thế hệ người dân Đọi Tam gìn giữ, tiếp nối, phát huy. Tiếng trống làng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân, tựa như nghĩa xóm, tình làng luôn khăng khít, bền chặt ngay từ thuở dựng làng, dựng nước.

Trâu già chết để da

Người già đi để tiếng

Xếp vui buồn hôm qua

Lại khua rừng, động biển

Bằng những câu chữ hết sức giản dị, gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, khổ thơ thứ ba chứa đựng nhiều hàm ý nhân văn sâu sắc. Ai cũng biết, bao đời nay, với người nông dân, con trâu là đầu cơ nghiệp. Khi sống, trâu giúp nông dân bao công việc đồng áng vất vả. Khi chết, trâu tận hiến, để lại tấm da. Qua bàn tay khéo léo của người thợ, tấm da trâu bưng mặt trống lại tiếp tục gắn bó, giúp ích trong đời sống tinh thần của con người. Với con người, khi chết đi, quan trọng nhất là để lại tiếng thơm cho con cháu, cho muôn đời. Trong cuộc sống thường nhật, những vui - buồn, thất bại - thành công ... luôn nối tiếp nhau. Đáng trân trọng nhất là những người biết vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để tiến về phía trước, hướng tới tương lai, hướng tới những điều tốt đẹp nhất. Trong một dịp trò chuyện về bài thơ, nhà thơ Nguyễn Thế Vinh từng nói: Đây là khổ thơ tôi ưng ý nhất, tâm đắc nhất.

Âm vang hồi trống trận

Ngũ liên hồi cứu đê

Linh thiêng hồi trống tế

Những hồn xưa vọng về

 

Tình bằng là trống cơm

Nỉ non là trống xẩm

Sân đình vừa dóng sấm

Í ới đêm hát chèo

Hơn nghìn năm tuổi, hơn nghìn năm tiếng trống Đọi Tam luôn song hành gần gũi, gắn bó với đời sống người dân. Để rồi hôm nay, theo nhịp thơ hào sảng đầy ngẫu hứng của "Làng trống", tiếng trống ấy hiện hữu ở khắp mọi cung bậc đời sống tình cảm của người dân. Đó là tiếng trống trận đánh giặc giữ nước thúc giục, vang vọng, hào hùng. Đó là tiếng trống ngũ liên hồi giục giã người giữ đê, chữa hoả hoạn. Đó là tiếng trống tế linh thiêng cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đó là tiếng trống của những đêm văn nghệ vui tươi, sôi nổi, rộn rã nơi sân đình...

Hai dải đê văn võ

Dài theo trống hội làng

Anh có vào sới vật

Thắt lưng điều em sang...

Đó là tiếng trống hội làng vang lên thúc giục những chàng trai vạm vỡ, tự tin bước vào sới vật khẳng định sức mạnh, quyết tâm của những người con quê hương trong công cuộc dựng nước, giữ nước. Đặc biệt hơn, đó còn là tiếng trống gắn kết tình yêu đôi lứa cho cuộc sống thêm vẹn toàn hạnh phúc.

Chọn thể thơ ngũ ngôn (5 chữ) trong sáng gọn gàng, giầu nhạc điệu, giầu mỹ cảm dân gian, bài thơ "Làng trống" của Nguyễn Thế Vinh (in trong tập Tiếng chim gọi mùa - tập thơ được giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) đi vào lòng người một cách tự nhiên, để lại nhiều lắng đọng sâu sắc. Trong suốt bài thơ, nhà thơ sử dụng tới sáu lần từ trống (trống làng, trống trận, trống tế, trống cơm, trống xẩm, trống hội) để thể hiện rõ sức sống trường tồn của tiếng trống trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Đó là những tiếng trống khơi lại quá khứ, thúc giục hiện tại, hướng tới tương lai.

Viết về làng trống Đọi Tam nhưng thực ra nhà thơ Nguyễn Thế Vinh đã mượn tiếng trống Đọi Tam để thể hiện tiếng trống Việt - tiếng trống mang hồn cốt, sức sống, chí khí của dân tộc, của đất nước Việt Nam anh  hùng.

Vĩnh Linh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy