Đọc "Về làng" của Phạm Lê

Nằm trong tập Đồng vàng của nhà thơ Phạm Lê, một trong ba tập thơ của Hà Nam đạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2016, Về làng là một bài thơ hay, với nhiều cung bậc cảm xúc. Khi thì trong trẻo, nhớ thương với những ký ức tuổi thơ, khi thì sâu lắng, trầm tư trước sự đổi thay của cuộc sống ở làng quê.

VỀ LÀNG

Áo tơi che gió thuở nào

Trẻ trâu một lũ nép vào bờ cây

Xòe tay hơ những ngón gầy

Nùn rơm bén lửa mắt cay khói chiều

Đồng làng gió thổi phiêu diêu

Khoai vùi cua nướng chắt chiu ngọt bùi

Chân trần nón lá lui cui

Thả diều vấp ngã chạy lùi mấy phen

Miệng cười bùn đất lấm lem

Hẹn nhau bãi dưới đồng lên từng ngày

Bây giờ làng xóm đổi thay

Trẻ trâu nay đã ông này bà kia

Chẳng còn rặng duối ven đê

Chẳng còn trâu buộc gốc tre nhai trầu

Ruộng xây nhà máy nhà lầu

Làng như phố chợ mời chào đong đưa

 

Về nhà mà lạc lạ chưa

Buồn vui lẫn lộn nắng mưa chập chờn !...

                                         Phạm Lê

Với những câu thơ trữ tình, giản dị,dễ hiểu, gẫn gũi với đời sống, Phạm Lê đã khéo léo dẫn dắt cảm xúc của độc giả trở về miền ký ức xưa cũ với những kỷ niệm đong đầy của tuổi thơ trong  những tháng năm khốn khó. Giống như một bản nhạc Bolero, mỗi câu từ  trong bài thơ Về làng đều được viết lên những bằng cảm xúc của chính tác giả để nói hộ tâm tâm trạng của nhiều người. Tưởng như chỉ  là những lời tự sự, nói cho mình nghe thôi nhưng bài thơ lại chạm được đến tim của độc giả.  Đơn giản là vì họ tìm thấy được cái tình của họ, cuộc sống của họ ở trong bài thơ đó. Ví như :

Áo tơi che gió thuở nào

Trẻ trâu một lũ nép vào bờ cây

Xòe tay hơ những ngón gầy

Nùn rơm bén lửa mắt cay khói chiều

Đồng làng gió thổi phiêu diêu

Khoai vùi cua nướng chắt chiu ngọt bùi

Chân trần nón lá lui cui

Thả diều vấp ngã chạy lùi mấy phen

Miệng cười bùn đất lấm lem

Hẹn nhau bãi dưới đồng lên từng ngày… 

Đọc những câu thơ đầu với những ngôn ngữ giàu hình ảnh biểu cảm, ta như được cùng ông trở về quê hương, trở về tuổi thơ với bao bạn bè xưa cũ. Tất cả giống như một thước phim quay chậm với những «áo tơi che gió», «trẻ trâu một lũ»,  «nùn rơm bén lửa», «đồng làng gió thổi», «khoai vùi, cua nướng», «chân trần nón lá», «thả diều vấp ngã», «miệng cười bùn đất lấm lem»…Chỉ có thế thôi nhưng cũng đủ để cho ai đó  «mắt cay khói chiều» mỗi khi đọc thơ Phạm Lê.

Bài thơ Về làng của nhà thơ Phạm Lê đã được nhà thơ Mỹ David Mekirdy dịch và trình bày cùng tác giả (người bên trái ảnh) tại Liên hoan thơ châu Á Thái Bình Dương lần thứ nhất tại Văn Miếu - Hà Nội, ngày 5/2/2012. Ảnh do tác giả cung cấp.

Ông là người đi nhiều, thấy nhiều, viết nhiều để rồi ngẫm ngợi cũng nhiều. Không ồn ào, khoa trương, nhưng thơ của ông vẫn có sức hấp dẫn người đọc bởi những cảm xúc từ tâm, tao nhã, đằm thắm và nhân hậu. Tình mà không «sến». Quyến rũ và tài hoa, thơ của Phạm Lê hay là thế. Nói như họa sỹ Lê Minh Sơn, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh: «Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim».

Phạm Lê viết Về làng vào năm 2006, đó chính là dịp cao trào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm tỷ trọng nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp dịch vụ thương mại đang diễn ra ở khắp các địa phương. Với phong trào đổi đất lấy hạ tầng và đầu tư xây dựng đô thị… nhiều làng xã ven thị được đổi thành phường, đất ruộng của nông dân ngày càng bị thu hẹp. Người nông dân «quanh năm quen cảnh chân lấm tay bùn» nay bỗng chốc trở thành người phố thị. Không chỉ tác động đến cảnh quan của làng xã, «cơn bão đất» cũng đã tác động lớn đến tâm tư, tình cảm của người nông dân.

…Bây giờ làng xóm đổi thay

Trẻ trâu nay đã ông này  bà kia

Chẳng còn rặng duối ven đê

Chẳng còn trâu buộc gốc tre nhai trầu

Ruộng xây nhà máy nhà lầu

Làng như phố chợ mời chào đong đưa…

Về nhà mà lạc lạ chưa

Buồn vui lẫn lộn nắng mưa chập chờn !...

Không còn là những nỗi niềm hoài cổ, Phạm Lê thực sự ngỡ ngàng, trăn trở trước sự thay đổi quá nhanh chóng của làng quê. Ký ức và hiện tại, cái mới và cái cũ đan cài khiến ông phải ngẫm ngợi. Mừng vì làng quê đổi mới, người dân có nhà lầu, xe hơi; làng quê giờ chẳng còn thiếu thứ gì thành thị có. Nhưng cũng buồn vì sự đổi thay chóng mặt của làng quê. Những nếp nhà xưa cũ, những «rặng duối, bờ tre»… dường như đang dầnbiến mất cùng lòng tin và sự sẻ chia của tình làng nghĩa xóm. Có lẽ vì thế ông mới thốt lên : «Về nhà mà lạc lạ chưa». Vẫn làng quê đấy thôi, vẫn những người xưa cũ ấy mà sao ông thấy lạ lẫm quá. Dẫu phố chưa hẳn đã ra phố nhưng cũng chẳng còn dáng dấp làng đâu nữa. Đọc câu thơ  mà thấy nghẹn nghẹn tận tâm can.

Về làng không chỉ là những cảm xúc nhớ thương hoài niệm về làng quê xưa với những kỷ niệm trong trẻo của tuổi thơ mà ở đó còn có những trăn trở, đau đáu khi phải chứng kiến «cái mới» thiếu chọn lọc đang phá vỡ cái tinh thần của làng. Làng trong ý thơ của Phạm Lê có nghĩa là hồn cốt, là văn hóa chứ không đơn thuần là hình ảnh: «cây đa, bến nước, sân đình».

Có thể nói, Về làng là một bài thơ không chỉ hay về nghệ thuật, ngôn từ, giọng lục bát nhuần nhị, tinh tế…mà nó còn thấy cốt cách cao đẹp của người cầm bút. Ông viết thơ bằng cả tỉnh cảm của mình, bằng cả cái tâm của mình; đó chính là lý do để thơ ông chạm đến được ngõ ngách sâu thẳm trong tâm hồn mỗi con người, kể cả kẻ ngoại đạo như tôi.

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy