Nét đẹp văn hóa ở Đồng Lạc

Vào cữ thượng tuần tháng ba, hoa gạo chớm rộ, cây lúa ngoài đồng lấp ló đầu bờ ngóng đợi cơn mưa mùa hạ là lúc bà con các xóm ngõ, dòng tộc ở Đồng Lạc (xã Đồng Hóa, Kim Bảng) náo nức nhắc nhớ con cháu xa gần, cung kính hẹn mời khách bạn thập phương cùng về chung vui kỳ việc làng.

Một tiết mục của CLB hát dân ca làng Đồng Lạc.

Hội làng Đồng Lạc khởi nguồn từ một tập tục xưa cũ đậm chất lịch sử, nhân văn. Tương truyền, vào khoảng năm Đinh Mão 967, tướng quân Đinh Bộ Lĩnh trên hành trình từ Hoa Lư đi dẹp loạn 12 sứ quân đã từng dừng vó ngựa chiến và lập đồn doanh ở Đồng Lạc. Tại đây, ngài tuyển mộ được hàng trăm trai tráng khỏe mạnh, dốc lòng tụ nghĩa dưới cờ cùng mưu cầu việc lớn. Dân làng Đồng Lạc vì cảm kích nghĩa khí, tài đức vị tướng họ Đinh cũng đã tình nguyện mang lương thảo, binh khí ủng hộ, ứng giúp. 

Hoàn tất việc thu phục 12 sứ quân, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Hoàng đế vào mùng 10 tháng 3 năm Mậu Thìn 968. Thời kỳ sau đó, khi nhà Đinh suy yếu, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn kế vị (năm 980) đã ban sắc chỉ: Nơi nào có đồn doanh của Đinh Tiên Đế đều được triều đình ghi nhớ công trạng, ban sắc phong và được phép rước sắc chỉ, bài vị Vua Đinh về phụng thờ. Nghe tin mừng, dân làng Đồng Lạc háo hức cắt cử người tìm đến kinh thành Hoa Lư rước sắc chỉ, bài vị Đinh Tiên Hoàng về tôn trí ngay trên nền đất đã từng là đồn doanh của quân tướng họ Đinh để đời đời hương khói ghi nhớ công ơn. Ngôi thờ trên nền đất đồn doanh năm xưa ấy theo cách gọi nôm na của dân Đồng Lạc là Miếu Thượng “thờ Đức Vua”. Cũng từ đó, Đồng Lạc có lệ mở hội vào mùng 10 tháng 3 - ngày Đức Vua lên ngôi như một sự ghi nhớ, tri ân tài đức, công lao vị quân vương đã hết lòng vì việc nước, lại nặng tình với thần dân trăm họ.

Hằng năm, chuẩn bị cho chính hội mùng 10 tháng 3, ngay từ mùng 8 các cụ cao niên trong làng đã cắt cử người kéo cờ, chăng đèn, trang hoàng nơi Miếu Thượng, Miếu Hạ (thờ một danh nhân có công phò giúp Vua Đinh được dân Đồng Lạc tôn là thành hoàng làng), rồi Văn Chỉ, đường làng, ngõ xóm. Lại cắt cử, đôn đốc việc sửa biện lễ vật của làng và các xóm ngõ, dòng họ chuẩn bị cho tế lễ thêm phần chu tất trọng hậu. 

Mùng 10 tháng 3 chính hội, đoàn rước kiệu gồm 13 khối đội hình hàng ngũ chỉnh tề trang nghiêm thành kính cung nghinh chân nhang, bài vị Đức Vua (từ Miếu Thượng), chân nhang, bài vị thành hoàng làng (từ Miếu Hạ) diễu một vòng qua từng ngõ xóm. 13 ngõ ngang ở Đồng Lạc (mỗi ngõ 10 - 25 gia đình) đã thành tâm sửa biện lễ vật chu tất, đón chờ sẵn rồi nhập vào đoàn rước và cùng theo về Văn Chỉ được đặt trên khu đất cao nhìn ra hồ nước thoáng rộng gần giữa làng. Sau lễ yên vị, các cụ bô lão thành kính thi lễ đủ các nghi trình, ca ngợi công lao, kêu cầu anh linh Đức Vua độ trì cho quốc thái, dân an, trăm họ, mọi nhà bình yên, khang thái. Tiếp đến các ngõ ngang, dòng tộc, tư gia lần lượt tiến cúng vật phẩm, tế lễ rất quy củ, trật tự.

Qua đi bao biến cố lịch sử, hội làng Đồng Lạc đã có thời bị gián đoạn, công trình thờ tự bị chiến tranh tàn phá. Nay nhờ tinh thần đổi mới, mỹ tục, thuần phong truyền thống không những được trân trọng, phục dựng mà còn được người dân Đồng Lạc tiếp biến, giao hòa cùng nếp sống văn minh, tiến bộ tạo nên một nét đẹp thanh tân, mà vẫn đậm đà bản sắc của hội làng nơi xứ đất đồng chiêm trũng này. Chính bởi thế, dẫu bận mải lo toan nhưng ngày hội làng luôn có đủ mặt đại diện cán bộ ban, ngành, đoàn thể, mỗi người mỗi vai, mỗi người mỗi việc vì nét đẹp truyền thống quê hương. Kế thừa nét thuần phong, mỹ tục của ông bà để lại, hội làng Đồng Lạc hôm nay có chương trình văn nghệ của câu lạc bộ hát dân ca, có thi đấu giao hữu bóng đá, bóng chuyền với các đội khách trong vùng, lại có không ít những trò chơi dân gian thú vị, mang nhiều ý nghĩa. 

Trong số những trò chơi ấy phải kể đến trò “Nhảy cóc”. Trên khoảng sân rộng vẽ hai vòng tròn đồng tâm. Vòng tròn nhỏ bên trong cắm 12 chiếc cọc gắn biển đề tên 12 con giáp. Người chơi phải nhảy cóc (với tư thế hai tay ôm đầu gối) đến tìm từng con giáp theo đúng thứ tự rồi nhổ cọc và tiếp tục nhảy ra cắm vào vòng tròn rộng hơn ở bên ngoài, cứ thế liên tục không nghỉ đến khi đuối sức mới thôi. Người nào khỏe mạnh, nhanh nhẹn, bền sức nhảy được nhiều vòng, nhổ và cắm được nhiều cọc mang tên nhiều con giáp hơn thì thắng cuộc. 

Trò “Nhảy cóc” cùng với trò “Đi cầu khỉ hái dừa” ở hội làng Đồng Lạc đã từng được giải thích bằng giả thuyết là cách rèn sức khỏe, sự dẻo dai, nhanh nhẹn, khéo léo cho quân sĩ nhà Đinh năm xưa. Cùng với những trò chơi thiên về vận động cơ bắp, trò “Thả thơ” chủ yếu thử tài về trí tuệ ở hội làng Đồng Lạc cũng có nhiều thú vị. Ban tổ chức chọn lựa một số câu thơ bất kỳ trích trong những bài thơ hay của các thi sĩ nổi tiếng rồi chủ ý để trống khuyết (…) vài chữ. Người chơi (chủ yếu là các cháu học sinh) nhớ và tìm được chính xác những chữ ghép vào phần để trống khuyết là thắng cuộc, được nhận thưởng. Trò chơi đơn giản nhưng luôn sôi động, hấp dẫn bởi những bất ngờ thú vị này chính là một giải pháp khéo léo khuyến khích các cháu chịu khó đọc sách, tìm hiểu văn chương và rèn trí nhớ. 

Cùng với những nghi trình tế lễ trang nghiêm, những trò hội náo hoạt vui tươi, việc làng Đồng Lạc còn bàn định, nhắc nhở mọi nền nếp trong sản xuất, sinh hoạt của người dân một cách cụ thể, thiết thực, sát hợp thực tế đời sống. Chính bởi vậy việc ma chay, cưới xin, hội hè không thuốc lá, cỗ bàn gọn nhẹ, chừng mực từ lâu đã duy trì thành nếp. Việc trồng cây xanh, thắp đèn chiếu sáng, giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tổ chức hoạt động thể thao, văn nghệ quần chúng… đã thành phong trào bền chặt chứ không phải nhất thời mùa vụ. Mô hình tủ sách, câu lạc bộ thơ, dòng họ khuyến học… ở Đồng Lạc từ lâu đã được biết đến như một điểm sáng của phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong tỉnh. 

Mỗi kỳ hội làng tinh thần đoàn kết, đồng thuận xây dựng quê hương văn minh, tiến bộ lại càng được khơi dậy bền chặt và được thể hiện rõ nét trong nhịp sống hằng ngày. Từ nhà văn hóa, tủ sách, sân bóng đá, bóng chuyền, chùa, miếu, văn chỉ đến kinh phí tổ chức các trò chơi, giải đấu ở Đồng Lạc đều được xã hội hóa bằng nhiều hình thức khéo léo và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của mỗi người dân.

Nét đẹp văn hóa mới văn minh, tiến bộ trong lễ hội cũng như trong cuộc sống thường ngày sẽ là động lực to lớn để người dân Đồng Lạc hướng tới những giá trị phát triển lâu dài, bền vững.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy