Khi vật võ Liễu Đôi trở thành di sản

Trước khi Lễ hội vật võ Liễu Đôi, xã Liêm Túc (Thanh Liêm) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Cường và tôi đã trở lại thăm vùng đất ấy.

Vật võ Liễu Đôi xã Liêm Túc (Thanh Liêm). Ảnh tư liệu

Đến trước đền thờ chàng trai họ Đoàn, ông Bùi Văn Cường (tôi thường gọi là thầy Cường) chia sẻ, bao nhiêu năm đằng đẵng theo đuổi việc sưu tầm nghiên cứu văn hóa Liễu Đôi, lúc nào tôi cũng canh cánh chuyện làm sao để bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị của di sản trong đời sống xã hội có nhiều thay đổi như hôm nay. Bởi, vật võ Liễu Đôi là di sản văn hóa quý báu, được nhân dân lưu giữ khá nguyên vẹn cho đến thời điểm này.

Đ  ền thờ chàng trai họ Đoàn  hay còn gọi là đền Thánh Ông, nằm ở đầu đất Liễu Đôi, thuộc thôn Tháp, xã Liêm Túc chỉ là một ngôi đền nhỏ, thần bí. Thầy Cường nói với tôi, đền Thánh Ông là linh hồn của Hội vật võ Liễu Đôi. Thánh Ông chính là sự tôn vinh công lao và sự hy sinh của chàng trai họ Đoàn. Thầy nói: "Câu chuyện về chàng trai họ Đoàn là một sự hy sinh đẹp đẽ vô cùng. Con người ấy đã có được thanh gươm thiêng ở trên đất này làm vũ khí đánh giặc. Trong một trận chiến, giữa hai cuộc xung sát,  chàng trai họ Đoàn bị thương, đã lấy đất quê hương đắp lên vết thương ấy để cầm máu, lành trở lại. Đất quê hương là đất thiêng, từ đất này đã từng nổi lên ngọn lửa thiêng, ngọn cờ thiêng, tập hợp những anh hùng hào kiệt xông pha chiến đấu cứu nước, bảo vệ quê nhà. Nhờ có đất quê hương mà tính mạng chàng trai được bảo toàn trước gươm đao của kẻ thù. Đó là câu chuyện cảm động, chứa đựng những vấn đề về tình yêu  quê hương, đất nước, kẻ thù… một cách rạch ròi".

Câu chuyện về chàng trai họ Đoàn được in trong tập Truyện cổ Liễu Đôi do nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Cường sưu tầm, biên soạn. Từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, thầy Cường đã về, ở lại cả tháng trời tại vùng Liễu Đôi. Cái tên Liễu Đôi đẹp và có sức hấp dẫn đến mức, gần 40 năm, thầy cứ lặn lội, mải mê với những câu chuyện về nó. Thầy nói: Người ta có thể tìm thấy từ văn hóa Liễu Đôi một sức sống diệu kỳ, trong đó có vật võ. Câu chuyện về Thánh Tiên lưu truyền trong dân gian từ lâu lắm rồi, nhiều người dân quê nơi đây thuộc rành rành. Vừa lưu truyền, vừa thờ phụng nên ngôi đền thờ Thánh Ông trở thành tinh thần của hội vật.

Chuyện kể rằng, thời kỳ dưới ách đô hộ của giặc Ngô, tại vùng đất Liễu Đôi có một chàng trai họ Đoàn  sức khỏe phi thường, mình cao bảy thước, vai lưng rộng mấy ôm. Từ nhỏ, người này đã say mê võ thuật. Một đêm, người ta thấy từ cánh đồng Nương Cửi (thuộc đất Liễu Đôi ngày nay) có một ngọn lửa lớn bốc cháy, rực đỏ cả một góc trời. Nhân dân ai cũng hoảng sợ, chỉ riêng chàng trai can đảm, điềm tĩnh ra tận nơi xem như thế nào. Trước mắt chàng là ánh hào quang phát ra từ một thanh gươm lớn đặt trên một tấm khăn đào. Thấy vậy, chàng quỳ xuống nâng gươm báu lên, lạy bốn phương trời, mười phương đất, rồi thắt lấy khăn đào hớn hở chạy về, trong lúc vội vã chạy chẳng may vấp ngã vào một cái cọc nhọn (có người bảo là gốc cây ngô, có người bảo là cọc gỗ...), bị thủng bụng máu tuôn xối xả. Không biết lấy gì cầm máu, trong lúc vội vã, chàng nhanh tay lấy một nắm đất trên cánh đồng Nương Cửi đắp vào vết thương, cơn đau dịu liền, vết thương ngừng chảy máu và chốc lát vết thương đã liền. Chàng ngả khăn, gói lấy ít đất mang theo. Khi đất nước có giặc xâm lược, chàng mang gươm đi đánh giặc...
 Lúc  xung trận, chàng thắt khăn đào, cầm kiếm thần, mình xoa đầy một lớp đất. Gươm chém, giáo đâm, tên bắn của quân giặc đều bị bật ra như vào đá, dưới ngựa chàng, giặc chết như rạ. Sau những trận đánh đó, cô gái họ Bùi mến mộ tài năng và có tình cảm với chàng trai, trong lúc xúc động cô gái áp mặt vào ngực của chàng, vô tình làm rơi mất một mảng đất mà cả hai không biết. Sau đó chàng tiếp tục xung trận, không may có một ngọn giáo của giặc phóng trúng ngực chàng - nơi không có đất thiêng che trở, nên bị chết. Thi hài chàng sau đó được đem về quê ở Liễu Đôi mai táng.
Sau khi giặc tan, đất nước thanh bình, nữ tướng họ Bùi quay về thăm mộ chàng, nhưng vì quá đau xót ân hận nên nàng đã gục chết trên mình ngựa cách mộ chàng vài trăm bước. Nhân dân trong vùng nhớ ơn và nhớ thương người đã có công lao nên lập đền thờ chàng gọi là Đền Ông, và lập đền thờ nàng gọi là Đền Nàng. Người dân tôn chàng là Thánh Ông và tôn nàng là Tiên Bà, nên sau này có lễ hội vật võ gọi là Thánh Tiên. Đền thờ ông quay hướng Bắc vì khi tử trận chàng không chịu nhắm mắt, cứ nhìn về phương Bắc, người ta xoay thế nào cũng ngoảnh nhìn về hướng ấy…

Bên cạnh những câu chuyện về nguồn gốc của lễ hội, ở vùng đất Liễu Đôi còn có nhiều câu chuyện khác, nhiều nhân vật khác liên quan đến lễ hội vật võ như nàng Vú Thúng, nàng Trăng Sắc, bà Áo The, bà Chúa Binh, ông Thủa Gió... Đặc điểm chung của các câu chuyện đều cho rằng, lễ hội vật võ Liễu Đôi bắt nguồn từ lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tôn vinh sự hy sinh anh dũng của các vị anh hùng dân tộc, đồng thời cổ vũ tinh thần thượng võ của vùng đất. Hôm nói chuyện với ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi Hội vật võ Liễu Đôi vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ông Huy nói: Lúc thực hiện khảo sát tại địa phương để làm hồ sơ đề nghị công nhận di sản, chúng tôi thấy rằng hầu hết các trai đinh trong xã Liêm Túc đều biết vật võ. Người ta nói "không biết vật võ không phải là trai Liễu Đôi!". Đây là một trong những vốn quý mà không phải địa phương nào cũng có được!

Lễ hội giờ đây tổ chức  mỗi năm một lần, từ mồng 5 đến mồng 8 tháng Giêng trong không khí tưng bừng của hội xuân năm mới. Lòng người náo nức, sức khỏe những trai đinh như chồi cây mùa xuân, vạm vỡ và xanh tươi, bước chân vào xới. Ông đồ Cường đã ngoài 80 tuổi, dù không đến được hội vật hằng năm nhưng cũng mãn nguyện khi biết rằng Hội vật võ Liễu Đôi đã trở thành di sản quốc gia. Lễ hội là cầu nối giữa con người ở xã hội hiện tại và quá khứ; là biểu tượng về tinh thần thượng võ của người Việt, là biểu tượng của sự bất khuất kiên cường, lòng yêu nước và niềm khát vọng của nhân dân về cuộc sống ấm no, hạnh phúc; nó được hình thành và tồn tại trên nền tảng của sự cộng đồng cộng cảm, sự gắn kết dòng họ, làng xã bấy nhiêu năm. Lễ hội vật võ Liễu Đôi là một kho tàng tri thức dân gian, cung cấp những kinh nghiệm sống, những giá trị nhân văn sâu sắc và giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết về cội nguồn dân tộc…

Khi lễ hội là di sản, việc phát huy giá trị của di sản trở nên ý nghĩa hơn trong đời sống xã hội. Thiết nghĩ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cấp chính quyền địa phương cần có chính sách công nhận và đãi ngộ các nghệ nhân, những người đang nắm giữ và trao truyền di sản văn hóa, đặc biệt là đối với những di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy