Hương ước ở nhiều khu dân cư còn mang tính hình thức

Hương ước (khoán ước) là những quy ước, điều lệ của một cộng đồng chung sống trong một khu vực.

Trước kia, hương ước được coi là "văn bản pháp lý" đầu tiên của các làng xã nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ trong cộng đồng, xã hội. Hương ước lưu giữ những mỹ tục nhưng không ít những điều khoản trong hương ước trói buộc con người vào những hủ tục lạc hậu...

Lễ hội truyền thống làng Yên Lạc, xã đồng Hóa (Kim Bảng). Ảnh: Thế Trang

Cuối những năm 80 đầu những năm 90 (thế kỷ XX), cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động và sau đó là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) khởi động, trong đó có việc quy định mỗi thôn, làng phải xây dựng được hương ước. Việc xây dựng và thực hiện hương ước nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, ban, ngành liên quan nên những điều khoản trong hương ước có nhiều đổi mới và tiến bộ.

Việc xây dựng hương ước được nhân dân trên địa bàn thảo luận, được hội nghị cử tri hoặc hội nghị đại biểu hộ gia đình ở khu dân cư thông qua và được UBND cấp huyện phê duyệt trước khi thực hiện. Để nội dung của hương ước, quy ước không trái với các quy định của pháp luật hiện hành, không chứa đựng các quy định xử phạt nặng nề, các khoản phí và lệ phí có thể gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, các ngành tư pháp, VH,TT&DL, MTTQ đã phối hợp hướng dẫn một số vấn đề về xây dựng và thực hiện hương ước.

Nội dung hương ước tập trung vào các vấn đề như: Thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ công dân; thực hiện nếp sống có văn hóa, văn minh, thực hiện tốt các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước; bảo vệ cảnh quan, môi trường; phát huy những đạo lý tốt đẹp của dân tộc và hình thành các quy tắc đạo đức mới, xây dựng gia đình theo tiêu chuẩn văn hóa; phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; bảo đảm an ninh trật tự, trị an trên địa bàn và các quy định thưởng, phạt phù hợp để thực hiện hương ước. Theo đúng trình tự trên và các nội dung (có điều chỉnh, bổ sung theo từng thời điểm),  tất cả các thôn, xóm trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này đều hoàn thành hương ước và được cấp có thẩm quyền phê duyệt đưa vào thực hiện. Nhưng việc thực hiện có đạt kỳ vọng và mong đợi trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng đến xã hội văn minh và tiến bộ không lại là cả một vấn đề.

Đầu tiên, đó là việc người dân có nắm được các điều lệ của hương ước hay không, có được thường xuyên tuyên truyền hay không? Chúng tôi đã hỏi nhiều người dân nhưng ít người biết "mặt" hương ước như thế nào và hương ước "nói" gì. Đem điều này thắc mắc với một trưởng thôn, ông Trần Minh Chuyền (tổ 12, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý), ông cho biết: Việc nhiều người dân không biết có hương ước là có thật. Vì khi mời họp dân thông qua dự thảo và họp dân phổ biến những quy định trong hương ước rất ít người đi dự. Việc người dân đi họp ở xóm hay tổ dân phố ngày xưa đã ít giờ lại càng ít hơn. Các ông già, bà cả ngại đi, những người trẻ đi làm suốt ngày tối về chỉ đủ thời giờ cơm nước, nghỉ ngơi tái tạo sức lao động cũng không tha thiết việc họp hành. Thành ra, chỉ có một số ít người tích cực, thường xuyên đi họp mới biết.

Nhưng không hẳn vậy, hỏi cả những đảng viên, những người từng có thời gian dài công tác xã hội cũng không biết. Ông Trịnh Đức Hiến (thôn Cát, xã An Nội, Bình Lục) một cựu chiến binh cho biết: Dân trong thôn chỉ biết quy định làng văn hóa là không được sử dụng thuốc lá trong các đám hiếu, hỉ, không uống rượu say, giữ gìn môi trường chứ không thấy thôn có văn bản hay hương ước.

để người dân thường xuyên tiếp cận được các quy định trong hương ước nhằm thực hiện tốt thì cần phải phong phú các hình thức tuyên truyền. Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, các buổi họp dân, niêm yết tại nhà văn hóa, đình làng hoặc nơi trung tâm thôn, xóm, nhân bản cho các trưởng ngõ hoặc đảng viên phụ trách khu dân cư… Có được như thế ý nghĩa của hương ước, quy ước trong việc giữ gìn thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa của nhân dân, góp phần hỗ trợ việc quản lý nhà nước bằng pháp luật mới được phát huy.

Do việc tuyên truyền còn nhiều hạn chế và bất cập nên việc thực hiện hương ước, quy ước cũng chưa phát huy tác dụng như mong muốn. Khi được hỏi, đa phần người dân chỉ biết trong việc cưới hỏi, tang ma có quy định không dùng thuốc lá, cỗ bàn không làm linh đình và không sinh con thứ 3 trở lên. Còn các quy định khác không biết hoặc không biết rõ.

Vậy làm thế nào để người dân nắm cơ bản được những điều lệ trong hương ước? Xét về kết cấu, một bản hương ước ngoài những nguyên tắc chung có các quy định về lễ hội, về nếp sống văn hóa nói chung, về đạo lý gia đình, xã hội, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường và cuối cùng là các điều khoản thi hành. Điều này có thể thấy ý thức trách nhiệm của các trưởng thôn chưa cao, vẫn còn tồn tại suy nghĩ hương ước chỉ phục vụ cho việc phấn đấu danh hiệu làng văn hóa nên khi thôn, xóm đạt được rồi thì hương ước, quy ước không còn quan trọng. Chính vì vậy, chất lượng làng văn hóa, gia đình văn hóa không tương xứng với số lượng, nhiều tiêu chí bị vi phạm. Việc hỗ trợ, góp phần quản lý nhà nước bằng pháp luật từ cơ sở thiếu hiệu quả.

Bà Đỗ Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Hương (Thanh Liêm) cho biết: Ở Thanh Liêm hương ước làng nào cũng được phê duyệt. Trong hương ước có những quy định về việc đối xử trong gia đình, nhất là giữa vợ chồng với nhau. Nhưng vấn đề về bình đẳng giới, bạo lực gia đình vẫn hằng ngày diễn ra gây áp lực, căng thẳng chủ yếu cho người phụ nữ. Có quy định trong hương ước, có điều khoản thi hành nhưng các đồng chí trưởng thôn không ai đả động đến điều đó. Điều này phần nào cản trở chúng tôi đề ra các biện pháp cần thiết hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xử lý những người bạo hành. 

Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước thôn, xóm là truyền thống đạo lý của dân tộc ta có từ bao đời nay. Mặc dù thôn, xóm không phải là một cấp chính quyền nhưng là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư, là nơi thực hiện dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi nhằm giải quyết các công việc trong nội bộ cộng đồng. Giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp và thuần phong mỹ tục của cộng đồng thông qua việc thực hiện hương ước sẽ giúp người dân chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy