Khó khăn trong thu thuế và quản lý chất lượng mặt hàng bán trên mạng

Kinh doanh online (bán hàng trên mạng) ngày càng trở nên phổ biến bởi có nhiều tiện ích, phù. Hầu hết người bán hàng online hiện không công khai, thường giao dịch thông qua các địa chỉ mạng xã hội nên không có hóa đơn chứng từ, địa chỉ cụ thể. Đó chính là nguyên nhân khiến việc thu thuế cũng như quản lý chất lượng đối với mặt hàng này đang gặp nhiều khó khăn.

Những bất cập trong kê khai thu thuế

Dễ dàng nhận thấy, các bạn trẻ hiện nay đang kinh doanh online rất nhiều mặt hàng qua zalo, messenger, viber… từ mỹ phẩm, quần áo, giày dép cho đến nông sản, đồ gia dụng, thực phẩm… Doanh thu từ hình thức kinh doanh này ngày càng tăng cao và trở thành thói quen tiêu dùng của rất nhiều người.

Trước thực tế này, năm 2017, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất về phương án tính thuế với người bán hàng trên internet. Tổng cục Thuế có Công văn số 2623/TCT-CS ngày 16/6/2017 về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Cục Thuế tỉnh cũng đã triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, chi cục thuế trực thuộc tăng cường tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh online về nghĩa vụ kê khai và đóng thuế. Đồng thời, đang triển khai thống kê, rà soát các website thương mại điện tử, cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng, phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Sở Công thương, Sở Tư pháp… tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh qua mạng một cách hiệu quả.

Giao dịch qua mua bán online thường không có hóa đơn chứng từ và thanh toán bằng tiền mặt nên ngành chức năng gặp khó trong quản lý, kiểm soát.

Bày tỏ quan điểm của mình, ông Nguyễn Quang Hệ, Trưởng phòng Kê khai và Kế toán thuế, Cục Thuế tỉnh cho biết: Cũng như hình thức kinh doanh khác, bán hàng qua mạng là nguồn thu nhập tất yếu sẽ phải chịu thuế trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn đang còn những bất cập khi hầu hết các cá nhân bán hàng online hiện nay lại không đăng ký kinh doanh.

Người bán hàng không có trụ sở giao dịch, không thực hiện giao dịch qua giấy tờ nên rất khó kiểm soát và xác định chính xác người nộp thuế, doanh thu phát sinh… Hoạt động kinh doanh online thường diễn ra dưới hình thức bán lẻ. Người bán chuyển hàng cho người mua và việc thanh toán chủ yếu bằng phương thức trả tiền mặt, không qua chuyển khoản nên không có căn cứ chứng minh số tiền cụ thể trong các lần giao dịch để tính mức thu thuế.

Ý kiến đề xuất của Bộ Tài chính đề nghị rõ, với giao dịch hàng hóa qua mạng có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên thì thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ phần trăm. Khi được hỏi về vấn đề này, một số người kinh doanh online cho rằng, đề xuất này là không hợp lý và chưa bảo đảm tính công bằng.

Lý giải điều này, chị Trần Hải Yến (phường Lê Hồng Phong, TP. Phủ Lý) - chủ một tài khoản zalo đang kinh doanh mỹ phẩm online cho hay: Có thể trong một lần giao dịch, số tiền hàng của tôi cao hơn 1 triệu đồng nhưng tần suất giao dịch không đều, thu nhập cả tháng thấp (dưới 9 triệu đồng), so với quy định về đóng thuế thu nhập cá nhân cũng không phải đóng. Hơn nữa, để "lách thuế", người bán hàng có thể chia nhỏ các giao dịch hoặc nhận thanh toán trực tiếp tiền mặt thì việc kiểm soát và thu thuế sẽ thiếu công bằng. Người kinh doanh nghiêm túc thì khai doanh thu thật nhưng những người không khai đúng thì các cơ quan chức năng cũng không thể xác minh…

Khó quản lý chất lượng

Hoạt động mua bán trên internet hiện đang ở tình trạng tự phát, không theo một quy định bắt buộc nào. Điều này không chỉ gây thất thu nguồn tiền thuế lớn cho Nhà nước mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người tiêu dùng, đã có không ít người mua hàng online gặp phải tình huống "dở khóc, dở cười".

Chị Nguyễn Ngọc Hiền (phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý) vừa đặt mua hai bộ váy online với giá khá cao (gần 1 triệu đồng/bộ). Thế nhưng khi nhận sản phẩm, chị Hiền rất thất vọng vì sản phẩm khác xa so với hình ảnh quảng cáo trên mạng về cả màu sắc và chất lượng vải. Mặc dù người bán đồng ý cho chị đổi sang sản phẩm khác với giá tiền tương đương nhưng tìm mỏi mắt chị Hiền cũng không thấy ưng sản phẩm nào nên đành chấp nhận mất tiền oan.

Theo Sở Công thương, hầu hết website hoạt động dưới dạng thương mại điện tử chưa làm thủ tục thông báo, đăng ký với Bộ Công thương. Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử, thời gian qua, Sở Công thương đã tổ chức các buổi tập huấn cho đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã, website thương mại điện tử… về chấp hành pháp luật liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường bày tỏ trăn trở: Hàng hóa được rao bán trên các trang facebook, zalo, chợ… thường không có hóa đơn, phiếu mua hàng, chất lượng hàng hóa không được kiểm chứng nên độ rủi ro trong giao dịch cao, nhất là với những người có tâm lý ham mua đồ giá rẻ, chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi khi mua hàng.

Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường đã triển khai thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất các mặt hàng bày bán trên thị trường. Tuy nhiên, đối với hoạt động kinh doanh qua mạng, việc quản lý, kiểm tra chất lượng còn rất nhiều vướng mắc, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng và phải có một chế tài đủ mạnh, nguồn kinh phí đủ lớn để lấy mẫu hàng đi phân tích, kiểm định.

Hiện cục đang xây dựng kế hoạch, phương án tiến hành kiểm tra đột xuất đối với một số mặt hàng đang được giao dịch qua mạng xã hội, đặc biệt là với sản phẩm có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như sữa, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…

Như vậy, bên cạnh những trang mua sắm thể hiện tính chuyên nghiệp, được đầu tư bài bản và kê khai thuế đầy đủ thì vẫn tồn tại, phát triển loại hình mua  bán qua các kênh mạng xã hội. Dù quy mô nhỏ nhưng số lượng hàng hóa bán ra là rất lớn, trong khi chi phí của loại hình này không đáng kể. Vì vậy, việc siết chặt quản lý chất lượng và kê khai thu thuế đối với các cá nhân kinh doanh mặt hàng này là thực sự cần thiết.

Theo các cơ quan chức năng, phương pháp đầu tiên vẫn phải là tuyên truyền về nghĩa vụ đóng thuế của người dân trên mọi hình thức. Đối với những hình thức kinh doanh riêng lẻ thì phải vừa thuyết phục, vừa theo dõi để người bán hàng tham gia đóng thuế. Và quan trọng nhất là người tiêu dùng phải nâng cao ý thức tự bảo vệ chính mình.           

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy