kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Hoàn thiện nền tảng hạ tầng phục vụ phát triển thương mại điện tử

Hoàn thiện nền tảng hạ tầng phục vụ phát triển thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh. Để có được kết quả đó, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phải kể đến việc xây dựng, hoàn thiện nền tảng hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển của TMĐT trên địa bàn.

Nền tảng hạ tầng phục vụ hoạt động TMĐT bao gồm hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, internet, hạ tầng thanh toán điện tử, nhân lực… Thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT, trong đó, đầu tư hạ tầng được xem là nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian qua, tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt…

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, toàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, internet. Các doanh nghiệp này đã chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng các dịch vụ tiện ích, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chẳng hạn như tại VNPT Hà Nam, những năm gần đây, doanh nghiệp đã tập trung xây dựng hạ tầng một cách đồng bộ, hiện đại để phục vụ nhu cầu sử dụng internet tốc độ cao của người dân và doanh nghiệp. Đến nay, mạng di động 3G, 4G và mạng băng rộng đã được VNPT triển khai tới 100% thôn, xóm trong tỉnh. VNPT đang đẩy mạnh phát triển mạng 5G nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông chất lượng cao của người dân, doanh nghiệp.

Khách hàng sử dụng dịch vụ tại Viettel Hà Nam. Ảnh: Hân Hân

Ông Nguyễn Hồng Đức, Phó Giám đốc VNPT Hà Nam khẳng định: Để phát triển TMĐT, bên cạnh nền tảng hạ tầng, công tác đào tạo, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh cũng rất quan trọng. Vì vậy, VNPT Hà Nam đã phối hợp tốt với các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều lớp đào tạo cho người dân ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, bán hàng. Đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh đưa các sản phẩm lên các sàn TMĐT. Riêng năm 2023, VNPT Hà Nam phối hợp tập huấn cho 100% các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có nội dung về thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng chữ ký số, đăng ký bán hàng trên sàn TMĐT… 

Với sự đầu tư, phát triển mạnh của các doanh nghiệp viễn thông, đến nay, cơ bản hạ tầng truyền dẫn trên địa bàn tỉnh đã được cáp quang hóa, tạo ra ưu thế về băng thông, tốc độ, đáp ứng nhu cầu về sử dụng các dịch vụ viễn thông của người dân và doanh nghiệp. Hiện, toàn tỉnh đã có trên 900 trạm thu phát sóng di động; 100% các xã, phường, thị trấn đều có đường truyền internet cáp quang cung cấp đến tận thôn, xóm, tổ dân phố; trên 95% dân số được phủ sóng di động 3G, 4G. Số lượng thuê bao sử dụng điện thoại đạt hơn 900.000 thuê bao. Số thuê bao internet băng thông rộng cố định đạt khoảng 175.000 thuê bao. Số thuê bao internet băng thông rộng di động đạt xấp xỉ 650.000 thuê bao. Toàn tỉnh có 143 điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối internet băng rộng cố định. Số lượng người dùng intrernet truy nhập bằng thiết bị di động chiếm khoảng 80% dân số của tỉnh. Hệ thống một cửa điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hội nghị truyền hình trực tuyến… được đưa vào vận hành. Cổng Dịch vụ công tỉnh đã kết nối, liên thông, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Để phát triển hạ tầng cơ sở nhân lực và dịch vụ hỗ trợ phục vụ phát triển TMĐT, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các đề án: “Xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho một số sản phẩm của tỉnh Hà Nam”, “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực TMĐT trên địa bàn tỉnh Hà Nam”, “Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hà Nam”... Qua đó, đã hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia và có tài khoản bán hàng, quảng bá sản phẩm trên các sàn TMĐT, nhất là trên sàn giao dịch TMĐT tỉnh Hà Nam, sàn TMĐT Voso của Viettel và Postmark của Bưu điện. Những năm qua, Sở Công thương cũng đã phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức, kỹ năng về TMĐT cho trên 500 người là cán bộ công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức bồi dưỡng về chuyển đổi số cho gần 700 lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo nguồn của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh bằng hình thức trực tuyến thông qua nền tảng Onetouch.

Ngoài ra, toàn tỉnh đã thành lập 100% tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn. Thời gian qua, tổ công nghệ số cộng đồng các cấp đã tổ chức hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các nền tảng số; hướng dẫn người dân đăng ký cài đặt và sử dụng các tài khoản thanh toán điện tử, mô hình chợ 4.0 thanh toán số; tham gia sàn TMĐT… Bên cạnh đó, việc phát triển ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt cũng đạt nhiều kết quả tích cực với gần 200 máy ATM, hơn 600 máy POS được lắp đặt tại các cơ sở kinh doanh, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở y tế...

Ông Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Nền tảng hạ tầng phục vụ lĩnh vực TMĐT trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện. Mạng lưới viễn thông, internet đạt tốc độ phát triển nhanh, rộng khắp trên toàn tỉnh, bảo đảm cung cấp các dịch vụ về viễn thông, internet chất lượng tốt với nhiều loại hình phong phú, đáp ứng yêu cầu phát triển của TMĐT. Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường thực hiện các giải pháp phát triển hạ tầng phục vụ phát triển TMĐT, phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và TMĐT, kết hợp phát triển TMĐT với việc xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh.

Để từng bước hoàn thiện hạ tầng TMĐT theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển, tỉnh Hà Nam đang tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR… Cùng với đó, chỉ đạo Sở Công thương duy trì hoạt động của sàn giao dịch TMĐT tỉnh, tiếp tục phát triển ứng dụng “Santhuongmaihanam.com.vn” để sử dụng trên điện thoại thông minh nhằm tạo lập một kênh quảng bá thông tin, sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tới các đối tác trong và ngoài nước, giúp nâng cao hình ảnh, thương hiệu sản phẩm của tỉnh trên thị trường. Tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Hà Nam đầu tư nâng cấp sàn TMĐT, bảo đảm về nguồn lực, hạ tầng kỹ thuật công nghệ để quản lý và vận hành các sàn TMĐT; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ sản xuất đăng ký tài khoản và đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng ứng dụng của các sàn TMĐT trên điện thoại thông minh…

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy