Sản xuất nông nghiệp sạch: Rất cần "đòn bẩy"

Hỗ trợ nông dân tích tụ ruộng đất (TTRĐ), liên kết thành chuỗi sản xuất, năm 2017, tỉnh ta đã chủ trương mỗi xã xây dựng ít nhất 1 mô hình TTRĐ, quy mô từ 10 ha trở lên để sản xuất rau, củ, quả, có sự liên kết với Công ty VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup.

Cách làm này hướng tới phát triển một nền nông nghiệp sạch, có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, để có những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, còn rất nhiều khó khăn phải tháo gỡ.

Sản xuất rau sạch theo công nghệ VietGap tại tổ 2, phường Thanh Tuyền, TP. Phủ Lý. Ảnh: Thế Trang

Từ những mô hình đã có

Tự thuê đất của những hộ không có nhu cầu sản xuất, anh Hoàng Văn Hiệp, xóm 14, xã Thi Sơn (Kim Bảng) tích tụ được trên 5ha đất bãi ven sông Đáy, với giá thuê 50 kg thóc/sào/năm (giá thóc tính theo từng năm), thời gian thuê đất trong 10 năm. Mục tiêu TTRĐ của anh Hiệp nhằm xây dựng mô hình nông nghiệp an toàn, sản xuất các loại rau, củ, quả, cây cảnh.

Sau hơn 1 năm hoạt động, anh Hiệp sản xuất được các loại rau, củ chất lượng tốt, thế nên khâu tiêu thụ sản phẩm khá suôn sẻ, không lo bế tắc đầu ra. Tuy nhiên, mô hình của anh vẫn gặp nhiều vướng mắc khi đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất. Hiện, anh Hiệp đã đầu tư nhà lưới có diện tích 1.000 m2 chuyên trồng các loại rau ăn lá và áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh tiên tiến, quản lý dịch bệnh và sâu hại theo quy trình sản xuất rau an toàn. Bình quân mỗi ngày, mô hình xuất bán từ 100 - 200 kg rau, củ, quả các loại, cung cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện và một số đại lý tại thành phố Phủ Lý và Hà Nội.

Từ thực tế sản xuất, anh Hiệp  khẳng định: Người dân đứng ra TTRĐ có nhiều điểm thuận hơn so với doanh nghiệp. Họ có thể chọn địa điểm ở những nơi người dân không muốn sản xuất để thuê lại. Việc thỏa thuận giá thuê đất dễ dàng hơn. Để sản xuất hiệu quả, yếu tố quan trọng nhất chính là phải xây dựng chiến lược sản xuất, đặt yếu tố chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Đồng thời, phải có hạ tầng bảo đảm phục vụ tốt cho  phát triển sản xuất nông nghiệp sạch.

Cũng chọn giải pháp thuê đất, tự thỏa thuận với người dân để TTRĐ, anh Dương Văn Ước, xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) đã tích tụ được hơn 5 ha, đầu tư sản xuất rau, củ, quả an toàn. Để có diện tích đất tập trung, gọn vùng, gọn thửa, nhưng trong vùng vẫn còn những hộ có nhu cầu sản xuất, anh tìm thuê thửa khác, có vị trí thuận tiện hơn để đổi cho họ. Đồng thời, chấp nhận giá thuê đất cao hơn (1,2 triệu đồng/sào/năm) mặt bằng chung để đáp ứng nhu cầu sản xuất. 

Trên diện tích đất tích tụ, anh Ước đầu tư trồng các loại rau ăn lá, su hào, bắp cải… Tuy nhiên, mô hình gặp khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm, có thời điểm phải nhổ bỏ rau, củ đi vì không tiêu thụ được. Hiện, diện tích sản xuất rau của mô hình giảm xuống còn gần 2 ha.  Anh Ước cho biết: Tôi đang đầu tư hạ tầng sản xuất, nhà lưới để được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Đó là điều kiện cần để liên kết được với Công ty VinEco và chào bán sản phẩm ở các siêu thị tại Hà Nội.

Đây là 2 trong số nhiều mô hình do người dân tự TTRĐ ở tỉnh ta hiện nay. Có mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch, nhưng cũng có mô hình chỉ trồng lúa hoặc cây ăn quả. Mạnh dạn tìm hướng đi mới  nhưng quá trình sản xuất của các mô hình đều gặp nhiều khó khăn. Vì, không phải mô hình nào cũng nằm trong vùng quy hoạch có những điều kiện thuận lợi về hạ tầng sản xuất. Đặc biệt, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất không thực hiện được. Thiếu các điều kiện để sản xuất nông sản sạch, an toàn, trong khi yêu cầu để liên kết được với doanh nghiệp lại rất khắt khe.

 

Làm gì để nhân lên những mô hình mới?

Mỗi xã có một quy mô sản xuất nông nghiệp sạch, mỗi mô hình có diện tích từ 3 ha trở lên không phải là mục tiêu dễ thực hiện. Lý do là bởi, xây dựng được các mô hình TTRĐ quy mô lớn đã khó, sản xuất nông sản sạch khó khăn hơn rất nhiều vì yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe. Hơn nữa, sản xuất còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như: quỹ đất, điều kiện đất đai và quan trọng nhất là nhu cầu, trình độ kỹ thuật sản xuất của nông dân.

Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh cho biết: Công ty VinEco yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là yêu cầu sản phẩm không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và hàm lượng Ni-tơ-rát. Quá trình sản xuất, nông dân phải có nhật ký sản xuất, bảo đảm được các yêu cầu về quy trình từ sản xuất, đến thu hái và bảo quản. Nếu vi phạm lần thứ 3, nông dân bị chấm dứt hợp đồng tiêu thụ. Trong hợp đồng liên kết, cũng có các điều khoản ràng buộc rõ ràng.  Ví dụ, những hộ/nhóm hộ ký hợp đồng mới được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, cho vay vốn sản xuất.

Để liên kết với doanh nghiệp, không chỉ có Công ty VinEco, vấn đề đặt ra cần có chiến lược và triển khai cụ thể. Đồng thời, bám sát yêu cầu của doanh nghiệp để có kế hoạch phát triển phù hợp với điều kiện của từng địa phương, không thể làm theo kiểu cứ xây dựng mô hình rồi sẽ tính đến các yếu tố khác. Nhiều mô hình tích tụ hiện nay đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn mà những hộ nông dân - người sản xuất không thể khắc phục được.

Nhìn ở một khía cạnh khác, đồng chí Trần Văn Hạnh, Bí thư Huyện ủy Lý Nhân cho rằng: Cơ chế, chính sách để phát triển là rất quan trọng, trong đó, điều mà người dân mong muốn là cơ chế cho phép người sản xuất được làm những gì (được cải tạo mặt bằng, xây dựng hạ tầng sản xuất) trên diện tích được tích tụ nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất. Đi kèm với đó là cơ chế ràng buộc, không để xảy ra việc nông dân nhận hỗ trợ rồi không sản xuất nữa.

Bước đầu quan trọng chính là công tác quy hoạch vùng sản xuất, chỉ rõ vùng nào có thể phát triển, phù hợp với loại cây trồng nào và ngược lại. Tránh tình trạng, có những mô hình sau khi đã tích tụ, sản xuất rồi mới nhận ra không phù hợp để trồng rau, cây ăn quả theo hướng sạch, an toàn. Sau khi tích tụ sẽ tính việc liên kết trồng cây gì, theo quy trình nào và tiêu thụ ra sao. Xây dựng chuỗi sản xuất là khâu khó nhất, nhưng lại là khâu quan trọng không thể thiếu khi hướng tới sản xuất nông sản sạch, quy mô lớn.

Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị thảo luận riêng về vấn đề này. Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: Xây dựng các mô hình TTRĐ phải liên kết với doanh nghiệp. Khuyến khích các địa phương hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp sạch. Tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho các mô hình có diện tích từ 5 ha trở lên.

Theo đề xuất của Sở NN&PTNT: Cơ chế hỗ trợ sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực. Cụ thể như, hỗ trợ kinh phí cải tạo mặt bằng, đôn, san, xử lý đất, nước trồng rau, củ, quả sạch với mức 2 triệu đồng/mô hình; 30% kinh phí làm nhà màn, nhà lưới đơn giản, không quá 30 nghìn đồng/m2; lãi suất ngân hàng mua máy móc phục vụ sản xuất  trong thời gian 3 năm; kinh phí làm giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (4 triệu đồng/mô hình); kinh phí thành lập mới HTX (30 triệu đồng/HTX)…

Sản xuất nông nghiệp sạch đang ở giai đoạn đặt những viên gạch nền móng đầu tiên. Các cơ chế, chính sách là động lực quan trọng giúp cho quá trình tổ chức thực hiện thuận lợi hơn và cũng là động lực thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào sản xuất nông nghiệp sạch.

Bích Huệ - Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy