Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Tiếp theo kỳ trước

Tin liên quan
Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Tiếp theo kỳ trước

Chương Mười Ba: Đợt tiến công cuối cùng

24 giờ, anh Lê Chưởng gọi điện thoại báo cáo đã bắt được toàn bộ quân địch ở Hồng Cúm, trong đó có cả Lalăng, chỉ huy phó của tập đoàn cứ điểm, đặc trách phân khu Hồng Cúm.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu ác liệt, chiến dịch lịch sử đã thu được toàn thắng.

Tôi ngả mình trên chiếc đệm cỏ tranh thao thức mãi không sao ngủ được. Giờ này, Bác và Trung ương đã được tin. Ngày mai, chắc bộ đội sẽ nhận được thư khen của Bác. Anh Phạm Văn Đồng đã có mặt ở Giơnevơ, sẽ có một tư thế mới để bước vào hội nghị. Các đồng chí của ta và các đồng chí Liên Xô, Trung Quốc đều mong đợi tin này hàng giờ... Lá cờ Tổ quốc được nhân dân ta nêu cao trên chiến trường lịch sử: Quân đội ta lớn lên nhanh quá. Kế hoạch Nava coi như đã thành mây khói. Cục diện sẽ đổi mới. Điện Biên Phủ xong rồi, nay mai sẽ tiếp tục đánh ở đâu! Niềm vui làm tôi mất gần trọn giấc ngủ đêm hôm đó.

Hôm sau, cơ quan hậu cần tổ chức một bữa ăn mừng chiến thắng, một bữa "tiệc" bánh cuốn. Đồng chí Vi Quốc Thanh, đồng chí Mai Gia Sinh cùng dự liên hoan với Bộ chỉ huy chiến dịch.

Bốn năm sau đó, đồng chí Vi Quốc Thanh từ Quảng Tây sang thăm Hà Nội. Đồng chí tặng tôi một bức mành trúc có con chim ưng và dòng chữ "Đông phong nghênh khải hoàn" (Gió đông đón khải hoàn). Đồng chí nói: "Những năm ở Việt Nam là thời kỳ hoàng kim trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi". Và đồng chí kể lại: “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bắc Kinh điện hỏi tôi: Trận Điện Biên Phủ là vận động chiến hay trận địa chiến?”.

Tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng, chiều ngày 7/5/1954.
Ảnh tư liệu: NDO

Ngày hôm sau, 8 tháng 5 năm 1954, chúng tôi nhận được thư của Bác.

Bác viết:

“Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời ngợi khen cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang.

Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn...”.

Hai ngày sau khi cuộc chiến đấu kết thúc, tôi từ Mường Phăng tới thăm chiến trường Điện Biên Phủ.

Trạm tù binh ở rải rác hai bên đường. Binh lính địch vóc dáng to lớn tắm giặt ở suối dưới sự canh gác của những chiến sĩ rất trẻ, bé nhỏ, vẻ mặt lành hiền. Từ một khu rừng vẳng ra tiếng phong cầm rộn ràng, hòa với tiếng hát của những tù binh Pháp. Các đồng chí công tác địch vận đã báo cáo, binh lính địch tỏ vẻ vui thích khi ra hàng: Họ đều muốn sớm chấm dứt cuộc chiến đấu tuyệt vọng, không mang lại lợi lộc gì cho mình, để thoát khỏi cái địa ngục trần gian do Nava đã tạo nên.

Dọc đường, tôi dừng xe, vào thăm một vị trí pháo. Điều kiện chiến đấu, ăn ở của các đồng chí pháo binh khá tươm tất. Bom đạn địch suốt thời gian qua không làm suy suyển những căn hầm này. Địch đã phải điên đầu vì sự an toàn tuyệt đối của những trận địa pháo ta. Anh em bộ binh hay gọi đùa hầm của pháo binh là "Hầm chữ Thọ!".

Ta đã báo cho địch biết, thương binh của tập đoàn cứ điểm tập trung ở Mường Thanh, nên mấy ngày nay máy bay địch không hoạt động tại khu vực này.

Xe dừng trước vị trí cửa ngõ: Him Lam. Nhiều hố đại bác lỗ chỗ trên khắp mặt ruộng chung quanh đồn. Xem trận địa xuất phát xung phong của bộ đội, tôi nhận thấy các chiến hào hầu hết đều nông không đạt tiêu chuẩn quy định.

Cụm cứ điểm Him Lam với ba quả đồi đỏ lòm đứng chụm vào nhau ngay bên phải đường 41. Tôi trèo lên đồi, đi trên con đường nằm giữa rừng dây thép gai bát ngát, xem xét vị trí. Địch đã chọn được một địa thế rất lợi cho việc phòng ngự. Tiêu diệt được cứ điểm Him Lam, bộ đội ta đã trưởng thành rất nhiều.

Đồng chí cán bộ chỉ huy chiến đấu ở đây, đưa tôi vào xem một ụ súng, trong đó địch đã đặt một khẩu liên thanh có kính ngắm sử dụng tia hồng ngoại để phát hiện bộ đội ta ban đêm. Tôi nhìn qua lỗ châu mai, thấy hỏa điểm này khá nguy hiểm vì nó kiểm soát một khu vực rất rộng.

Tôi hỏi đồng chí cán bộ:

- Các đồng chí có gặp khó khăn nhiều vì ụ súng này không?

Đồng chí đó tươi cười đáp:

- Báo cáo anh... ít thôi.

- Vì sao!

- Sau trận đánh, chúng tôi hỏi tên bắn súng máy ở đây, nó nói: khi bộ đội ta bắt đầu bắn, nó ngồi thụp ngay xuống, nên không nhìn thấy bộ đội ta tiến vào đồn.

Đi khỏi Him Lam, trước mắt tôi, đột ngột hiện ra một cánh đồng. Mường Thanh đây rồi! Cánh đồng rộng hơn nhiều so với khi tôi đứng ngắm nó từ đỉnh núi Mường Phăng. Nó chạy dài tít tắp đến chân dãy núi phía nam. Cơn mưa thép đã tạnh. Cánh đồng phẳng lặng trang điểm những chiếc dù màu sắc rất tươi, như nở đầy hoa. Xa xa, trên đỉnh núi ở biên giới Việt - Lào những đám mây trắng nhẹ êm đềm kéo nhau đi. Cảm giác đầu tiên của tôi, quang cảnh sao thật thanh bình!

Đi thêm một quãng, bỗng nghe tiếng mìn nổ.

Cả chiến trường rộng lớn đã bày ra phía trước.

Tôi đã có mặt ở thị trấn Đông Khê, thị xã Cao Bằng, thị xã Lạng Sơn, thị xã Hòa Bình sau khi giải phóng, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy chiến trường với những nét khốc liệt và hùng vĩ như ở đây.

Bên trái là dãy đồi phía đông, thành lũy của tập đoàn cứ điểm, không còn ngọn cỏ, giống như những tổ mối khổng lồ, lỗ chỗ những ụ súng, hố bom, hố đại bác. Bên phải đường 41, từ chân những quả đồi ra đến bờ sông Nậm Rốm, nằm trên một cánh đồng hẹp, là những vị trí địch dày đặc. Chỗ nào cũng chỉ thấy chiến hào, ụ súng, và dây thép gai. Đất bị xới lộn khắp nơi, như bị nung đỏ, từng tấc đều như thấm máu quân thù và cả nỗi kinh hoàng của chúng. Rải rác còn những xác chết chưa kịp chôn đen đặc ruồi, những bãi rác bốc hơi kinh khủng.

Trước khi vào Đông Xuân 1953-1954 cả địch và ta đều chưa nghĩ tới một không gian và thời gian cho trận quyết chiến chiến lược. Đây chính là điểm hẹn lịch sử, chung cục định mệnh của cuộc chiến tranh xâm lược sớm muộn rồi phải diễn ra ở một nơi nào đó trên đất nước ta. Điện Biên Phủ là sự nối tiếp của Bạch Đằng, Đống Đa trong thời đại mới.

Ngay đầu đường tôi đi vào, hai bên đường 41, là đồi E và đồi D, nơi đồng chí Quang Trung đã nhận chỉ thị phải biến ngay hai điểm cao này thành trận địa kiên cố của ta, đưa sơn pháo lên đây uy hiếp quân địch ở Mường Thanh.

Tôi nhìn lên đỉnh đồi C1 đỏ trụi, thử tìm cái "Cột Cờ" nơi trung đoàn 98 của Vũ Lăng, đã giành giật suốt một tháng ròng với những đơn vị quân dù trong những trận đánh sinh tử, hầu như ngày nào cũng được nhắc tới trong báo cáo chiến sự. Không còn thấy chút dấu vết nào.

Đã đến chiếc cầu sắt bắc ngang sông Nậm Rốm, nối liền khu đông với trung tâm Mường Thanh. Chiếc cầu mới xuất hiện sau ngày quân địch nhảy dù. Đây là một sản phẩm của Mỹ mà bộ đội ta sẽ gặp nhiều trong những năm chiến tranh sau này. Dưới chân cầu, dòng sông Nậm Rốm đục ngầu, cây cối đổ ngổn ngang, và phủ đầy dây thép gai. Đầu cầu, những chiếc lô cốt há miệng châu mai đen ngòm. Địch đã cố gắng bảo vệ cái cầu này cho tới buổi chiều, cách đây hai hôm, các chiến sĩ ta nhanh chóng băng qua, và sau đó, bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm cùng với quân lính từ khu trung tâm lũ lượt kéo ra, qua đây với những lá cờ trắng.

Một anh dân công còn trẻ, đứng đợi bên kia cầu. Anh chìa tay ra và nói:

- Đề nghị anh, cho em bắt tay một cái!

Tôi vui vẻ siết tay anh, và biết anh quê ở Thanh Hóa, một tỉnh đã cung cấp nhiều nhất về người, cũng như lương thực phục vụ chiến dịch. Tôi rẽ vào nói chuyện với một số bà con dân công, có cả đồng bào miền xuôi và đồng bào ở địa phương, đang ngồi bên đường. Trước chiến thắng vẻ vang của dân tộc, mỗi người có góp phần của mình, đều cảm thấy tự hào. Riêng trong chiến dịch này, nếu thiếu tấm lòng thương yêu rộng lớn của nhân dân, chẳng quản gian lao, không sợ hiểm nghèo, chăm lo từng viên đạn, hạt gạo, thì bộ đội ở nơi tiền tuyến xa xôi này không thể nào chiến thắng quân giặc. Nhiều người chạy tới biến cuộc gặp thành một “mít tinh” nhỏ.

Đứng giữa Mường Thanh, trên là trời, dưới là hầm hố, dây thép gai và súng đạn, xe cộ ngổn ngang, một chiếc máy bay cắm đầu xuống đất không xa sở chỉ huy của Đờ Cát.

(Còn nữa)

PV

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy