Vào thời điểm khi các ca F0 tăng cao trong cộng đồng, việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid -19 tại nhà phổ biến, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý chất thải với các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà. Tuy nhiên, việc thực hiện những quy định này ra sao phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân. Đối với công nhân môi trường thu gom rác thải sinh hoạt, nếu không tự mình bảo đảm an toàn trong quá trình làm việc, nguy cơ mắc Covid-19 rất cao.
Mỗi ngày 2 ca tương đương với thời gian 8 tiếng đồng hồ, chị Nguyễn Thị Dung, công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam luôn làm việc chăm chỉ, hoàn thành nhiệm vụ công ty giao. Tuy nhiên, chị cũng đối mặt với những nguy cơ dịch bệnh khi F0 tăng cao trong cộng đồng. Chị Dung cùng với một đồng nghiệp là anh Vũ Hồng Phong phụ trách một xe điện chở rác, đi khắp các đường phố chính của thành phố, nhưng không thể nào biết nhà nào có người bị mắc Covid-19, nhà nào không. Bởi, ở giai đoạn này, việc treo biển trước cửa nhà đối với các trường hợp phải cách ly y tế và điều trị Covid-19 tại nhà, nơi thì làm, nơi thì không.
Chị Dung cho biết: “Khi chúng tôi nhấc túi rác của các gia đình để ra ngoài mới có thể biết, nhưng không chắc chắn nhà đó có F0, bởi những vật dụng như que test Covid-19, khẩu trang, thuốc men và vỏ trái cây bỏ lẫn trong cùng túi rác. Có nhà, họ còn bỏ luôn cả những que test Covid ra ngoài, không cho vào túi, bảng test còn đỏ chót hai vạch làm cho chúng tôi thấy rất lo lắng!”.
Biết là không thể không tiếp xúc với những loại rác thải nguy hiểm này, chị Dung và anh Phong buộc phải có cách để tự bảo vệ mình. Anh Vũ Hồng Phong, nhân viên lái xe điện chở rác nói: Chị em tôi bảo nhau phải đeo hai khẩu trang, đi găng tay cẩn thận, mặc bảo hộ và tuân thủ những quy định về phòng dịch mà công ty yêu cầu. Vì thế, sau nhiều tháng ngày đối mặt với nguy cơ, chúng tôi chưa ai bị mắc Covid-19 trong quá trình làm việc.
Nhưng theo chị Nguyễn Thị Dung, rất nhiều đồng nghiệp của chị làm việc ở các tổ thu gom rác thải khác bị mắc Covid-19. Áp lực dịch bệnh đối với người lao động với đồng lương, chỉ đủ để lo toan những khoản chi phí đời thường khi bị mắc Covid-19 càng nặng nề hơn. Phải xét nghiệm, phải điều trị triệu chứng, phải nghỉ việc ở nhà…
Theo chị Phan Thị Loan, công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam, công việc dẫu có nặng nhọc không đáng ngại bằng nguy cơ nhiễm dịch từ những túi rác của người dân không được phân loại và bảo đảm an toàn khi bỏ ra môi trường.
Ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam cho biết: Công ty hiện có trên 400 cán bộ, nhân viên. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, 50% số cán bộ, nhân viên đã bị nhễm dịch. Tuy nhiên, hầu hết các ca bệnh đều có nguồn lây từ gia đình, trong cộng đồng chứ không phải do nhiễm từ quá trình làm việc. Bắt đầu từ khi có dịch bệnh, công ty đã quán triệt cán bộ, nhân viên phải nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng dịch. Đồng thời, trang bị cho anh em những trang thiết bị cần thiết như khẩu trang, bảo hộ, găng tay để họ phòng, chống dịch hiệu quả. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động về dịch bệnh cũng được tăng cường, làm cho mọi người tự giác thực hiện những quy định phòng, chống dịch. Chúng tôi cũng đề nghị các xưởng chỉ đạo các tổ phân công công nhân làm việc theo kíp, tránh lây nhiễm chéo nếu bị mắc dịch…
Dù vậy, nguy cơ lây nhiễm dịch trong quá trình thu gom rác thải ở cộng đồng khi các khu dân cư đều có quá nhiều hộ dân có người mắc Covid-19 điều trị tại nhà. Bởi, theo Bộ Y tế, chất thải sinh hoạt sinh ra từ phòng cách ly của F0 quản lý tại nhà đều được coi là chất thải lây nhiễm.
Trước nguy cơ lây nhiễm dịch từ rác thải của F0 trong cộng đồng, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý chất thải đối với F0 tại nhà. Trong đó, các địa phương cần xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh đối với các trường hợp F0 đang quản lý trên địa bàn. Theo quy định, các chất thải này phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài túi, thùng đựng chất thải phải ghi chữ “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”. Thực tế, ở Hà Nam nói chung, TP Phủ Lý nói riêng, số hộ dân làm đúng hướng dẫn và quy định này không nhiều.
Ông Phạm Minh Tuấn cho rằng: Người dân vẫn chưa thực sự có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường và chủ quan trước dịch bệnh. Qua các phương tiện thông tin đại chúng bấy lâu nay, họ biết rất rõ cơ chế lây nhiễm dịch bệnh như thế nào, việc phòng, chống dịch phải ra sao. Nhưng nhiều người đã phớt lờ chuyện đó. Nhân viên vệ sinh môi trường của chúng tôi mỗi ngày phải thu gom trên 200 tấn chất thải dân sinh, vận chuyển và đưa đi xử lý. Nhọc nhằn là một chuyện, nhưng nguy cơ nhiễm dịch tạo nên áp lực công việc đối với anh em mới đáng lo.
Lương thấp, công việc nặng nhọc, lại phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao khi F0 trong cộng đồng tăng, công nhân môi trường làm gì để hoàn thành nhiệm vụ và vượt qua khó khăn này? Anh Vũ Hồng Phong tâm sự: Vì cuộc sống gia đình, vì cơm áo gạo tiền, những người lao công chúng tôi phải nỗ lực làm việc để hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, gắn bó với công việc nhiều năm, trong lòng ai cũng thấy đây là công việc có ý nghĩa dù vất vả, dù không cao sang, nhưng chúng tôi đã làm cho thành phố này đẹp hơn, sạch hơn, văn minh hơn. Chỉ mong muốn mọi người hãy tuân thủ những quy định về phòng dịch, giữ gìn cho cộng đồng được an toàn khi dịch bệnh chưa chấm dứt từ việc làm rất nhỏ của mình: phân loại rác thải và đừng xả bừa ra môi trường làm ảnh hưởng đến cộng đồng.
Giang Nam