Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân và doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận công lý, thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Xác định tầm quan trọng đó, tỉnh Hà Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật và khả năng áp dụng pháp luật vào thực tế cuộc sống cho người dân.
Một trong những giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp là tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Thời gian qua, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, định hướng hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn theo hướng thiết thực, hiệu quả, chất lượng. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện đã làm tốt công tác tư vấn cho UBND cùng cấp trong huy động nguồn lực, hướng dẫn, định hướng các nội dung trọng tâm cần triển khai, các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với chỉ đạo của Bộ Tư pháp, nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế địa phương. Trên cơ sở đó, việc triển khai các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các đơn vị, địa phương chú trọng thực hiện.
Trong năm 2024, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 634 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 1,3 triệu lượt người tham dự. Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngày càng đa dạng, phù hợp với từng đối tượng (tuyên truyền qua hội nghị, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật…); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật; thực hiện các chương trình, chuyên mục Hỏi - Đáp pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền phổ biến trên mạng xã hội, hệ thống truyền thanh các xã, phường, thị trấn; hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024 kết hợp với việc tập huấn kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách, tọa đàm, nói chuyện, tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý; trao tặng sách pháp luật cho các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh…
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng được quan tâm triển khai, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp tăng cường tiếp cận pháp luật. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 415/KH-UBND ngày 14/3/2024 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2024. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ đã triển khai thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.
Theo đó, 100% các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh ban hành được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật. Các chính sách, thông tin liên quan đến đầu tư đều được công bố trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tra cứu văn bản, tiếp cận thông tin về chế độ chính sách. Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp thường xuyên giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật mới, biên tập các tài liệu pháp luật liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng tải trên Chuyên trang phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh.
Các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố thường xuyên giải đáp, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua nhiều hình thức như: Tư vấn trực tiếp; giải đáp bằng văn bản; tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp... Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh bố trí cán bộ trực và hỗ trợ 24/24h để giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai các quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật còn gặp nhiều khó khăn, chưa thu hút được nguồn tài trợ thường xuyên, sự chủ động phối hợp từ các doanh nghiệp trong triển khai các hoạt động. Chưa thu hút được các chuyên gia tham gia tổ hòa giải ở cơ sở.
Đội ngũ công chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, chưa thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ. Hiệu quả tư vấn pháp luật của các tổ chức dịch vụ pháp lý còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu chỉ quan tâm đến chi phí trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các chi phí gián tiếp như phí dịch vụ pháp lý, đội ngũ pháp chế chưa được quan tâm đúng mức, số lượng doanh nghiệp tra cứu tìm hiểu pháp luật tại các trang cơ sở dữ liệu về pháp luật thấp. Việc bố trí kinh phí dành cho chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế…
Để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần được tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả. Trong đó, tăng cường đổi mới các hình thức, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của người dân trong tìm hiểu pháp luật, xây dựng văn hóa pháp lý, lối sống theo pháp luật, tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật.
Nguyễn Khánh