Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa cho học sinh khi tham gia giao thông, từ tuyên truyền đến xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Để chấn chỉnh tình trạng này, cùng với việc tăng cường quản lý của nhà trường và lực lượng chức năng, rất cần sự quan tâm phối hợp tích cực từ phía gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em mình.
Nhằm góp phần phổ biến pháp luật về giao thông trong trường học, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông đối với học sinh, những năm gần đây, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về TTATGT cho học sinh luôn được ngành chức năng và các nhà trường chú trọng, duy trì thường xuyên. Vừa qua, Đội Cảnh sát giao thông- trật tự (CSGT- TT), Công an thành phố Phủ Lý phối hợp với Ban Giám hiệu Trường THPT B Phủ Lý tổ chức tuyên truyền pháp luật ATGT cho học sinh của trường. Tại buổi tuyên truyền, học sinh đã được thông tin nhanh về tình hình TTATGT trên địa bàn, những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT); hậu quả, di chứng, hệ lụy do TNGT gây ra đối với người bị nạn, gia đình và xã hội; một số hành vi vi phạm giao thông phổ biến. Em Nguyễn Quỳnh Hương, học sinh lớp 11A2, Trường THPT B Phủ Lý chia sẻ: Em thấy buổi tuyên truyền rất có ích đối với em và các bạn, giúp chúng em có thêm nhiều kiến thức về ATGT và những kỹ năng cần thiết khi tham gia giao thông trên đường và Luật Giao thông mà Nhà nước quy định. Để bảo vệ bản thân và mọi người trước những nguy cơ về TNGT, em thấy mình cần luôn có ý thức chấp hành tốt các quy định của Luật Giao thông đường bộ, không để xảy ra vi phạm giao thông.
Trong hội nghị TTPBGDPL về TTATGT được Đội tuyên truyền Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh phối hợp tổ chức mới đây tại Trường THPT B Duy Tiên, các em học sinh đã được tuyên truyền nhiều nội dung hữu ích, thiết thực; trong đó có nội dung: tham gia giao thông an toàn chính là xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa trong cộng đồng, không chạy xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi, không phóng nhanh, vượt ẩu, không chạy sai phần đường, làn đường, phải đội mũ bảo hiểm đúng quy cách khi tham gia giao thông… Thầy giáo Bùi Đức Thiện, Hiệu trưởng Trường THPT B Duy Tiên khẳng định: Thực hiện được những điều này sẽ giúp các em hình thành thói quen tốt trong tham gia giao thông, góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh. Vì vậy, bắt đầu vào các năm học mới, nhà trường luôn chủ động phối hợp với lực lượng chức năng TTPBGDPL về TTATGT thông qua các hoạt động ngoại khóa, trong giờ chào cờ. Ngoài ra, tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống như kỹ năng tự bảo vệ bản thân, bảo đảm ATGT. Hoạt động TTPBGDPL về TTATGT được Đội tuyên truyền Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tổ chức vừa qua chính là một hình thức tuyên truyền hiệu quả cần được duy trì thực hiện...
Mặc dù có nhiều biện pháp tích cực nhưng các vụ TNGT trong thời gian gần đây liên quan đến lứa tuổi vị thành niên, học sinh vẫn có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 58 vụ tai nạn, va chạm giao thông liên quan đến học sinh (tăng 23,4%), làm chết 16 người (tăng 14,1%), 42 người bị thương (tăng 22,9%); lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý 1.765 trường hợp, phạt tiền 912 triệu đồng, tạm giữ 614 xe mô tô, xe gắn máy, 406 phương tiện khác; cảnh cáo 615 trường hợp, gửi thông báo về nhà trường để có biện pháp xử lý, giáo dục...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song nguyên nhân chính lại thuộc về ý thức của học sinh. Thực tế hiện nay, tình trạng học sinh vi phạm TTATGT vẫn diễn ra khá phổ biến như: đi dàn hàng ngang; điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm; đi xe máy chở quá số người quy định; vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, đi ngược chiều, chạy quá tốc độ quy định…
Để chấn chỉnh tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về TTATGT trong học sinh, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, yêu cầu các nhà trường tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới học sinh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: lồng ghép các nội dung tuyên truyền trong các môn học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, xây dựng cổng trường ATGT, thành lập đội thanh niên tình nguyện. Đồng thời, tổ chức ký cam kết giữa gia đình, nhà trường và học sinh về việc thực hiện các quy định của pháp luật về TTATGT... Để hình thành và duy trì văn hóa giao thông trong học sinh, các trường học cần có sự quan tâm hơn trong công tác giám sát, theo dõi, phát hiện và biểu dương những gương người tốt, việc làm tích cực; kịp thời phê phán, lên án và chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT trong học sinh. Việc giáo dục kiến thức pháp luật về ATGT cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt năm học, từng cấp học chứ không nên chỉ triển khai ở một số thời điểm hay trong tháng cao điểm về ATGT như hiện nay. Cùng với đó, rất cần sự phối hợp giữa cha mẹ học sinh, nhà trường cùng lực lượng chức năng trong việc quản lýt, giáo dục, hình thành thói quen tuân thủ luật giao thông, giúp học sinh ý thức trách nhiệm với cộng đồng và chính bản thân khi tham gia giao thông.
Trần Ích