Bước chuyển tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới

Tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 59/98 xã (bằng 60,2%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), vượt chỉ tiêu "đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn NTM" so với Nghị quyết của Tỉnh uỷ đề ra.

 

Đường giao thông nông thôn tại xã Thanh Thủy (Thanh Liêm) được bê tông hóa kiên cố. Ảnh: Lương Hồi

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020, ngày 21/4/2011 Tỉnh ủy Hà Nam ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về xây dựng NTM. Theo đó, toàn tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2015 có tối thiểu 22 xã đạt chuẩn NTM, năm 2020 con số này là 50%. Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến hết năm 2015, tỉnh ta đã có 33 xã đạt chuẩn NTM, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân là 15,37 tiêu chí/xã, tăng bình quân 8,57 tiêu chí/xã so với năm 2011, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra.

Bắt tay triển khai thực hiện phong trào "Chung sức xây dựng NTM", tỉnh chọn làm đường giao thông thôn, xóm là nhiệm vụ khởi đầu. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", ngay khi phát động, phong trào làm đường giao thông thôn, xóm được cấp ủy, chính quyền và người dân hưởng ứng tích cực. Để có được mặt đường rộng theo đúng quy hoạch, người dân đã bàn bạc, thống nhất chặt bỏ nhiều loại cây ăn quả, phá cổng, tường rào, tháo dỡ nhà ngang, nhà bếp, công trình phụ... tự nguyện hiến trên 300ha đất để làm đường giao thông nông thôn. Trong 5 năm (2011-2015), với 318.000 tấn xi măng tỉnh hỗ trợ, nhân dân hiến đất, góp công, góp của làm mới và đưa vào sử dụng 1.800 km đường giao thông thôn, xóm; trên 485 km đường trục chính nội đồng được cứng hóa. Đường mới xây dựng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Song hành cùng phong trào làm đường giao thông nông thôn, việc hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nội dung quan trọng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ gắn với các đề án, mô hình phát triển sản xuất như: Đề án xây dựng cánh đồng mẫu, đề án cây trồng hàng hóa vụ đông, đề án chăn nuôi bò sữa... Đặc biệt, để đẩy mạnh cơ giới hóa đồng ruộng nhằm nâng cao năng suất, tăng sản lượng và giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, đồng thời giải phóng sức lao động cho nông dân, tỉnh đã hỗ trợ cho các xã mua 284 máy cơ giới, hàng trăm công cụ sạ hàng... phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện dồn đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, chỉnh trang quy hoạch lại đồng ruộng; xây dựng quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa mang tính chiến lược. Nổi bật, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phê duyệt Quy hoạch 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: Khu Nhân Bình - Xuân Khê (Lý Nhân) 239,96ha; khu Nhân Khang (Lý Nhân) 118,37ha; khu Đồng Du - An Mỹ (Bình Lục) 121,73ha; khu Liêm Tiết (thành phố Phủ Lý) 23,76ha. Đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ được 134,77ha/500ha đất nông nghiệp đã quy hoạch, đạt 26,9% kế hoạch...

Việc thực hiện tốt các đề án, dự án và mô hình phát triển sản xuất góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa bàn nông thôn. Cụ thể, năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo ở mức 10,68%, đến năm 2015 giảm xuống còn 2,92% (theo chuẩn nghèo cũ). Thu nhập của người dân nông thôn đạt từ 18 triệu đồng/người/năm 2011, tăng lên 28,5 triệu đồng/người/năm 2015.

Kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên, người dân thêm quyết tâm chung sức, đồng lòng xây dựng NTM. Với phương châm "Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết", trong 5 năm (2011-2015), tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM của tỉnh đạt 7.528.552 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là 149.230 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 1.233.422 triệu đồng, ngân sách huyện, thành phố 313.247 triệu đồng, ngân sách xã là 1.059.935 triệu đồng, nhân dân đóng góp 1.402.394 triệu đồng ... Nhờ có sự đóng góp, đầu tư đồng bộ, bài bản, diện mạo làng quê có sự đổi mới rõ rệt; đời sống người dân được nâng lên; tình hình an ninh trật tự địa bàn nông thôn được bảo đảm; hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường; các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa được cải thiện; vai trò người dân là chủ thể trong chương trình xây dựng NTM ngày càng rõ nét; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền được nâng cao.

Trao đổi với chúng tôi về phong trào xây dựng NTM, ông Trần Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh khẳng định: Những kết quả đạt được trong phong trào xây dựng NTM là nhờ có chính sách đồng bộ và cơ chế hỗ trợ khuyến khích đầu tư kịp thời. Bên cạnh đó, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, vận hành thông suốt của Ban chỉ đạo xây dựng NTM từ tỉnh tới các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân đóng vai trò quyết định. Để phong trào đi vào chiều sâu chất lượng, hằng năm Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đều tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, từ đó nêu rõ những tồn tại đề ra phương hướng, mục tiêu, giải pháp cho từng thời điểm, giai đoạn để việc triển khai đạt kết quả cao. Ghi nhận trong phong trào xây dựng NTM là nhận thức của phần đông cán bộ, đảng viên và nhân dân đã thay đổi. Từ chỗ còn tư tưởng trông chờ vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia. Tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 59/98 xã (bằng 60,2%) đạt chuẩn NTM, vượt chỉ tiêu  "đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn NTM" Nghị quyết Tỉnh uỷ đề ra.

Thực hiện mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020: Phấn đấu đến năm 2020 có từ 75 xã đạt chuẩn NTM, có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn NTM, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra giám sát việc thực hiện xây dựng NTM ở tất cả các cấp, ngành trong tỉnh. Đẩy mạnh phát triển sản xuất; thực hiện tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt; sản xuất theo hướng hàng hoá; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm nông nghiệp; phát triển thị trường tiêu thụ... Tập trung huy động các nguồn lực, lồng ghép các chương trình mục tiêu phục vụ xây dựng NTM. Quan tâm, hướng dẫn hỗ trợ nhân dân thực hiện các nội dung về phát triển văn hoá-xã hội, môi trường, bảo đảm an ninh trật tự ở nông thôn. Phát triển và nâng cao chất lượng công tác y tế, giáo dục và đào tạo; làm tốt công tác đào tạo nghề, dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nghiên cứu rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, chú trọng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng đối với vùng sản xuất tập trung; kịp thời điều chỉnh, cập nhật, bổ sung các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM...

P.Hiền

Phạm Hiền, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy