Nhiều lao động tự do ở những khu vực thực hiện giãn cách hoặc phong toả khi Hà Nam bùng phát dịch trở lại từ 19/9 phải dừng việc, không có thu nhập. Bình thường, những đối tượng này đã gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm, ổn định thu nhập, bảo đảm đời sống gia đình, và nay đối mặt với dịch bệnh Covid-19, họ càng thêm khó. Tuy nhiên, những lao động tự do vùng dịch đã và đang được quan tâm hỗ trợ để giảm bớt khó khăn.
Hơn 2 tuần qua, bà Nguyễn Thị Việt, phường Thanh Châu (TP Phủ Lý) phải nghỉ việc ở nhà không thể đi làm vì một phần của 12 phường, xã trên địa bàn thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội. Làm công việc dọn dẹp nhà cửa cho các gia đình theo giờ, bình thường mỗi ngày bà Việt cũng được trả 300.000 đồng. Ở tuổi ngoài 60, sức khoẻ cũng yếu dần, bà lại sống đơn thân nên nếu không có thu nhập sẽ gặp phải vô vàn khó khăn. Những gia đình thuê bà làm việc chủ yếu ở nội thành, đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, vì thế, bà chỉ có thể trở lại công việc sau khi những khu vực này hết giãn cách.
Còn anh N.V.T, Tổ 4, Phường Trần Hưng Đạo cũng là một lao động tự do. Ngày 24/9 sau khi được xác định nhiễm SARS – CoV-2, anh phải vào bệnh viện điều trị, công việc bỏ dở, gia đình đều có nguy cơ lây nhiễm. Anh T. không chỉ buồn bã mà còn lo lắng cho công việc và kinh tế gia đình lúc này. Có thể sẽ mất vài tuần mới được ra viện, sau đó lại phải cách ly, theo dõi sức khỏe ở nhà theo quy định rồi anh mới có thể trở lại công việc, nhưng không biết tình hình dịch bệnh lúc đó ra sao…
Trong đợt dịch này, đã có hàng nghìn lao động tự do của thành phố bị ảnh hưởng việc làm. Cuộc sống thường ngày vốn dĩ đã bấp bênh, công việc không ổn định, thu nhập thấp, quá trình làm việc lại đối mặt với nhiều rủi ro, giờ gặp phải dịch bệnh phức tạp, họ càng khó khăn hơn. Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố, kể từ ngày 19/9 đến nay đã có nhiều lao động tự do phải nghỉ việc, phải cách ly tập trung, cách ly tại nhà.
Ông Phạm Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND TP Phủ Lý cho rằng, dịch bệnh lần này làm cho đối tượng lao động tự do và lao động trong các khu công nghiệp thực sự thêm khó khăn. Thành phố đang triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, lao động tự do sẽ là một trong những đối tượng được quan tâm lúc này. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đang cùng với các phường, xã nhanh chóng rà soát, thống kê, lập danh sách và hoàn thiện hồ sơ các trường hợp bị ảnh hưởng đủ điều kiện theo quy định để hỗ trợ sớm, giúp giảm bớt những khó khăn cho bản thân và gia đình họ.
Trong phương án bảo đảm cung ứng hàng hoá thiết yếu (HHTY) và nhu yếu phẩm (NYP) cho người dân ở khu vực áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, khu phong toả được thành phố triển khai thực hiện những ngày qua, nhiều gia đình lao động tự do gặp khó khăn đã nhận được hỗ trợ gạo, thực phẩm, rau xanh, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống. Toàn bộ những mặt hàng này do thành phố huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, ủng hộ, góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội trong đại dịch này.
Nhiều lao động tự do vùng dịch bị mắc Covid-19 hay trường hợp F1 phải cách ly tập trung cũng lo lắng về chi phí điều trị, cách ly tập trung. Tuy nhiên, bác sỹ Phan Anh Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Tất cả những người bị mắc Covid-19 nếu có bảo hiểm y tế thì được bảo hiểm thanh toán các khoản chi phí điều trị. Còn không, chi phí điều trị Covid-19 sẽ do tỉnh hỗ trợ chi trả bằng nguồn Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.
Được quan tâm, chăm lo, hỗ trợ, trước mắt cuộc sống những lao động tự do phần nào sẽ giảm bớt khó khăn. Song về lâu dài cần sự nỗ lực của mỗi người để cùng cấp ủy, chính quyền, các ngành, doanh nghiệp và toàn xã hội vượt qua khó khăn, tìm hướng đi, việc làm, cách làm thích hợp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ổn định cuộc sống trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống nhân dân.
Chu Uyên