Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN), huy động được nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động GDNN, xây dựng hiệu quả các mô hình gắn đào tạo nghề với doanh nghiệp (DN)..., thời gian qua, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã thực hiện gắn kết chặt chẽ GDNN với DN và thị trường lao động. Đây là một trong 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đột phá thực hiện Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Tạo nguồn lao động chất lượng cho các doanh nghiệp
Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam là một trong 18 cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác đổi mới đào tạo, dạy nghề theo hướng phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề có kỹ năng phù hợp có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác và vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc cách mạng 4.0...
Thạc sỹ Vũ Như Ý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam cho biết: Hiện tại, nhà trường đang đào tạo 27 nghề; trong đó có hai nghề trọng điểm quốc gia là nghề Công nghệ ô tô và nghề Hàn, một nghề trọng điểm quốc tế là nghề Điện công nghiệp. Năm 2022, trường được đánh giá và đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDNN; năm 2023, trường được đánh giá và đạt tiêu chuẩn kiểm định Chương trình nghề Điện công nghiệp và Công nghệ ô tô hệ cao đẳng.
Để hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng ngày một cao, đáp ứng yêu cầu xã hội, nhà trường đang triển khai thực hiện Đề án “Phát triển Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam thành Trường Cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và xây dựng Chương trình chất lượng cao nghề Điện công nghiệp để đưa vào giảng dạy. Muốn hoàn thành các mục tiêu đào tạo, nhà trường luôn chú trọng công tác phát triển đội ngũ đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng chuyên môn lẫn kỹ năng giảng dạy, hợp lý về cơ cấu; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo niềm tin trong nhân dân để thu hút học sinh; thúc đẩy liên kết đào tạo nghề giữa nhà trường với các cơ sở GDNN có uy tín, chất lượng và các DN.
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã làm việc với 15 DN và các cơ sở đào tạo nghề quốc tế với mục đích kết nối thông tin, mở rộng liên kết đào tạo, nắm bắt nhu cầu thị trường lao động... để có kế hoạch đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong năm học 2024-2025 và những năm tiếp theo. Nhà trường đã cho HSSV tham quan, trải nghiệm tại các công ty: TNHH Shikoku Cable Việt Nam, TNHH Seoul Semiconductor Việt Nam, TNHH Qisda Việt Nam, TNHH Hệ thống Dây dẫn Sumi Việt Nam, TNHH Nittoku Việt Nam. Đồng thời, tiếp đón, ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác đào tạo với các DN, cơ sở đào tạo nghề, như: Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng; Công ty TNHH Kangyin Electronic Technology; Tập đoàn công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel; Công ty TNHH Trường Quốc tế Việt Hoa, Trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Minh Tân, cùng một số DN Đài Loan (Trung Quốc); Đoàn đại biểu Trung tâm cộng đồng Quốc tế Kobe (KICC) và Khoa kinh tế của Trường đại học Teikyo Heisei University (Nhật Bản); Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Nam Định...
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam Vũ Như Ý cho rằng: Do chú trọng việc liên kết đào tạo, đổi mới hình thức liên kết nên chất lượng chương trình đào tạo bước đầu đã có sự phân tầng rõ nét; công tác tuyển sinh của trường ngày càng thuận lợi hơn. Số HSSV tốt nghiệp năm 2024 là 1.183 em, trong đó hệ cao đẳng có trên 100 em; so với năm 2021, số lượng này đã tăng gấp đôi. Điều đáng nói, trên 95% số HSSV của trường sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ổn định, thu nhập cao.
Đẩy mạnh hợp tác và liên kết trong đào tạo giữa các cơ sở GDNN với DN, giữa các cơ sở GDNN với nhau là cách hữu hiệu để tạo nên một nguồn lao động dồi dào, chất lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực mà tỉnh đã cam kết với các DN, các nhà đầu tư khi đến Hà Nam. Mặc dù công tác tuyển sinh và đào tạo của một số cơ sở GDNN thời gian qua gặp khó khăn, nhưng với việc đổi mới hoạt động hợp tác, liên kết đào tạo, đặt mục tiêu hai bên cùng có lợi, một số cơ sở GDNN đã và đang dần tháo gỡ những khó khăn.
Xây dựng cơ chế hợp tác phù hợp với điều kiện thực tế
Theo ông Đặng Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH), nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở GDNN thường xuyên đổi mới phương thức thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GDNN. Trong đó, hệ cao đẳng bốc thăm sử dụng ngân hàng đề thi chung của Tổng cục GDNN và mời doanh nghiệp tham gia kiểm tra, đánh giá. Việc gắn kết giữa các cơ sở GDNN với DN được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức, như: để DN tham gia xây dựng chương trình đào tạo, bố trí nơi thực tập sản xuất cho HSSV, nhà giáo; tham gia vào quá trình giảng dạy và đánh giá chất lượng; cấp học bổng cho HSSV; hỗ trợ trang thiết bị cho các cơ sở GDNN và tuyển dụng HSSV sau khi các em tốt nghiệp ra trường hoặc các thỏa thuận khác... Trong tất cả các khâu được thực hiện đều có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của UBND tỉnh và các sở ngành chức năng.
Từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc gắn kết GDNN với DN trong công tác đào tạo nghề; phổ biến, triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh cho DN khi tham gia hoạt động GDNN. Trong đó, đáng lưu ý nhất là chính sách hỗ trợ DN có dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tổ chức đào tạo nghề cho lao động làm việc tại DN... Đồng thời, tỉnh có cơ chế khuyến khích DN công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo, hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật.
Trong năm 2024, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ học phí học Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, học phí học trình độ cao đẳng tại các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN tổ chức đào tạo trên địa bàn tỉnh Hà Nam; tham mưu UBND tỉnh trình Bộ LĐ- TB&XH quyết định sáp nhập Trường Trung cấp nghề Công nghệ Hà Nam vào Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam. Hiện, trên địa bàn tỉnh có gần 160 DN hợp tác với các cơ sở GDNN, hơn 95% người học sau khi tốt nghiệp được các DN tuyển dụng vào làm việc phù hợp với ngành, nghề đào tạo với mức thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đặng Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Sở LĐ - TB& XH khẳng định: Nhờ có cơ chế chính sách, sự quan tâm đầu tư toàn diện, đặc biệt việc tăng cường liên kết đào tạo nghề với DN, mạng lưới các cơ sở GDNN tiếp tục được củng cố, sắp xếp theo hướng tập trung các ngành, nghề trọng điểm. Điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN đang từng bước được nâng lên để đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Giang Nam