UBND tỉnh nghe báo cáo tình hình triển khai mô hình trường học mới và dự thảo Đề án dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 1, 2

UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị nghe Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) báo cáo tình hình triển khai mô hình trường học mới (THM) và dự thảo Đề án dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 1, lớp 2 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Bùi Quang Cẩm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, trên cơ sở đảm bảo tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ và có sự tự nguyện của cha mẹ học sinh, đến năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 147 đơn vị (gồm 49 trường tiểu học và 98 trường THCS) triển khai thực hiện mô hình THM.

Như vậy, sau 5 năm triển khai thực hiện, mô hình THM đã đạt những kết quả bước đầu: chuyển dần mục tiêu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, học sinh thực sự trở thành trung tâm được bồi dưỡng năng lực tự học, có sự đổi mới mạnh mẽ về phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại…

Về chất lượng, năm học 2016-2017 đã có 5.077/5.717 học sinh cấp THCS học theo mô hình THM (đạt 88,8%) được đánh giá mức độ đạt trở lên về hoạt động học tập, 5.278 học sinh (đạt 92,4%) được đánh giá mức độ đạt trở lên về hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất. Ở cấp tiểu học, số học sinh hoàn thành tốt các môn học và các phẩm chất, năng lực đều đạt trên 99%...

Về dự thảo Đề án dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 1, lớp 2 trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, xác định rõ đây là chương trình được thực hiện theo tinh thần tự nguyện, nhằm tăng tỉ lệ học sinh đạt trình độ năng lực ngoại ngữ bậc 1 sau khi học xong chương trình tiếng Anh tiểu học.

Mục tiêu của Đề án: năm học 2017-2018 dạy chương trình làm quen với tiếng Anh cho khoảng 20% học sinh lớp 1, năm học 2018-2019 là 60% học sinh lớp 1 và 20% học sinh lớp 2. Đến năm học 2019-2020, sẽ có 100% học sinh lớp 1 và 60% học sinh lớp 2 trên địa bàn tỉnh được học chương trình.

Trên cơ sở đảm bảo hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên thực tế, dự kiến năm học 2017-2018, Đề án sẽ được triển khai thí điểm ở tất cả các huyện, thành phố, trong đó mỗi địa phương chọn 4 trường tiểu học có 2 giáo viên tiếng Anh và có tổng số lớp 3,4,5 là 9 lớp để thực hiện. Con số này được tăng lên 12 trường/huyện, thành phố vào năm học 2018-2019. Đề án được triển khai đại trà tới 100% học sinh lớp 1 trong toàn tỉnh và tiếp tục dạy tiếng Anh tăng cường cho học sinh lớp 2 đã được học chương trình năm học trước. Đã có 3 phương án được xây dựng cho việc triển khai Đề án. Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện Đề án khoảng trên 14,5 tỉ đồng.

Cho ý kiến đóng góp tại hội nghị, bên cạnh việc nêu bật tính tích cực và kết quả đạt được trong thực hiện thí điểm mô hình THM, các đại biểu đã tập trung làm rõ những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai mô hình này: nhận thức về bản chất và ý nghĩa của mô hình còn hạn chế, một bộ phận giáo viên còn ngại đổi mới, điều kiện cơ sở vật chất chưa phù hợp với mô hình, tài liệu và sách giáo khoa chưa đồng bộ... Đối với Đề án dạy ngoại ngữ cho học sinh lớp 1, lớp 2, cơ bản các đại biểu đều cho rằng đây là chương trình quan trọng, có điều kiện thực hiện tốt, có sự đồng tình về kinh phí thực hiện.

Đồng chí Bùi Quang Cẩm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị​.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Quang Cẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định vẫn có thể tiếp tục triển khai mô hình THM với sự đảm bảo tốt các điều kiện theo đúng tinh thần Kết luận số 1659 ngày 31/10/2016 của UBND tỉnh. Yêu cầu ngành giáo dục rà soát và đánh giá khách quan về chất lượng đối với các trường đang triển khai mô hình, nếu kết quả không tốt nên xem xét dừng lại. Quan điểm của tỉnh không mở rộng mô hình.

Với Đề án dạy ngoại ngữ cho học sinh lớp 1, lớp 2, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành giáo dục xác định rõ lộ trình, thời gian phù hợp cho thực hiện thí điểm, sử dụng có hiệu quả giáo viên đang thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, định mức giáo viên phải được xây dựng phù hợp với số tiết dạy và lộ trình từng năm, giáo viên được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng trong ngân sách. Về phía các ngành và địa phương, cần có sự phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục trong việc hỗ trợ đảm bảo đủ đội ngũ, cơ sở vật chất, phòng học, thiết bị chính cho các nhà trường và cho chương trình…     

Trần Hà

Trần Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy