kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Phát triển văn hóa đọc cho học sinh gắn với chuyển đổi số

Phát triển văn hóa đọc cho học sinh gắn với chuyển đổi số

Nhận thấy nhiều bạn học sinh đam mê mạng xã hội, thường xuyên sử dụng các thiết bị công nghệ nhưng lại ít áp dụng nó cho việc tìm đọc sách, một nhóm bạn trẻ tại Trường THCS Thanh Hương (xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm) đã nghiên cứu và xây dựng Đề tài “Phát triển văn hóa đọc cho học sinh trường tiểu học, THCS gắn với chuyển đổi số”. Đề tài đã được ban giám hiệu nhà trường đồng tình, ủng hộ và hỗ trợ triển khai, sau một thời gian thực hiện đã ghi nhận sự hưởng ứng tích cực của đông đảo bạn đọc là học sinh trong và ngoài nhà trường.

Giới thiệu về đề tài nghiên cứu của nhà trường vừa đạt giải nhất Cuộc thi nghiên cứu khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh, thầy giáo Lương Văn Luật, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Hương cho biết: Ngay từ đầu năm học 2023 - 2024, ban giám hiệu nhà trường đã phát động cuộc thi nghiên cứu, sáng tại khoa học kỹ thuật tới toàn thể các em học sinh. Trong số những ý tưởng sáng tạo được các em học sinh gửi lên, ban giám hiệu thực sự ấn tượng với ý tưởng phát triển văn hóa đọc gắn với chuyển đổi số của nhóm học sinh lớp 8B. Nhận thấy đây là đề tài mang tính thời sự, có tác động trực tiếp đến thực tế công tác giảng dạy và học tập, đáp ứng xu hướng phát triển, ban giám hiệu đã phân công giáo viên tổng phụ trách liên đội nhà trường làm giáo viên trực tiếp hướng dẫn triển khai thực hiện đề tài. Đồng thời, tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ kinh phí hoạt động; tổ chức một số sân chơi bổ ích, hoạt động thiết thực để hỗ trợ các em học sinh trong việc khai thác tư liệu thực tế nghiên cứu, ứng dụng vào thực hiện đề tài…

Nhờ có sự đồng tình ủng hộ và hỗ trợ tích cực từ phía ban giám hiệu và các thầy cô giáo, Đỗ Hoàng Anh, Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, học sinh lớp 8B Trường THCS Thanh Hương đã đi sâu nghiên cứu, mở rộng đối tượng, phát triển thành đề tài nghiên cứu “Phát triển văn hóa đọc cho học sinh trường tiểu học, THCS gắn với chuyển đổi số”.

Chia sẻ về lí do lựa chọn, quyết định thực hiện đề tài, các bạn trong nhóm cho biết: Qua quan sát thực tế cũng như tìm hiểu qua phương tiện thông tin, chúng em nhận thấy thực trạng hiện nay có một bộ phận không nhỏ học sinh rất ngại đọc sách, chưa hình thành thói quen, kỹ năng đọc sách đúng đắn. Không ít bạn có thể dành nhiều giờ liên tục cho các thiết bị công nghệ, tham gia mạng xã hội, song lại ít dành thời gian để tìm đọc tài liệu. Trong khi đó, nguồn học liệu trên các kênh chính thống rất đa dạng, phong phú, nếu được tiếp cận một cách có chọn lọc, bằng những phương pháp tiện ích sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình học tập. Từ thực tế đó, chúng em đã nảy ra ý tưởng và quyết định bắt tay nghiên cứu đề tài với mong muốn khơi dậy đam mê đọc sách; cung cấp giải pháp hỗ trợ các bạn học sinh tìm, đọc sách hiệu quả hơn thông qua những ứng dụng chuyển đổi số.

Nhóm học sinh cùng nhau thảo luận Đề tài “Phát triển văn hóa đọc cho học sinh trường tiểu học, THCS gắn với chuyển đổi số”. Ảnh: Khánh Chi

Bước đầu triển khai đề tài, các bạn học sinh trong nhóm đã tiến hành khảo sát nhu cầu, thói quen, mục đích tìm, đọc sách của số đông học sinh nhà trường. Từ đó, đưa ra một số giải pháp để phát triển văn hóa đọc cho các bạn học sinh gắn chuyển đổi số như: Tổ chức cuộc thi sáng tạo video giới thiệu sách có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); cuộc thi Audio book; ngày hội đọc sách; xây dựng và phát triển thư viện điện tử theo hướng đáp ứng nhu cầu tìm đọc của học sinh và giáo viên; thành lập trang mạng xã hội youtube, facebook, zalo… tạo nơi chia sẻ, giao lưu cho các bạn đam mê đọc sách…

Đáng nói, những giải pháp thiết thực này đã được ban giám hiệu và các thầy cô giáo nhà trường hỗ trợ triển khai, được đông đảo học sinh trong và ngoài nhà trường hưởng ứng, tham gia duy trì hoạt động. Theo đó, nhằm lan tỏa tới các em học sinh về ý nghĩa của văn hóa đọc trong nhà trường, Trường THCS Thanh Hương đã phát động cuộc thi sáng tạo video giới thiệu sách. Cuộc thi thu hút gần 50 nhóm học sinh tham dự, với gần 50 video do chính các em tự thực hiện từ khâu lên ý tưởng, xây dựng kịch bản, quay clip, hậu kỳ…

Đặc biệt, nhiều nhóm học sinh đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong sáng tạo video như: sử dụng phần mềm chuyển đổi từ văn bản thành giọng đọc, sử dụng người dẫn chương trình AI,… Thông qua quá trình tham dự cuộc thi, ứng dụng công nghệ trong sáng tạo video, các em học sinh dần hình thành hứng thú, đam mê với việc đọc sách. Đồng thời, cuộc thi cũng trở thành sân chơi bổ ích giúp các em được chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về những ứng dụng công nghệ mới, góp phần hình thành lớp “công dân số” trong tương lai.

Bên cạnh đó, theo thầy giáo Nguyễn Văn Cộng, Tổng phụ trách Liên đội Trường THCS Thanh Hương, để hỗ trợ đề tài nghiên cứu khoa học của các em, cũng như để sáng tạo những sân chơi bổ ích trên mạng xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi, chia sẻ tài liệu, học liệu cũng như nhu cầu ứng dụng chuyển đổi số trong học sinh, Liên đội nhà trường đã thành lập kênh youtube “Kết nối tri thức” và nhóm zalo “Văn hóa đọc 4.0”. Kênh youtube là nơi đăng tải toàn bộ video do các em học sinh và giáo viên nhà trường làm, như: video giới thiệu sách, video bài giảng, sách nói… Nhóm zalo “Văn hóa đọc 4.0” cũng là nơi để gần 800 thành viên là các thầy, cô giáo, học sinh của nhiều nhà trường tham gia chia sẻ những tài liệu, học liệu điện tử…

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các em học sinh tham gia xây dựng, phát triển thư viện điện tử của nhà trường chính là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần phát triển văn hóa đọc thông qua ứng dụng chuyển đổi số. Từ nhận thức trên, mô hình Thư viện điện tử Trường THCS Thanh Hương được xây dựng thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, các em học sinh sẽ chủ động chia sẻ những đường liên kết của các thư viện uy tín, phù hợp với nhu cầu học tập, nghiên cứu tài liệu của mình. Trên cơ sở đó, ở giai đoạn 2, ban giám hiệu nhà trường phối hợp với công ty công nghệ hướng dẫn học sinh xây dựng thư viện điện tử riêng của nhà trường gồm: sách điện tử, video giới thiệu sách của học sinh, video bài giảng của thầy cô giáo, tài liệu thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Có thể thấy, “Phát triển văn hóa đọc cho học sinh trường tiểu học, THCS gắn với chuyển đổi số” không chỉ dừng lại ở khuôn khổ một đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật của các em học sinh mà đã lan tỏa thành phong trào đọc sách ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ trong nhà trường. Từ tiền đề này, Trường THCS Thanh Hương dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong nhà trường hơn nữa trên cơ sở phát huy sở trường, khả năng về ứng dụng chuyển đổi số cũng như nhu cầu đọc sách của chính các em học sinh.

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy