Ghi nhận từ Liên hoan hát Văn, hát Chầu Văn năm 2017

Hà Nam nằm trong cái nôi phát triển của loại hình nghệ thuật truyền thống hát Chầu Văn nên việc tổ chức những liên hoan thế này là cách vừa để phát huy giá trị văn hóa của di sản, vừa để bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp truyền thống của hát Chầu Văn, của sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cửa đền, cửa phủ ở vùng đất này.

Nghệ nhân dân gian ưu tú Phạm Hải Hậu, CLB Bảo tồn và Phát huy di sản văn hóa Chầu văn tỉnh Hà Nam với tiết mục “Quan lớn Đệ Tam”. Ảnh: M.T

Qua 7 buổi biểu diễn, gần 30 nghệ nhân cùng hàng trăm cung văn, hầu dâng và diễn viên múa phụ họa, nhiều giá chầu, trích đoạn đặc sắc tại sân khấu Thủy đình đền Lảnh Giang, xã Mộc Nam (Duy Tiên) được biểu diễn tạo nên một không gian thiêng, đậm chất nghệ thuật. Liên hoan trở thành điểm nhấn đặc biệt trong Lễ hội đền Lảnh Giang năm nay, khi lễ hội chính thức được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Với mục đích tôn vinh, quảng bá các giá trị nghệ thuật của loại hình hát Văn, Chầu văn được chính thức biểu diễn trong "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" đã được UNESCO ghi danh tại danh sách "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại", Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn được Cục Văn hóa Thông tin cơ sở, Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức tại đền Lảnh Giang.

Khác với những lần trước, liên hoan lần này diễn ra trong không khí đặc biệt của lễ hội, Lễ hội đền Lảnh Giang chính thức được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thành phần đến dự liên hoan, ngoài các câu lạc bộ hát Văn, các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian, các thanh đồng, nhạc công, diễn viên, du khách thập phương, những người yêu mến hát Chầu Văn, hát Văn còn có nhiều lãnh đạo trung ương, địa phương.

Cảm nhận từ tiết mục hát Chầu Văn "Quan lớn Đệ Tam" và "Chầu Đệ Nhị" mở đầu Liên hoan của Nghệ nhân dân gian Ưu tú Phạm Hải Hậu, Chủ nhiệm CLB Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Chầu Văn tỉnh Hà Nam, người xem được thăng hoa với những cung bậc cảm xúc khác nhau, tạo nên không khí thưởng lãm nghệ thuật vui tươi, phấn khởi. Những người xem trầm trồ khen ngợi tiết mục này bởi diễn xuất linh hoạt, trang phục đẹp, mọi lề lối, kỹ thuật của các giá văn cổ được giữ nguyên. Người hát cố gắng nhập hồn trong từng điệu khúc mà gửi gắm lòng mình, giao cảm với thần linh. Họ thực sự tài tình khi thể hiện nhuần nhuyễn những cách chuyển tiếp các làn điệu, và thuần thục trong cách luyến láy của lời văn. Tiết mục này được coi là một cuộc hội nhập của thi ca, âm nhạc, vũ đạo và hội họa mang đậm phong cách dân gian thuần Việt.

Ở tiết mục "Ông Hoàng Mười" và "Cô bé Thượng Ngàn" do Nghệ nhân Phạm Văn Giao, Hội Văn nghệ dân gian thành phố Hải Phòng biểu diễn, người ta như bị cuốn trôi vào cơn lên đồng nửa mê, nửa tỉnh, nửa người nửa tiên. Giọng hát của nghệ nhân hát Văn vừa mộc mạc, chân phương mà nghe ma mị vô cùng. Lúc chậm rãi, lúc đủng đỉnh thanh tao, gần gũi mà siêu thoát, trần tục mà tiêu dao… Những điệu hát luôn kéo người ta trở về với thế giới thần tiên, quên đi những bộn bề cuộc sống để trải lòng mình trong những điệu hồi xốn xang của câu hát. Và, phảng phất đâu đó là hồn núi sông nhắc nhở con cháu đời sau gìn giữ di sản văn hóa dân tộc cổ truyền mà cha ông để lại...

Trong sự réo rắt vọng về từ cây đàn nguyệt, mọi cung bậc tình cảm của hát Văn được bộc lộ và níu giữ tâm hồn con người,  Nghệ nhân Phạm Văn Giao chia sẻ: "Giữ được tất cả những yếu tố cổ của các giá văn mới thực sự cao quý và đi đúng đích của bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Rất nhiều nơi hát Văn, hát Chầu Văn, nhưng người ta đã vô tình hoặc cố ý đưa những yếu tố mới vào làm sai lệch đi tính chất của từng giá văn truyền thống. Đó là điều những nghệ nhân chúng tôi mong muốn thông qua liên hoan chỉ ra được cái đúng và cái sai trong hát Văn, hát Chầu Văn hiện nay, góp phần lưu giữ, bảo tồn tốt nhất di sản". Quan điểm này thống nhất với quan điểm của Ban tổ chức liên hoan.

Ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Hiện nay, Di sản "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" đã chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tín ngưỡng thờ Mẫu gắn liền với nghệ thuật Chầu Văn hay còn gọi là hát Văn - một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của người Việt đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nghi lễ này đã được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là khi tín ngưỡng đang được đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hà Nam nằm trong cái nôi phát triển của loại hình nghệ thuật truyền thống hát Chầu Văn nên việc tổ chức những liên hoan thế này là cách vừa để phát huy giá trị văn hóa của di sản, vừa để bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp truyền thống của hát Chầu Văn, của sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cửa đền, cửa phủ ở vùng đất này".

Liên hoan hát Văn, hát Chầu Văn năm 2017 kết thúc trong dư âm linh thiêng, ngọt ngào với những lời ca, tiếng đàn, điệu múa các thanh đồng, cung văn đã thể hiện sự sáng tạo tuyệt vời, sự lắng đọng của di sản quý giá mà cha ông để lại. Đánh giá của Ban tổ chức rất công tâm: "Các giá hầu được đầu tư đẹp đã góp phần tôn vinh các giá trị thẩm mỹ cho các tiết mục. Một tín hiệu vui mừng tại liên hoan là bên cạnh những nghệ nhân lớn tuổi đã có sự tham gia tiếp lửa của các nghệ nhân trẻ tuổi để cùng chung tay gìn giữ văn hóa truyền thống. Hầu hết các nghệ nhân, thanh đồng đã bám sát mục đích, yêu cầu, quy chế mà Ban tổ chức đề ra xây dựng chương trình bảo đảm về nội dung, phong phú về hình thức và chất lượng nghệ thuật".

Tuy nhiên, liên hoan cũng bộc lộ những hạn chế của nhiều câu lạc bộ tham gia với các lỗi cơ bản như: "Một số cung văn còn lẫn lộn giữa Chầu Văn và Chèo Văn… Bài "Giá ông Hoàng Mười" của Nghệ An lại phảng phất âm hưởng dân ca Huế. Có những giá chầu của ông Hoàng, bà Chúa phía Bắc lại sử dụng âm hưởng dân ca Nam Bộ. Một vài nhóm hầu dâng chưa thuần thục trình tự thực hành nghi lễ…". Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở khẳng định: "Trách nhiệm của Ban tổ chức sau liên hoan này cần tổ chức một hội thảo khoa học để định hướng, truyền dạy góp phần lưu giữ được cái hay, cái đẹp mà di sản cha ông ta để lại".   

Bảo Ngọc

Bảo Ngọc

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy