Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 58/2022/TT-BTC quy định nội dung và mức chi thực hiện một số hoạt động của Chương trình "Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Thông tư 58/2022/TT-BTC quy định rõ các nội dung và mức chi thực hiện một số hoạt động của Chương trình. Theo đó, chi khảo sát đánh giá thực trạng kỹ năng của người lao động tại các doanh nghiệp để xác định nhu cầu đào tạo, đào tạo lại và mô hình đào tạo phù hợp theo các lĩnh vực, ngành, nghề chịu tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư triển khai trong Chương trình: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia.
Chi nghiên cứu để vận dụng kinh nghiệm quốc tế về đào tạo các ngành, nghề đào tạo mới, kỹ năng nghề mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư triển khai trong Chương trình: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Chi xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề; xây dựng học liệu dùng chung cho các chương trình đào tạo: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Điều 22 và khoản 7 Điều 23 Thông tư số 15/2022/TT-BTC.
Chi thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo trong Chương trình: Thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan; quy định tại khoản 9 Điều 23 Thông tư số 15/2022/TT-BTC.
Chi xây dựng chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người dạy trong doanh nghiệp tham gia Chương trình: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư số 15/2022/TT-BTC;
Chi tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và các kỹ năng cần thiết phục vụ đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người dạy trong doanh nghiệp tham gia Chương trình: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 46/2022/TT-BTC.
Chi xây dựng, vận hành cổng thông tin điện tử để quản lý, kết nối các thành phần tham gia Chương trình, phục vụ việc triển khai và quản lý, theo dõi Chương trình hiệu quả: Thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan; các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; quy định của pháp luật về đấu thầu và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nguồn kinh phí triển khai Chương trình
Theo Thông tư, nguồn kinh phí triển khai Chương trình gồm: Nguồn ngân sách trung ương bố trí trong dự toán chi ngân sách thường xuyên hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Nguồn thu sự nghiệp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tham gia đào tạo của Chương trình.
Nguồn kinh phí của các cơ sơ giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp được áp dụng nội dung, mức chi quy định tại Thông tư này và tự đảm bảo kinh phí để thực hiện các hoạt động của Chương trình.
Kinh phí từ các quỹ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Kinh phí lồng ghép từ các chương trình, dự án khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các dự án hợp tác quốc tế, nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước; nguồn vốn hợp pháp khác.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2022.
VGP News