Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tổ chức thông tin, tuyên truyền trong các tình huống đột xuất, bất thường.
Theo dự thảo, nguyên tắc tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền trong các tình huống đột xuất, bất thường là: Hoạt động thông tin, tuyên truyền phải kịp thời, nhanh chóng. Nội dung thông tin phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng thực hiện để truyền tải thông điệp chính xác tới người dân và phù hợp với hình thức thông tin, tuyên truyền.
Dự thảo nêu rõ quy trình thông tin, tuyên truyền trong các tình huống đột xuất, bất thường trên toàn quốc hoặc khu vực. Theo đó, khi xảy ra các tình huống đột xuất, bất thường trên toàn quốc hoặc khu vực thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, Bộ trưởng bộ chuyên ngành, Thủ trưởng cơ quan trung ương có trách nhiệm:
a) Xác định nội dung thông tin và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin cần tuyên truyền, phổ biến đến người dân.
b) Lựa chọn các hình thức thông tin, tuyên truyền
c) Xây dựng nội dung thông tin phù hợp với hình thức thông tin, tuyên truyền đã lựa chọn theo mẫu Phụ lục kèm theo Quyết định này.
d) Gửi yêu cầu bằng văn bản hoặc thư điện tử công vụ cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông để phối hợp tổ chức thông tin, tuyên truyền đến người dân.
Sau khi nhận được văn bản hoặc thư điện tử công vụ của Bộ trưởng bộ chuyên ngành, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:
a) Quyết định sử dụng phương tiện và hình thức thông tin, tuyên truyền trên các hạ tầng mạng viễn thông, báo chí, mạng xã hội và hệ thống thông tin cơ sở, phù hợp với yêu cầu thông tin, tuyên truyền do Bộ trưởng bộ chuyên ngành, Thủ trưởng cơ quan trung ương chuyển đến.
b) Yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sở hữu hạ tầng mạng viễn thông, báo chí, mạng xã hội và hệ thống thông tin cơ sở thực hiện việc thông tin, tuyên truyền.
Phương tiện và hình thức thông tin, tuyên truyền trong các tình huống đột xuất, bất thường gồm: 1. Mạng viễn thông: Tin nhắn (SMS); 2. Báo chí: Đăng tải nội dung thông tin trên báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình; 3. Mạng xã hội: Thông điệp truyền thông trên mạng xã hội; 4. Hệ thống thông tin cơ sở: Phát thông tin trên hệ thống đài truyền thanh cấp xã, cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, các thiết bị truyền thanh di động; đăng thông tin trên bảng tin điện tử, màn hình điện tử của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
CP