Quy định cấp lại Chứng chỉ Quốc phòng và An ninh cho sinh viên cao đẳng, bổ sung quy định thay đổi hồ sơ trong hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc… là các chính sách mới nổi bật về giáo dục, y tế có hiệu lực từ tháng 10/2022.
1. Các trường hợp cấp lại, cấp đổi Chứng chỉ QP&AN cho sinh viên cao đẳng
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 15/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/8/2022 về Quy chế quản lý, cấp phát Chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường cao đẳng.
Trong đó, quy định các trường hợp cấp lại, cấp đổi Chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường cao đẳng bao gồm:
- Trường hợp bản chính Chứng chỉ bị mất hoặc hư hỏng mà không sử dụng được, nếu sinh viên đã được cấp Chứng chỉ có yêu cầu thì được cấp lại Chứng chỉ.
Trường hợp Chứng chỉ hư hỏng mà không sử dụng được, khi cấp lại, sinh viên phải nộp lại Chứng chỉ đã cấp. Chứng chỉ được cấp lại có ghi “Cấp lại” tại mặt sau và cột ghi chú của Sổ cấp Chứng chỉ có ghi “Cấp lại”.
Chứng chỉ được cấp lại có giá trị như bản chính;
- Trường hợp Chứng chỉ đã cấp nhưng phát hiện bị viết sai, in sai hoặc sinh viên được cấp Chứng chỉ được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc xác nhận việc thay đổi hoặc cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch theo quy định của pháp luật, nếu sinh viên đã được cấp Chứng chỉ có yêu cầu thì được cấp đổi Chứng chỉ.
Khi cấp đổi, sinh viên được cấp phải nộp lại Chứng chỉ đã cấp. Chứng chỉ được cấp đổi có ghi “Cấp đổi” tại mặt sau và cột ghi chú của Sổ cấp Chứng chỉ có ghi “Cấp đổi”. Chứng chỉ được cấp đổi có giá trị như bản chính;
- Thẩm quyền cấp lại, cấp đổi Chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh:
+ Hiệu trưởng trường cao đẳng đủ điều kiện và được tổ chức dạy, học giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định của pháp luật;
+ Giám đốc trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh cấp Chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định về liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh.
Thông tư 15/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/10/2022.
2. Hình thức triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên trường nghề
Đây là nội dung tại Thông tư 14/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/8/2022 quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Cụ thể, Điều 7 Thông tư 14/2022/TT-BLĐTBXH quy định hình thức triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên trường nghề như sau:
- Tổ chức chương trình, hành trình, ngày hội tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp cho người học.
- Tổ chức hội thảo, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp.
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho người học thông qua các hoạt động câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm về ngành nghề; các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, giao lưu tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đơn vị sử dụng lao động.
- Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp và tư vấn nghề nghiệp thông qua các tiết học, chương trình hướng nghiệp.
- Tổ chức thông tin, tư vấn nghề nghiệp cho người học thông qua video clip, hình ảnh; qua tài liệu, ấn phẩm và các phương tiện truyền thông.
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn nghề nghiệp giáo dục nghề nghiệp.
- Phối hợp với tổ chức Đoàn, Hội trong việc triển khai các hoạt động tư vấn nghề nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, học sinh.
- Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Thông tư 14/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/10/2022.
3. Mức chi bồi dưỡng chuyên môn giảng viên, giáo viên đào tạo tài năng văn hóa, nghệ thuật
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 54/2022/TT-BTC (có hiệu từ ngày 05/10/2022) quy định về quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước để thực hiện các Đề án đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao.
Trong đó, quy định nội dung và mức chi bồi dưỡng, tập huấn, chuẩn hóa, nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý đào tạo và hướng dẫn học sinh, sinh viên tài năng ở trong nước và thực tập ở nước ngoài như sau:
- Đối với bồi dưỡng, tập huấn trong nước: Thực hiện theo quy định tại Thông tư 36/2018/TT-BTC;
- Đối với bồi dưỡng, tập huấn và thực tập ngắn hạn ở nước ngoài (thời gian dưới 03 tháng đối với đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý; dưới 06 tháng đối với học sinh, sinh viên):
+ Đối với các chi phí bắt buộc phải trả cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài:
Thực hiện thanh toán theo thông báo hoặc hóa đơn học phí của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài hoặc chứng từ, hóa đơn hợp pháp do cơ sở dịch vụ ở nước ngoài ban hành hoặc theo hợp đồng cụ thể do cấp có thẩm quyền ký kết (chi bằng đồng đô la Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại);
+ Chi sinh hoạt phí và các khoản chi phí khác (gồm chi phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa, bảo hiểm y tế bắt buộc, vé máy bay khứ hồi):
++ Đối với khóa học dưới 03 tháng: Thực hiện theo quy định tại Thông tư 102/2012/TT-BTC.
Việc thanh toán căn cứ theo thời gian thực tế bồi dưỡng, tập huấn và thực tập ở nước ngoài theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
++ Đối với khóa học trên 03 tháng: Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 54/2022/TT-BTC.
4. Bổ sung quy định thay đổi hồ sơ trong hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 08/2022/TT-BYT ngày 05/9/2022 quy định việc đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, trong đó, bổ sung quy định thay đổi hồ sơ trong hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc.
Cụ thể, thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc là 05 năm kể từ ngày cấp hoặc gia hạn, trừ các trường hợp sau đây thì thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành là 03 năm:
- Thuốc mới, vắc xin lần đầu cấp giấy đăng ký lưu hành, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự lần đầu cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam;
- Thuốc cùng dược chất, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế với thuốc mới mà thuốc mới đó chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành với thời hạn 05 năm;
- Các trường hợp tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả theo ý kiến tư vấn của Hội đồng;
- Thuốc thuộc trường hợp quy định nêu trên nhưng tại thời điểm nộp hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành mà chưa có báo cáo an toàn, hiệu quả vì lý do chưa lưu hành hoặc có báo cáo an toàn, hiệu quả nhưng số lượng thuốc sử dụng, số lượng bệnh nhân, thời gian sử dụng còn hạn chế theo ý kiến của Hội đồng hoặc có khuyến nghị của cơ sở khám chữa bệnh về việc cần tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả.
Lưu ý:
- Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký gia hạn: Trong vòng 12 tháng trước khi giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực, cơ sở đăng ký phải nộp hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành.
- Trường hợp có thay đổi hồ sơ hành chính trong hồ sơ gia hạn, sau 12 tháng kể từ ngày ban hành Quyết định gia hạn giấy đăng ký lưu hành, cơ sở phải thực hiện các nội dung thay đổi đã được phê duyệt trong hồ sơ gia hạn. (Quy định mới bổ sung)
Thông tư 08/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 20/10/2022 và thay thế Thông tư 32/2018/TT-BYT.
Theo thuvienphapluat.vn