Những bước phát triển của bộ môn Vật – Jujitsu

Bộ môn Vật - Jujitsu (tiền thân là bộ môn Vật) được thành lập cuối năm 1998. Đây là một trong 5 bộ môn thể thao thành tích cao đầu tiên sau tái lập tỉnh (cùng với bóng chuyền nữ, điền kinh, cờ vua, bơi lặn) của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu (HLTĐ) Thể thao tỉnh.

Nhớ lại những ngày đầu tiên của bộ môn, ông Nhữ Mạnh Tùng, Phó Giám đốc kiêm phụ trách bộ môn Vật - Jujitsu, Trung tâm HLTĐ Thể thao kể: Quê tôi ở Thanh Liêm - vùng đất có rất nhiều lễ hội vật võ, trong đó có Hội vật Liễu Đôi nên tình yêu đến với bộ môn này rất tự nhiên. Đỗ Đại học Thể dục Thể thao (TDTT) Bắc Ninh, tôi chọn chuyên ngành Vật võ cũng vì lẽ đó. Là sinh viên, nhưng giải vật võ nào của Thanh Liêm, hay của tỉnh tôi đều tham gia, với những kiến thức học được tôi còn hướng dẫn anh em trong đội. Nhưng tôi biết Hà Nam có đội tuyển vật một cách tình cờ khi được xem giải đấu vật khu vực tổ chức ở xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) năm 1999. Hè năm đó ra trường, mặc dù đã đỗ viên chức ngành giáo dục nhưng tôi lại xin vào Sở Thể dục Thể thao (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm hợp đồng. Bộ môn Vật của trung tâm lúc đó có 10 vận động viên (VĐV) nam được chọn từ các lò võ nổi tiếng của Hà Nam. Công việc ban đầu của tôi là đi phát triển câu lạc bộ (CLB) tuyến 2 kiêm VĐV thi đấu. Lúc đó bộ môn Vật có 3 CLB tuyến 2, tôi phụ trách CLB tuyến 2 ở Liêm Túc.

Nguyễn Thị Minh Vượng nhận HCV nội dung NewzaGi tại Giải Jujitsu Vô địch trẻ châu Á 2024.

Trong vai trò VĐV thi đấu thành tích cao, giải đầu tiên tôi thi đấu là Giải Cúp Tạp chí Nông thôn mới cuối năm 1999, đoạt Huy chương Đồng (HCĐ). Sau giải thi đấu này, tôi dần tiếp cận với đội tuyển tỉnh. Vừa làm tuyến 2, vừa là huấn luyện viên đội tỉnh kiêm VĐV thi đấu đến năm 2002 khi bộ môn Vật được chỉ đạo tập thêm cả nội dung vật tự do, tôi về làm huấn luyện viên nội dung này. Bộ môn dần gặt hái được nhiều thành công ở các giải Vật dân tộc, Vật dân tộc trẻ và Vật tự do trẻ toàn quốc và đạt nhiều thứ hạng toàn đoàn. Đặc biệt, tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2002, lần đầu tiên Hà Nam có Huy chương Vàng (HCV) nội dung vật dân tộc. Những VĐV nổi bật nhất thời kỳ này có thể kể đến Đoàn Chí Linh (hiện là Huấn luyện viên Bộ môn Vật - Jujitsu), Đỗ Thế Anh và Nguyễn Duy Trinh.

Để phát triển bộ môn và tăng thêm các nội dung thi đấu, năm 2002, Sở TDTT định hướng phát triển nội dung vật tự do nữ. Các VĐV nữ bắt nhịp khá nhanh, có nhiều VĐV thi đấu giải trẻ, giải vô địch quốc gia đoạt huy chương các loại. Tại Đại hội TDTT 2006, Đoàn Hà Nam giành 1 Huy chương Bạc (HCB) nội dung vật tự do nữ. Lúc này, đội ngũ VĐV nam đã qua thời đỉnh cao, công tác tuyển chọn cũng khó khăn hơn nên đến năm 2008, bộ môn chính thức không còn VĐV nam. Ngược lại, các VĐV nữ dần dần được tăng lên và đạt nhiều thành tích ấn tượng hơn; ngoài các giải quốc gia, có thể thấy thành tích của các VĐV nữ bộ môn qua các kỳ đại hội.

Ở Đại hội TDTT 2010, nội dung vật tự do nữ, Đoàn Hà Nam đoạt 2 HCB, 2 HCĐ; Đại hội TDTT 2014 đoạt 3 HCB, 2 HCĐ; Đại hội 2018 đoạt 2 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ, trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến VĐV Trần Thị Hương. Năm 2010, Trần Thị Hương được tuyển chọn vào đội tuyển năng khiếu bộ môn Vật. Qua 3 năm tập luyện, năm 2013, Hương được triệu tập vào đội tuyển quốc gia. Từ năm 2013 - 2018, trong màu áo đội tuyển quốc gia, Hương nhiều lần đoạt HCV, HCB tại giải Vật Vô địch Đông Nam Á và Vô địch trẻ Đông Nam Á. Đặc biệt, năm 2016 tham gia Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (ASIAN BEACH GAME) tổ chức tại Đà Nẵng, kết quả Hương đoạt 1 HCV hạng cân trên 75 kg; năm 2018 tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII, Hương đã xuất sắc giành HCV, góp phần vào thành tích chung của đơn vị.

Năm 2020, nhận thấy Jujitsu là bộ môn có nhiều lợi thế nên lãnh đạo phụ trách bộ môn đã tham mưu với trung tâm bổ sung bộ môn này vào bộ môn Vật, từ đó bộ môn Vật - Jujitsu ra đời. Lúc này bộ môn có hơn 30 VĐV, trong đó có 10 VĐV nam, các VĐV không có khả năng phát triển thành tích cao vô địch được đưa sang tập luyện Jujitsu. Cuối năm 2020, tham gia lần đầu tiên môn Jujitsu tại Giải Vô địch các CLB toàn quốc, Hà Nam giành được 2 HCB và 2 HCĐ; năm 2021 thi đấu Giải Jujitsu Vô địch trẻ toàn quốc, Hà Nam giành 1 HCV, 4 HCB và 7 HCĐ, đứng thứ Ba toàn đoàn nội dung Newaza Gi và Newaza NoGi của nữ; VĐV Lê Thị Thương của Hà Nam được gọi vào Đội tuyển nữ Jujitsu quốc gia.

Nhằm nâng cao số lượng và chất lượng VĐV, năm 2022, trung tâm đã chuyển 15/36 VĐV từ môn Vật sang Jujitsu. Được sự quan tâm đầu tư và tạo mọi điều kiện trong huấn luyện, thi đấu, năm 2022, tại Giải Jujitsu Vô địch trẻ quốc gia do Hà Nam đăng cai tổ chức, Jujitsu Hà Nam giành được 7 HCV, 16 HCB và 22 HCĐ, xếp thứ Nhất toàn đoàn ở nội dung Newaza Gi U18 tuổi; Nhất toàn đoàn nội dung Newaza NoGi U18 và xếp thứ Ba toàn đoàn nội dung Newaza Gi U21. Cũng trong năm 2022, thi đấu giải CLB, Hà Nam giành được 4 HCB và 9 HCĐ. Đặc biệt, tham gia Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IX năm 2022, ở môn Jujitsu, Đoàn Hà Nam giành được 2 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ; đồng thời, hai VĐV Lê Thị Thương và Nguyễn Thị Minh Vượng được gọi tập trung Đội tuyển quốc gia thi đấu SEA Games 2023.

Sang năm 2023, Jujitsu tiếp tục phát triển và giành nhiều thành tích với tổng số 76 huy chương các loại. Đặc biệt, tham dự Asiad 2023 tại Hàng Châu (Trung Quốc) Hà Nam đã đóng góp 2 trong tổng số 7 VĐV thi đấu môn Jujitsu cho Việt Nam. Với bước đệm này, tại Giải vô địch Jujitsu châu Á và Vô địch trẻ châu Á năm 2024 vừa được tổ chức tại DuBai các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Hà Nam có 2 VĐV được gọi vào đội truyển quốc gia tham gia thi đấu, đó là Trần Hồng Ân và Nguyễn Thị Minh Vượng. Hồng Ân thi đấu ở hạng cân dưới 52 kg và dưới 57 kg ở các nội dung NewzaGi, Finghting, Duo Show giải trẻ U18, giành 1 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ. Minh Vượng thi đấu ở hạng cân dưới 57 kg hai nội dung NewzaGi, Finghting giải U21, giành 1 HCV, 1 HCB và ở hạng cân 57 kg thi đấu hai nội dung Fullcontac, Finghting giải vô địch giành 2 HCĐ. Đặc biệt, hai VĐV trên đều giành 2 HCV ở nội dung cơ bản nhất của môn Jujitsu là NewzaGi hạng cân 52kg và 57kg, là nội dung có trong chương trình thi đấu của các kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) và Đại hội Thể thao châu Á (Asiad).

Với sự phát triển mạnh mẽ của bộ môn Vật - Jijitsu, tới đây, trung tâm định hướng đưa thêm môn Võ thuật Sambo vào tập luyện. Sambo là một môn thể thao võ thuật và chiến đấu của Nga có nghĩa là "tự vệ không vũ khí". Được biết, Sambo thể thao cho phép nhiều loại đòn khóa chân khác nhau, trong khi không cho phép đòn làm nghẹt thở. Nó cũng có những đòn tập trung vào ném, vật dưới đất và khóa, với rất ít hạn chế trong việc nắm và giữ. Tuy là một môn thể thao mới, nhưng Sambo đã được đưa vào hệ thống giải quốc gia. Với lợi thế bộ môn Vật - Jujitsu đạt được nhiều thành tích cao và kỹ thuật có nhiều nét tương đồng nên rất thuận tiện để đưa Sambo vào tập luyện và với khả năng chuyển tốt kỹ xảo sang Sambo sẽ giúp cho bộ môn mũi nhọn này giành được nhiều thành tích hơn nữa, góp phần đưa thể thao thành tích cao của Hà Nam lên một tầm cao mới.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy