kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Xử trí mụn trứng cá

Xử trí mụn trứng cá

Giữ vệ sinh da mặt, không tự ý nặn mụn khiến da tổn thương, hạn chế mặc đồ bó sát và lựa chọn sản phẩm trang điểm uy tín, phù hợp để hạn chế mụn.

Bác sĩ Đỗ Kim Anh, Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ công nghệ cao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết mụn trứng cá là vấn đề mà bác sĩ da liễu thường xuyên khám, tư vấn và điều trị cho bệnh nhân. Mỗi người, mỗi độ tuổi có tình trạng bệnh khác nhau, không phải ai cũng biết cách chăm sóc và xử trí đúng.

Theo bác sĩ, trứng cá hay gặp ở trẻ tuổi dậy thì. Phụ huynh có con trong độ tuổi này, thường lo lắng về tình trạng "trứng cá học đường" có thể gây ra những tác động tiêu cực về tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình học tập, nếu xử trí không đúng còn để sẹo mụn và thâm mụn lâu dài.

Bốn cơ chế gây ra mụn là tăng tiết bã, sừng hóa nang lông (rối loạn chu kỳ trưởng thành của tế bào sừng, rối loạn thành phần chất tiết bã), bít tắc lỗ chân lông và hoạt động của vi khuẩn gây trứng cá. Mụn thường mọc ở các vị trí như trán, mũi, má, cằm, ngực, lưng, cánh tay, mông...

Nguyên nhân gây trứng cá do tăng tiết bã nhờn, quá trình sừng hóa, bít tắc lỗ chân lông và hoạt động của vi khuẩn gây trứng cá. Ngoài ra, còn phải kể đến hàng loạt yếu tố nguy cơ khác như chế độ ăn với nhiều đường sữa, tinh bột hoặc đồ ăn nhanh, sử dụng thuốc điều trị bệnh, nội tiết, nghề nghiệp, stress hoặc các yếu tố cơ học như chà xát, cậy nặn, mặc đồ chật...

Xử trí mụn trứng cá

Trường hợp bị mụn viêm nhẹ có thể điều trị bằng thuốc bôi được bác sĩ kê đơn. Trường hợp không đáp ứng điều trị tại chỗ sẽ cần điều trị toàn thân, liệu trình 1-3 tháng hoặc hơn tùy theo tình trạng mụn và khả năng đáp ứng của mỗi người.

Để xử trí mụn, nên rửa mặt một đến hai lần bằng sản phẩm rửa mặt phù hợp cho da mụn, tốt nhất là sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ. Massage nhẹ nhàng theo vòng tròn, không dùng lực mạnh để tránh tổn thương da sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

Không tự ý nặn mụn khiến da tổn thương, vi khuẩn mụn dễ dàng xâm nhập và lây lan ra các vùng da xung quanh, gây ra sẹo và vết thâm. Ngoài ra, rạch, chích, lể mụn không phải là phương pháp an toàn và không nên áp dụng định kỳ trên da có mụn. Kỹ thuật này chỉ được áp dụng trong một số tình huống đặc biệt như ổ mủ đã hóa mềm, cồi cứng, to trên da.

Hạn chế chạm vào da như dùng tay sờ, dùng điện thoại áp vào má, cùng vỏ gối kém vệ sinh... Chạm vào da mặt thường xuyên khiến vi khuẩn gây mụn lây lan, gây bít lỗ chân lông, da sẽ bị viêm tấy và bỏng rát.

Giữ sạch tóc và hạn chế để tóc chạm vào da mặt, tránh mang bụi bẩn và dầu bám vào lỗ chân lông. Không nên đeo khẩu trang quá chật và cần chú ý thay khẩu trang khi bị dơ bẩn hoặc bị ẩm ướt.

Hạn chế mặc đồ bó sát khiến mồ hôi, vi khuẩn tích tụ nhiều hơn gây tình trạng mụn thêm nghiêm trọng. Nếu bạn bị mụn ở các vị trí khác trong cơ thể như vùng lưng, hãy tránh mặt đồ bó sát và tránh các chất liệu không thấm hút mồ hôi.

Khi chọn mỹ phẩm trang điểm, hãy chọn các thương hiệu không gây mụn và nhất định phải làm sạch da trước khi đi ngủ. Tẩy trang giúp cho lỗ chân lông luôn được thông thoáng, mụn sẽ tránh xa da của bạn...

Ăn uống khoa học với nhiều nước và rau xanh. Không nên ăn đồ cay nóng, không nên uống rượu bia, hạn chế ăn đồ ngọt, không ăn đồ chiên rán giúp hạn chế mụn đặc biệt là tình trạng mụn viêm.

Bác sĩ khuyến cáo, trường hợp bị mụn và không tự chăm sóc có thể đến chuyên khoa da liễu để có phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân, từng thể bệnh cũng như mức độ bệnh nặng hay nhẹ, chữa dứt điểm và không để lại sẹo, thâm.

VNE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy