Polyvac đang thương thảo với đối tác Nga để chuyển giao công nghệ sản xuất và nhập vaccine Sputnik V thành phẩm về Việt Nam, dự kiến sản xuất được vaccine trong năm nay.
Đại diện Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất Vaccine và Sinh phẩm y tế (Polyvac), Bộ Y tế, cho biết đang thương thảo nhập vaccine Sputnik V thành phẩm về sử dụng ngay. Bộ Y tế đã cấp phép cho hoạt động nhập khẩu này, ngày 23/3.
Kế hoạch hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ vaccine Sputnik V chia thành hai giai đoạn. Bước đầu, đối tác Nga cung cấp bán thành phẩm, trung tâm sẽ tận dụng cơ sở sẵn có, dựa trên những hướng dẫn chi tiết từ đối tác để sản xuất công đoạn cuối cùng trong quy trình, tạo ra thành phẩm với công suất khoảng 50 triệu liều mỗi năm.
Ở giai đoạn hai, khi việc chuyển giao công nghệ đã hoàn tất, Polyvac chủ động sản xuất vaccine từ đầu đến cuối. Việc này cần thời gian dài hơn, kinh phí nhiều hơn.
Theo đại diện của đơn vị, thuận lợi của Polyvac là có sẵn đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất đáp ứng được một số công đoạn sản xuất vaccine Sputnik V. Trung tâm không cần đầu tư thêm đã sản xuất được vaccine Sputnik V thành phẩm từ bán thành phẩm nhập khẩu. Đồng thời, Polyvac nhận được sự ủng hộ về mặt chủ trương của Bộ Y tế, phía đối tác Nga cũng sẵn sàng hợp tác.
Tuy nhiên, để đảm bảo vận hành được toàn bộ các quy trình sản xuất vaccine Sputnik V, thì phải đầu tư thêm các trang thiết bị phù hợp với công nghệ của Nga, với kinh phí lớn. Trong khi đó, việc mua sắm, tiếp nhận thiết bị trong tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay rất khó khăn.
Polyvac cũng đang tự nghiên cứu và sản xuất vaccine Covid-19. Vaccine dùng công nghệ tái tổ hợp gene, giống Sputnik V, nhưng dựa trên loại vec tơ khác là virut sởi. Polyvac đã có quy trình công nghệ sản xuất vaccine chuẩn, nếu thành công sẽ hỗ trợ cho quá trình sản xuất nhanh hơn.
Hiện, Polyvac sản xuất bốn loại vaccine nội, gồm sởi, sởi - rubella, bại liệt và rotavirus. Các vacccine này được sản xuất và cung ứng trung bình 20 triệu liều mỗi năm, đủ đáp ứng 100% nhu cầu của thị trường trong nước.
Vaccine Sputnik của Nga, (hay VGam-COVID-Vac), được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm do công ty Generium của Nga sản xuất, đóng gói. Mỗi lọ dung tích ba ml, chứa năm liều. Sputnik V dựa trên công tái tổ hợp gene, sử dụng virus vô hại đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch.
Sputnik V đã được phê duyệt sử dụng tại hơn 50 quốc gia. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng công bố trên tạp chí Lancet, vaccine hiệu quả 91,6%, là một trong ba vaccine Covid-19 trên thế giới đạt hiệu quả trên 90%. Kết quả sơ bộ, Sputnik V hai liều có hiệu quả cao, đáp ứng tốt ở tình nguyện viên trên 18 tuổi.
Tháng 12 năm ngoái, Belarus trở thành nước đầu tiên ngoài Nga phê duyệt Sputnik V. Việt Nam là nước thứ 56 phê duyệt khẩn cấp sử dụng vaccine này. Sputnik V được Việt Nam phê duyệt dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Polyvax cung cấp cho Bộ Y tế, tính đến ngày 25/2 và cam kết về tính chính xác của các tài liệu đã cung cấp. Đây là vaccine phòng Covid-19 thứ hai được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng, sau AstraZeneca.
Để thêm nguồn cung ứng vaccine Covid-19, từ tháng 3/2021, Bộ Y tế khuyến khích tất cả doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với đối tác thế giới. Mục tiêu là tăng độ bao phủ tiêm vaccine Covid-19 cho người dân, chủ động đẩy lùi dịch bệnh.
Theo đó, ngoài Polyvax đàm phán nhập khẩu và chuyển giao công nghệ sản xuất Sputnik V, tập đoàn AMV, Vabiotech, Vimedimec cũng đang tiếp cận với các đối tác khác từ Mỹ và Ấn Độ; Bộ Y tế và các đơn vị cung ứng vaccine, dược đang làm việc với hãng Johnson & Johnson và Moderna. Ngày 18/5, Bộ Y tế đã kí hợp đồng với Công ty Pfizer, mua 31 triệu liều vaccine, hàng sẽ về vào cuối năm 2021.
Việt Nam đã nhận ba đợt vaccine Covid-19, đều của hãng AstraZeneca. Đợt đầu tiên, tháng 2, 117.600 liều, Bộ Y tế nhập về thông qua hợp đồng của Công ty Vaccine Việt Nam (VNVC); đợt thứ hai và ba, vaccine do cơ chế Covax cung cấp, lần lượt là 800.000 và 1.682.400 liều.
Ngoài nguồn nhập khẩu, Bộ Y tế đang thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước. Hiện, Việt Nam có bốn đơn vị nghiên cứu vaccine theo các hướng khác nhau.
Công ty vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) dùng công nghệ cài đặt kháng nguyên nCoV trên giá thể là virus Baculo.
Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (Ivac) sử dụng công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi.
Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen đang phát triển hai ứng viên vaccine là loại dựa trên S-protein và vaccine VLP (Virus like particles) sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp.
Polyvac sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên nCoV trên giá thể là virus sởi.
VNE