Hầu hết người mắc ung thư phổi ở giai đoạn đầu không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, dễ nhầm lẫn với bệnh lý đường hô hấp khác, 70% bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn.
Ung thư phổi là một khối mô bất thường, phát triển quá mức và không hài hòa với những tổ chức bình thường kế cận. Theo Globocan, năm 2020, Việt Nam có hơn 26.000 người mắc mới ung thư phổi, là một trong những bệnh ung thư thường gặp, tỷ lệ tử vong cao thứ hai chỉ sau ung thư gan.
Nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên nhân tác động gây bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh... Đặc biệt khi có nhiều yếu tố phối hợp với nhau, nguy cơ mắc bệnh càng tăng.
Bác sĩ Nguyễn Đức Hạnh (Phó Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Phổi Trung ương), tại Hội nghị khoa học bệnh phổi toàn quốc, mới đây cho biết ung thư phổi là căn bệnh phổ biến song giai đoạn đầu lại không có triệu chứng rõ ràng, phần lớn bệnh nhân khi đến khám đều đã ở giai đoạn muộn, quá trình điều trị kéo dài và không còn hiệu quả.
Theo bác sĩ Hạnh, hiện chưa có một biện pháp nào hiệu quả và đơn giản để tầm soát, phát hiện sớm ung thư phổi. Điều quan trọng là bác sĩ hô hấp ở tuyến cơ sở luôn cần có suy nghĩ rằng những tổn thương trên phổi đều có thể là tổn thương ung thư.
"Những tổn thương rất rõ ràng, đặc biệt là khối mờ trên X-quang phổi thì rất dễ để nhận diện. Tuy nhiên, vấn đề là trong phổi có nhiều hình thái tổn thương không đặc hiệu, tổn thương dạng mờ, dạng đám, dạng viêm nên rất dễ nhầm sang viêm phổi, lao phổi hoặc các bệnh lý khác ở phổi", bác sĩ Hạnh nói.
Ở giai đoạn đầu, người mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình. Triệu chứng thường gặp là ho, chiếm khoảng 70% trường hợp, đây là dấu hiệu ung thư phổi có khả năng xuất hiện sớm nhất. Một số bệnh nhân sẽ ho ra máu nếu khối u gần với phế quản.
Cảm giác khó thở là một dấu hiệu sớm khác của ung thư phổi. Khó thở cũng xuất hiện ở các giai đoạn sau của bệnh, khi có một khối u cản trở đường thở. Ung thư phổi di căn đến thành ngực hoặc sưng các hạch bạch huyết ở khu vực này thì có thể gây đau nhức ở ngực, lưng hoặc vai. Đau ngực do ung thư phổi sẽ nghiêm trọng hơn khi ho, cười hoặc thở sâu.
Khi xác định ung thư phổi, đầu tiên bác sĩ phải kiểm tra xem bệnh đang ở giai đoạn nào. Mỗi một giai đoạn có biện pháp điều trị khác nhau. Phẫu thuật là phương pháp cho giai đoạn sớm 1, 2.
Giai đoạn 3, tức là khối u có kích thước khá lớn hoặc xâm lấn các thành phần lân cận hoặc di căn hạch vùng. Trước đây, ở giai đoạn này bệnh nhân không phẫu thuật được, hóa chất kết hợp với xạ trị là phương pháp cơ bản. Hiện có nhiều phương pháp mới trong điều trị ung thư phổi giai đoạn 3 như điều trị đích, điều trị miễn dịch, bệnh nhân có nhiều cơ hội để tiếp cận với các phác đồ ưu việt hơn, giúp kéo dài thời gian và nâng cao chất lượng sống.
"Người bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm 1, 2 thì tiên lượng tốt vì khi đó điều trị được triệt căn, tỷ lệ sống trên 5 năm ở giai đoạn 1 lên 70-90%, giai đoạn 2 từ 50-70%. Phát hiện càng sớm thì cơ hội điều trị và thời gian sống kéo dài tốt hơn rất nhiều", bác sĩ Hạnh nói.
Bác sĩ khuyến cáo, mọi người cần khám sức khỏe định kỳ hàng năm 1-2 lần, chụp phim phổi thường quy cũng có thể phát hiện bất thường trên phổi. Nếu thêm các triệu chứng bất thường về hô hấp như ho, khó thở, khạc đờm, cần khám ngay để tầm soát ung thư và điều trị kịp thời.
VNE