Thông thường tiêm chủng vaccine lao để lại một vết sẹo ở vị trí tiêm, nhiều người không có sẹo vẫn xuất hiện kháng thể bảo vệ.
Lao là một trong 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần thực hiện tiêm vaccine bắt buộc. Tất cả trẻ sơ sinh đều được tiêm chủng vaccine phòng bệnh lao nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn tiêm chủng, tức là không có các chống chỉ định hoặc hoãn tiêm.
Hiện, vaccine phòng bệnh lao sử dụng tại Việt Nam là BCG, được tiêm một liều duy nhất, không cần tiêm nhắc lại. Song, không phải ai cũng hiểu đúng để tiêm phòng hiệu quả.
Tiêm BCG không chống lại hoàn toàn sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC, cho biết BCG không chống lại hoàn toàn sự xâm nhập của vi khuẩn lao gây bệnh, nhưng có khả năng hạn chế 70% nguy cơ các thể lao nặng và các biến chứng lao nguy hiểm như lao xương, lao khớp, lao kê, lao màng não.
Vaccine tiêm trong da, liều lượng đối với trẻ dưới một tuổi là 0,05 mg BCG/ 0,1 ml còn trẻ trên một tuổi 0,1 mg BCG/ 0,1 ml.
Tiêm BCG có thể không để lại sẹo
"Không có sẹo BCG sau khi tiêm chủng không chứng tỏ được trẻ không được bảo vệ, cũng không khuyến cáo chỉ định tiêm lại vaccine lao", bác sĩ Chính nhấn mạnh. Do đó, điều cần thiết là phải chắc chắn trẻ đã được tiêm vaccine lao. Phụ huynh không nhớ con mình đã tiêm chủng lao chưa, nên xem lại tiền sử tiêm chủng của trẻ qua sổ tiêm chủng cá nhân hoặc thông báo cho cán bộ y tế truy xuất tiền sử tiêm chủng vaccine thông qua phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
Thời điểm vàng tiêm BCG là một tháng đến một năm sau sinh
Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vaccine phòng lao cho trẻ trong vòng một tháng đến một năm sau sinh. Nếu quá thời hạn tiêm phòng, trẻ dễ mắc bệnh lao hơn bé đã được tiêm hoặc có thể nhiễm lao ngay những ngày đầu sau sinh. Lúc này hệ miễn dịch của trẻ còn yếu ớt nên không có đủ khả năng tự bảo vệ cơ thể trước mọi tác nhân xâm nhập.
Tiêm vaccine phòng lao sau một năm tuổi chỉ có tác dụng phòng bệnh khi cơ thể trẻ chưa bị nhiễm khuẩn lao. Chỉ hoãn tiêm BCG khi trẻ đang bị nhiễm khuẩn cấp, sốt cao, có bệnh ngoài da trên diện rộng, bị suy giảm miễn dịch nặng, suy dinh dưỡng nặng, trẻ thiếu cân (dưới 2 kg) và các tiêu chuẩn hoãn tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Trẻ sinh non, bé có vấn đề về sức khỏe cần theo dõi, chăm sóc đặc biệt, phải đợi đến khi thể trạng tốt, mới tiến hành tiêm phòng lao.
Không tiêm BCG cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà mẹ không được điều trị dự phòng lây truyền sang con, hoặc các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Tác dụng phụ khi tiêm vaccine lao
Thông thường ngay sau khi tiêm BCG, da sẽ xuất hiện một nốt nhỏ tại chỗ tiêm và biến mất sau 30 phút. Khoảng hai tuần sau tiêm, chỗ tiêm xuất hiện một vết loét đỏ có kích thước nhỏ, tự lành sau hai tuần và để lại sẹo nhỏ khoảng 5 mm.
Rất hiếm trường hợp sau khi tiêm chủng có dấu hiệu nhiễm trùng BCG toàn thân, viêm hoặc sưng hạch mủ ngoại vi. Nếu có, người bệnh sẽ được tiến hành điều trị nhiễm trùng BCG theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nguy cơ tai biến sau tiêm là rất thấp và hoàn toàn có thể phòng ngừa.
Không nên để trẻ bị đói trước khi đi tiêm chủng để đảm bảo trẻ có thể trạng tốt khi đi tiêm chủng và hạn chế các phản ứng sau tiêm vaccine. Chủ động thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con trong những trường hợp như đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước. Người nhà nên đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm chủng.
Sau khi tiêm phòng lao, bố mẹ cho trẻ ăn uống bình thường và theo dõi sau tiêm chủng 30 phút tại điểm tiêm và ít nhất 24 giờ sau tiêm tại nhà.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo nên đưa trẻ tới bệnh viện để kịp thời xử lý khi phát hiện những dấu hiệu bất thường sau tiêm vaccine phòng lao, bao gồm sốt cao trên 39 độ C, khó đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt kéo dài trên 24 giờ, sốt xuất hiện sau 12 giờ tiêm chủng.
Trẻ quấy khóc kéo dài, kém tương tác với cha mẹ, trẻ mệt xỉu, li bì và hôn mê, co giật, nôn trớ, bú kém, bỏ bú, phát ban. Một số trường hợp nguy hiểm khác như thở nhanh, khó thở co kéo hõm ức, thở rên, thở ậm ạch, tím môi da nổi vân tím.
Những phản ứng nặng sau tiêm chủng thường hiếm gặp và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện xử trí kịp thời.
Mới đây một học sinh nghèo ở TP HCM tử vong do lao ruột. Người mẹ không nhớ đã tiêm ngừa lao cho con chưa.
Thùy An