Một nghiên cứu mới từ Phần Lan cho thấy đàn ông có xu hướng già nhanh hơn phụ nữ về mặt sinh học. Điều này đến từ khác biệt ngoại hình và những thói quen xấu, điển hình như hút thuốc lá.
Mặc dù tuổi thọ trung bình ở các quốc gia phương Tây có xu hướng tăng cao trong thế kỷ 20, song phụ nữ vẫn có tuổi thọ cao hơn nam giới. Tính riêng tại Phần Lan, phụ nữ thường sống lâu hơn nam giới trung bình 5 năm.
Trên thực tế, khoảng cách đáng kể nhất được ghi nhận vào những năm 1970, khi tuổi thọ của phụ nữ cao hơn nam giới tới 10 năm. Tuy nhiên, sự chênh lệch này đã nhanh chóng được thu hẹp trong những năm gần đây.
Theo một nghiên cứu mới được công bố từ Đại học Jyväskylä ở Phần Lan, sự khác biệt giữa 2 giới đang có những thu hẹp đáng kể trong quá trình lão hóa sinh học.
Cụ thể, nghiên cứu ghi nhận nam giới già nhanh hơn so với phụ nữ cùng độ tuổi về mặt sinh học. Sự khác biệt này càng được gia tăng đáng kể ở nhóm người cao tuổi.
Để đánh giá tuổi sinh học của những người tham gia, nhóm nghiên cứu sử dụng "đồng hồ biểu sinh". Đây là một phương pháp cho phép nghiên cứu các biến số liên quan đến tuổi thọ khi đối tượng vẫn còn sống.
Bằng công cụ này, các nhà nghiên cứu có thể ước tính tuổi sinh học của ứng viên theo năm dựa trên mức độ methyl hóa DNA được đo trong mẫu máu.
Theo Anna Kankaanpää, đại diện nhóm nghiên cứu, thói quen hút thuốc thường xuyên hơn ở nam giới đã giải thích cho khoảng cách giới tính trong quá trình lão hóa ở nam giới so với nữ giới. Ngoài ra, kích thước cơ thể lớn hơn của nam giới cũng ảnh hưởng một phần nhỏ về chênh lệch ở cả hai nhóm giới tính.
"Chúng tôi quan sát thấy sự khác biệt về giới tính trong tốc độ lão hóa. Điều này có thể được giải thích bởi các yếu tố liên quan đến lối sống", Anna cho biết.
Ở chiều ngược lại, những kết quả từ nghiên cứu cũng chứng minh rằng việc giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới sẽ mang đến những kết quả tích cực, khi khoảng cách về tuổi thọ giữa 2 giới đã được thu hẹp trong những thập kỷ gần đây.
Theo scitechdaily.com