F0 tại nhà cần theo dõi nhịp thở, mạch, nhiệt độ, độ bão hòa oxy... nếu có bất thường cần gọi cho nhân viên y tế để xử trí kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Thành Quân, Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành, cho biết trong thời gian cách ly và điều trị Covid-19 tại nhà, người nhiễm và người chăm sóc cần theo dõi các dấu hiệu và diễn biến, kể cả khi bệnh nhân không có triệu chứng.
Để theo dõi hàng ngày, bạn cần chuẩn bị cuốn sổ tay để ghi chép đầy đủ các triệu chứng 2 lần/ngày như nhịp thở, mạch, nhiệt độ, độ bão hòa oxy trong máu - SpO2 (nếu có thể đo), huyết áp (nếu có thể đo) cùng một số triệu chứng khác. Các triệu chứng mệt mỏi, ho, ớn lạnh, gai rét, viêm kết mạch, mất vị giác, tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng số lần mỗi ngày, ho ra máu, thở dốc, khó thở, tức ngực kéo dài... Một số người bị đau họng, nhức đầu, buồn nôn, chán ăn...
"Chúng ta ghi chép thời điểm triệu chứng xuất hiện, tự đánh giá, so sánh với các ngày nặng hay đỡ hơn so với ngày trước", bác sĩ nói.
Nếu có các biểu hiện nặng sau thì cần gọi ngay cho bác sĩ để hỗ trợ:
- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, khò khè, thở rít khi hít vào.
- Nhịp thở tăng. Ở người lớn là từ 21 lần/ phút. Trẻ từ một đến dưới 5 tuổi là từ 40 lần/ phút; Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là từ 30 lần/ phútphút. Lưu ý, khi đếm nhịp thở trẻ em cần đếm đủ trong một phút khi trẻ nằm yên, không khóc. Mỗi một chu kỳ nhịp thở được tính là một lần hít vào thở rara.
- SpO2 dưới 95 % (nếu có máy đo và đo chính xác). Khi phát hiện bất thường cần đo lại lần hai sau lần một từ 30s đến một phút. Khi đó, giữ nguyên vị trí đo, tẩy sơn móng tau trước khi đo.
- Mạch nhanh trên 120 lần/phút hoặc dưới 50 lần/phút.
- Huyết áp tối đa dưới 90 mmHg hoặc huyết áp tối thiếu trên 60 mmHg, nếu có thể đo.
- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
- Thay đổi nhận thức, bệnh nhân cảm thấy lú lẫn, ủ rũ, lơ mơ, rất mệt, mệt lả, không ra khỏi giường hoặc trẻ em quấy khóc, lì bì khó đánh thức, co giật.
- Tím môi, tím đầu ngón tay, móng chân, da xanh, nhợt nhạt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
- Không thể uống, trẻ em bú kém hoặc giảm, ăn kém hoặc có thể nôn.
- Trẻ có thể sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngon tay chân sưng phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết.
Cuối cùng, khi bạn có bất kỳ lo lắng nào cũng báo ngay cho nhân viên y tế để được hỗ trợ và xử trí kịp thời.
VNE