Bệnh giun sán tại nước ta là một bệnh phổ biến, gây nhiều tác hại lâu dài và nghiêm trọng tới sức khỏe. Vậy, cần làm gì để phòng bệnh và hạn chế những biến chứng nguy hiểm từ bệnh giun sán?
TS Đỗ Trung Dũng – Trưởng khoa Ký sinh trùng - Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, hiện nay, tỷ lệ người nhiễm giun sán tại nước ta đã có nhiều thay đổi so với trước đây, ở một số vùng tỷ lệ người nhiễm có giảm nhưng đặc biệt tại vùng núi, số người nhiễm giun sán khá cao, như một số địa bàn của tỉnh Hà Giang có thể lên tới hơn 80%, đối tượng nhiễm giun sán ở trẻ em vẫn còn cao.
Bệnh giun truyền qua đất do ba loại giun tròn gồm giun đũa, giun móc và giun tóc gây ra. Bệnh thường xuất hiện ở các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và vệ sinh kém. Bên cạnh đó, các bệnh ký sinh trùng truyền qua thức ăn cũng là một trong những bệnh rất phổ biến.
Các bệnh lây truyền từ động vật qua người chủ yếu là các loại sán: sán lá gan, sán phổi, sán dây, ấu trùng sán lợn, giun đũa chó, mèo… Hiện nước ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy lùi do liên quan đến các yếu tố về sinh thái, nhất là các yếu tố về vệ sinh môi trường, tập quán ăn uống và các phương thức chăn nuôi gia súc, gia cầm, khó thay đổi của người dân.
Dân gian vẫn truyền tai nhau kinh nghiệm nhận biết khi bị nhiễm giun sán như là ngứa ngoài da, viêm da… Nếu như số lượng giun ít không gây ra triệu chứng đáng kể. Tuy nhiên, nếu giun tồn tại trong cơ thể với số lượng nhiều hơn, chúng sẽ gây ra một loạt các triệu chứng bao gồm: Đau vùng rốn, người bệnh gầy yếu, có thể nôn và đi ngoài ra giun. Đau bụng do nhiễm giun thường tái đi tái lại nhiều lần; Người bị nhiễm giun kim thường bị ngứa ở vùng hậu môn về đêm; Rối loạn tiêu hóa, phân lúc đặc, lúc lỏng, giun kim xuất hiện ở hậu môn hoặc trong phân; Trẻ nhiễm giun thường biếng ăn, khó chịu, hay quấy khóc và khó ngủ về đêm; Có biểu hiện thiếu hụt vitamin và khoáng chất; Trong một số trường hợp, người bị nhiễm giun có máu trong phân, có biểu hiện thiếu máu, thở khò khè hoặc ho khan. Số lượng giun quá nhiều có thể gây ra tắc ruột, phải tiến hành phẫu thuật.
TS Đỗ Trung Dũng cho biết, không ít người dân coi việc nhiễm giun sán là chuyện bình thường, không mấy quan tâm. Tuy nhiên, nếu nhiễm giun sán lâu ngày cơ thể sẽ thiếu chất dinh dưỡng, thiếu máu. Trên thực tế đã từng gặp những trường hợp bệnh rất nặng do nhiễm giun sán.
Nếu nhiễm sán lá gan nhỏ hoặc sán lá gan lớn nếu ở mức độ nhẹ thì triệu chứng không rõ ràng, đa số biểu hiện triệu chứng là khi bệnh chuyển sang quá trình nhiễm mạn tính (thường sau 4 tháng): triệu chứng hay gặp là chán ăn, ăn không ngon, đầy bụng, khó tiêu, ậm ạch, suy dưỡng sụt cân 2-5 kg/ 2 tháng, nhức đầu, đau cơ, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa (phân lỏng và đặc xen kẻ nhau), đau vùng bụng thượng vị-mũi ức hoặc hạ sườn phải, đôi khi đau tức từng cơn. Trường hợp nhiễm lượng sán nhiều có thể dẫn đến tắc mật gây nên triệu chứng vàng da, vàng mắt, ngứa, tiêu hóa kém, viêm hệ đường mật, gây áp xe gan … Nguy hiểm nhất nếu ký sinh trùng làm tổ trong não.
Để tránh những biến chứng nguy hiểm từ bệnh giun sán, TS Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh trùng - Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương khuyến cáo, người dân cần tẩy giun định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm. Với trẻ em từ 1-2 tuổi cần đến gặp bác sĩ trước khi tiến hành tẩy giun để được khám, xét nghiệm và tư vấn cụ thể. Tuy nhiên, tẩy giun định kỳ có tác dụng với các loại giun thông thường, còn đối với những loại sán thì thuốc tẩy giun không có hiệu quả như mong muốn.
Vì thế, để đề phòng bệnh giun sán, người dân phải tuyệt đối giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuyệt đối không nên ăn thịt tái, thịt sống, các loại gỏi hải sản, tiết canh, rau sống…Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi cho trẻ ăn, sau khi vệ sinh cho trẻ…
Cắt móng tay thường xuyên, không đi chân đất, vì ấu trùng giun móc ở ngoài đất có thể đi xuyên qua da kẽ chân để vào máu, vào phổi, vào ruột và sinh sống tại đó và gây bệnh. Quần áo của người bị nhiễm giun sán nên thay giặt thường xuyên, ngâm nước sôi hoặc phơi chỗ có nắng nhiều cho chết trứng giun. Đối với trẻ nhỏ, không để trẻ lê la dưới đất, phải mặc quần có đũng.
Những tác hại của bệnh giun sán đối với sức khỏe con người là rất lớn, đặc biệt khi gặp phải những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Chính vì vậy: "Ăn sạch - Uống sạch- Ở sạch" là những khuyến cáo của các chuyên gia y tế trong phòng bệnh giun sán. Đã đến lúc cần phải nhận thức nghiêm túc về vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống, sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng./.
VOV