Dưới đây là 5 nguyên nhân có thể dẫn đến các vết bầm tím trên cơ thể của bạn.
Vết bầm tím thường là kết quả của chấn thương mô, dẫn đến đổi màu da. Vết bầm hình thành khi có xuất huyết dưới da sau chấn thương và gây tổn thương mạch máu. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cơ thể tự xuất hiện các vết bầm. Điều này có thể là do tình trạng sức khỏe hoặc một số loại thuốc bạn dùng.
Rối loạn chảy máu
Một trong những nguyên nhân phổ biến của vết bầm tím là rối loạn chảy máu. Đây là một nhóm các tình trạng xảy ra khi máu của một người không đông lại hoặc đông rất chậm. Rối loạn chảy máu như bệnh máu khó đông hoặc bệnh von Willebrand là một số nguyên nhân phổ biến nhất gây ra vết bầm tím. Những bệnh như vậy thường do không có protein cần thiết cho quá trình đông máu.
Ung thư
Một số bệnh ung thư liên quan đến máu hoặc tủy xương (bệnh bạch cầu), có thể dẫn đến bầm tím. Những người bị bệnh bạch cầu có khả năng bị bầm tím vì cơ thể họ không sản xuất đủ tiểu cầu để cầm máu. Các vết bầm tím do bệnh này có thể xuất hiện ở những vùng bất thường trên cơ thể.
Uống rượu quá nhiều hoặc bệnh gan
Uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến các vấn đề về gan như xơ gan. Khi các bệnh về gan tiến triển và trở nên phức tạp hơn, nó sẽ hạn chế việc sản xuất protein từ gan, vốn rất quan trọng đối với quá trình đông máu. Điều này có thể dẫn đến chảy máu quá nhiều, gây bầm tím.
Thiếu vitamin C hoặc vitamin K
Thiếu vitamin C có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe như bệnh Scorbut. Điều này sẽ gây chảy máu nướu răng, vết thương không rõ nguyên nhân và dễ bị bầm tím. Ngoài ra, vitamin K, một chất dinh dưỡng quan trọng giúp hình thành cục máu đông và cầm máu, rất quan trọng để ngăn ngừa bất kỳ trường hợp bầm tím nào.
Thuốc làm loãng máu
Thuốc làm loãng máu như aspirin có thể ngăn ngừa đông máu, khiến người bệnh chảy nhiều máu hơn và gây ra các vết bầm tím. Cần tránh dùng thuốc làm loãng máu trừ khi bác sĩ kê đơn. Loại thuốc này có thể làm suy yếu và thay đổi dòng chảy của mạch máu, dẫn đến viêm và tăng nguy cơ chảy máu, cũng như bầm tím./.
VOV