Người bệnh có thể được chỉ định đeo kính nhẹ hơn số độ cận thị giúp mắt dễ chịu khi làm việc.
Mắt tôi bị cận thị 20 năm. Trước kia khi cắt kính cận, độ diop cắt tương ứng với độ cận của mắt nên nhìn rõ. Nhưng hai năm trở lại đây, tôi đi khám định kỳ, bác sĩ chỉ định cắt kính giảm độ so với độ cận của mắt là 0,75 diop nên khả năng nhìn xa không rõ so với kính cắt đúng độ cận của mắt. Vì sao lại có chỉ định khó hiểu như vậy, nhờ bác sĩ tư vấn?
Trả lời:
Khi cắt kính, việc đo độ kính không chỉ dựa 100% vào độ mắt, mà còn tùy thuộc vào khả năng cảm nhận của người bệnh. Chẳng hạn, mắt bệnh nhân đo ra 3 độ, nhưng khi đeo kính 3 độ, bệnh nhân dù nhìn rõ vẫn hơi khó chịu và chóng mặt, khi đó bác sĩ sẽ giảm một chút xuống còn khoảng 2,5 độ. Điều này có thể chấp nhận được. Tất nhiên, khi giảm xuống 2,5 độ, bệnh nhân không thể đạt được thị lực tối đa 10/10 nhưng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Ngoài ra, ở một số trường hợp, người bệnh trên 40 tuổi thường gặp tình trạng bị lão thị, tức là nhìn xa thì được nhưng nhìn gần không rõ. Khi đo kính, bác sĩ có thể giảm độ kính của bệnh nhân xuống nhằm đảm bảo mắt sẽ dễ chịu hơn trong lúc nhìn ở cự ly gần, ngược lại nhìn xa không được tốt lắm.
Một trường hợp khác có thể xảy ra là tình trạng cận thị giả. Cận thị giả là sự chuyển thể của mắt về mặt khúc xạ, tạm thời, không liên tục sang dạng cận thị; tức là khi đó, ảnh của vật không hiện lên võng mạc để nhìn rõ nữa mà sẽ hiện ngay phía trước võng mạc. Biểu hiện của nó giống hệt cận thị nhưng nguyên nhân do sự co thắt tạm thời, thoáng qua của các lớp cơ thể mi, làm tăng công suất khúc xạ của mắt chứ không phải cận thị.
Chẩn đoán cận thị giả rất đơn giản với bác sĩ chuyên khoa mắt nhưng đôi khi họ quá tin tưởng vào việc đo mắt bằng máy đo khúc xạ tự động, do đó, máy in ra số độ bao nhiêu thì cho bệnh nhân đeo kính bấy nhiêu. Việc này rất có hại cho mắt bởi vì nếu bệnh nhân bị cận thị giả mà đeo kính không đúng số đo, thử trong vòng 15-20 phút, đi lại xung quanh để kiểm tra cảm giác như thế nào; sẽ làm cho mắt chịu áp lực, lúc nào cũng phải điều tiết, gây ra mỏi mắt, khó chịu. Nhưng ngược lại, nếu cận thị giả không được chẩn đoán sớm thì lâu ngày, cận thị giả sẽ chuyển thành cận thị thật.
THS.BS Phạm Huy Vũ Tùng
Chuyên Khoa Mắt, Khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
VNE